'Chí Phèo' Bùi Cường thành chiến sĩ biệt động

Được khán giả nhớ nhiều với vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy, NSƯT Bùi Cường còn để lại ấn tượng sâu sắc không kém qua nhân vật Năm Hòa trong phim Biệt động Sài Gòn năm xưa.

Đóng phim thêm bạn

Bùi Cường cười khà khà khi nhớ lại những ngày làm phim Biệt động Sài Gòn. "Làm sao quên được dù đã gần 30 năm rồi. Vai Năm Hòa dựa theo nhân vật có thật ngoài đời là Năm Nè. Lúc quay phim, ông Năm Nè cùng nhiều chiến sĩ khác cũng theo đoàn phim làm cố vấn về quân sự. Khi chưa gặp mặt, trong đầu tôi cứ hình dung những chiến sĩ biệt động thành tướng tá, mặt mày phải lạnh lùng, dữ tợn lắm, ai ngờ tiếp xúc rồi mới hay họ quá hóm hỉnh, rất có cảm tình và đậm chất Nam Bộ".

Rồi ông kể diễn viên và những chiến sĩ biệt động thực thụ đã trở thành bạn thân. Bao nhiêu năm qua tình bạn đó vẫn vững bền theo thời gian. Bận việc thì thôi chứ có cơ hội liên lạc là hẹn gặp nhau. Riêng ông Năm Nè giờ là cán bộ một công ty tại TP.HCM. "Chân tình và hiền lắm. Tôi không nghĩ con người như thế lại cầm súng chiến đấu quá kiên cường và anh dũng khi đánh vào Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tôi chỉ là diễn viên mà diễn lại cảnh đó còn toát mồ hôi, nhọc nhằn lắm! Cảnh quay làm như thật, cũng khói lửa ngút trời, tôi vào vai Năm Hòa tham gia đánh chiếm Tòa đại sứ Mỹ nhưng sau đó hy sinh. Trong phim, đạo diễn Long Vân để Năm Hòa và Sáu Tâm bị địch giết làm khán giả nhớ thương mãi. Đây là vai diễn khán giả cả nước nhớ đến tôi cho đến tận bây giờ", Bùi Cường nhớ lại.

Chấp nhận xấu để làm Chí Phèo

Bùi Cường tốt nghiệp khóa 2 trường Điện ảnh Việt Nam năm 1977. Năm 1978, ông vào vai đầu tiên Bí thư huyện ủy trong phim Bức tường không xây của đạo diễn Khắc Lợi. Năm 1980, ông được dịp cộng tác với đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc (bố của Hoa hậu Nguyễn Ngọc Khánh) phim Câu lạc bộ không tên trong vai anh bộ đội vào những ngày đầu giải phóng Sài Gòn. Vẻ ngây ngô, ngờ nghệch nhưng chân thật của những chàng trai lần đầu tiên tiếp xúc với các tiện nghi xa hoa của thành phố được ông thể hiện rất tốt trong phim này.

Cùng với vai Năm Hòa trong phim Biệt động Sài Gòn, vai Chí Phèo của Bùi Cường trong Làng Vũ Đại ngày ấy cũng gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Đây cũng là vai ông nhận được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 6 tổ chức ở TP.HCM năm 1983. Bùi Cường cho rằng mình gặp may: "Chẳng hiểu sao đạo diễn Phạm Văn Khoa đã "kết" tôi từ khi ông ngồi ghế ban giám khảo xét tuyển tôi vào trường Điện ảnh để rồi khi làm phim Làng Vũ Đại ngày ấy ông gặp tôi hỏi đúng một câu: “Cậu có chịu cắt tóc để vào vai Chí Phèo không?”. Tôi chịu liền, lúc đó đạo diễn có bảo cạo trọc tôi cũng làm huống hồ cắt tóc". Bùi Cường không chỉ bỏ mái tóc dài nghệ sĩ mà còn chấp nhận hóa trang gương mặt xấu đi để cùng Đức Lưu (vai Thị Nở) làm nên một cặp đáng nhớ của điện ảnh Việt.

"Là diễn viên chuyên nghiệp, đẹp xấu không quan trọng miễn sao mình hoàn tất vai diễn thật tốt là được. Ngày xưa là thế, còn bây giờ, trong vị trí đạo diễn tôi ít thấy diễn viên trẻ nào chịu làm xấu mình đi. Có diễn viên nam, hóa trang xong lựa lúc đạo diễn không để ý là soi gương "tút" lại mặt cho đẹp. Nam còn thế thì nữ khó mà chịu để mặt mộc đóng phim", ông nhìn nhận.

Duyên với phương Nam

Bùi Cường là người Hà Nội nhưng ông rất có duyên với phương Nam. Ông từng vào Sài Gòn trong thời gian dài để làm phim, đến giờ vẫn thế. Những bộ phim ông tham gia vẫn còn được khán giả nhớ như: Không có đường chân trời, Kẻ giết người... Năm 1990, ông chuyển sang làm đạo diễn phim: Người đàn bà không con (1996) - đoạt giải Đạo diễn đầu tay xuất sắc nhất do Hội Điện ảnh Việt Nam trao, Vị tướng tình báo và hai bà vợ - đoạt huy chương vàng LHP Việt Nam 2004, Năm ngày trong đời một vị tướng (2007) - nhận giải khuyến khích của Bộ Quốc phòng... Năm 1993, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT. Hàng loạt phim truyền hình ông làm đạo diễn gần đây cũng được khán giả quan tâm: Luật giang hồ, Trò chơi sinh tử, Mảnh sân chung, Khi con tu hú gọi bầy, Thiên đường ở trên cao, Qua những đêm lạnh giá, Trở lại bến xưa, Vào đời...

Hiện Bùi Cường sống cùng vợ và con gái lớn ở Hà Nội. Ông cho biết đã gả con gái út hồi năm ngoái. Hằng ngày, ông chơi đá cầu để giữ gìn sức khỏe. "Làm phim mà không có sức thì kể như toi. Tính tôi cầu toàn, không thích để trợ lý đạo diễn thay mình làm mọi việc. Đã làm phim là phải lăn lộn ở trường quay. Đạo diễn là người phải thổi hồn diễn xuất cho diễn viên. Đó là điều không thể chối cãi. Muốn có phim hay thì phải đầu tư tâm sức vào đó", ông thổ lộ.

Hai tuần nữa, Bùi Cường vào TP.HCM làm đạo diễn một bộ phim mới. Ông hẹn gặp tôi để còn kể nhiều về bộ phim sắp khởi quay. Giọng ông đầy hạnh phúc của người ở tuổi 63 vẫn còn được làm nghề.

Đỗ Tuấn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/chi-pheo-bui-cuong-thanh-chien-si-biet-dong-324255.html