Chi phí cao, người chăn nuôi không còn lãi

Chi phí, giá thức ăn chăn nuôi cao ngất, thời tiết không thuận lợi, thịt ngoại nhập giá rẻ là những bất lợi lớn trong thời vụ cuối năm của ngành chăn nuôi.

CôngThương - Thịt giá cao, người nuôi vẫn không lãi Tại TP. Hồ Chí Minh, mặc dù hiện tại một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt heo, gà, trâu bò vẫn đứng ở mức cao nhưng người chăn nuôi khó kỳ vọng về chuyện kiếm lãi từ chăn nuôi trong thời vụ từ nay đến cuối năm. Giá thịt heo về chợ đầu mối trên địa bàn TP. HCM bắt đầu tăng trở lại sau gần một tháng giảm mạnh vì nhu cầu tiêu thụ giảm. Tại các chợ bán lẻ như Tân Bình, Bà Chiểu, Tân Phú thịt heo đùi vẫn đứng ở mức giá 65.000-70.000 đồng/kg, thịt heo nạc 70.000-75.000 đ/kg, ba rọi 70.000-75.000 đ/kg, cao hơn thời điểm cuối tháng 9 khoảng 2000-5000 đồng/kg. Thịt bò phi lê 150.000 đ/kg, gà ta 140.000 đ/kg, gà công nghiệp 45.000 đ/kg, cao hơn cuối tháng 9 bình quân khoảng 7000-10 000 đồng/kg. Ông Nguyễn Bá Vinh, chủ trang trại nuôi heo ở quận 9 cho biết, dù thịt heo giá tăng trong khoảng gần một tháng nay nhưng các chi phí như con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chi phí khác cũng tăng mạnh nên người chăn nuôi chỉ thu hồi vốn thậm chí còn bị lỗ. Khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi heo, gia cầm (hai đối tượng chăn nuôi chính ở Việt Nam) là giá thức ăn chăn nuôi cao và liên tục tăng. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thức ăn chăn nuôi ở nước ta hiện chiếm 65-70% giá thành. Dù là quốc gia về nông nghiệp nhưng Việt Nam hàng năm vẫn phải bỏ ra trên 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước lại thiếu nhiều thứ như nguyên liệu, thiết bị, công nghệ để sản xuất. Vì thế, 70% thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là do các công ty 100% vốn nước ngoài nắm giữ. Theo đánh giá của Trung tâm Agroinfo (Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn), nếu so sánh giá nguyên liệu đầu vào và giá thịt đầu ra sẽ thấy rõ người chăn nuôi trong nước đang phải chịu sức ép lớn về giá thành. Nếu lấy mức giá tháng 1/2009 là 100% để so sánh thì giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ở mức đỉnh của năm 2008 đã tăng lên đến gần 200%. Còn hiện nay, tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao là 142%. Trong khi đó, giá thịt (đầu ra của chăn nuôi) ở mức đỉnh năm 2008 chỉ đạt 135%, và hiện nay cũng chỉ xấp xỉ như mức tháng 1/2009. Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn gia súc Việt Nam cho biết: các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phải nhập đến 70% nguyên liệu. Trong đó có các chất đạm, khoáng và vitamin phải nhập hoàn toàn, các loại nguyên liệu trên chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này cho thấy chiếm lượng lớn trong các loại nguyên liệu nhập khẩu là những loại nông sản, thủy sản, “đặc sản” mà nền nông nghiệp Việt Nam luôn tự hào là cái nôi sản xuất. Giá cám cao, đẩy chi phí chăn nuôi lên cao làm cho lợi nhuận của ngành chăn nuôi như heo, gà tụt giảm, mặt khác do tình trạng số lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu tăng và tiêu thụ với giá rẻ đã tác động trực tiếp đến quy trình chăn nuôi trong nước. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt năm 2008 đã tăng 177,9% so với năm 2007, đạt 189 triệu USD, đưa mặt hàng này có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm 2008. Kim ngạch nhập khẩu thịt 6 tháng đầu năm 2009 chỉ còn 58,58 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy lượng thịt ngoại giảm nhưng “hàng ngoại” vẫn có ưu thế trên thị trường do nhiều mặt hàng rẻ hơn hàng sản xuất trong nước nên chia thị phần thực phẩm là không nhỏ. Ngoài ra ngành chăn nuôi trong nước còn chịu áp lực khác như thuốc thú y giá liên tục tăng, con giống thiếu và không ổn định, dịch bệnh luôn rình rập, nạn tư thương “làm giá” khi có sản phẩm bán ra gây thêm khó khăn cho ngành chăn nuôi và khó có ai tránh được. Giảm khó khăn cho ngành chăn nuôi, cách nào? Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, ngoài chăn nuôi trâu bò, dê cừu, gia cầm cả nước hiện có trên 300 000 hộ chăn nuôi heo với tổng số đàn heo hơn 26 triệu con sẽ không đủ để cung cấp thịt cho hơn 86 triệu dân. Do cung không đủ đáp ứng cầu, dẫn đến giá thịt trên thị trường luôn biến động và thịt ngoại có cơ hội tràn vào, gây thêm khó khăn cho người chăn nuôi. Để giải bài toán về thức ăn chăn nuôi, nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở khu vực miền Đông Nam bộ cho rằng, cần phải liên kết giữa các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi với người chăn nuôi và nông nhân trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm bớt áp lực “thiếu cám giá lại cao”. Tỉnh Đồng Nai hiện là địa phương nuôi heo nhiều nhất (hơn 1,2 triệu con) và cũng là nơi có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhất nước. Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi nổi tiếng như CP, Cargill, Proconco, Vina, Thanh Bình tạo lạc tại Đồng Nai nhưng người chăn nuôi ở đây khó mua được cám rẻ để nuôi heo gà. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, mỗi năm Đồng Nai thu hoạch bình quân gần 650 ngàn tấn lúa, bắp, sản phẩm nông nghiệp hầu hết bán cho tư thương với giá thấp và bấp bênh, khó bán được giá cao cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Công ty Proconco sản xuất khoảng 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm, nhưng các chất vi khoáng, đậu nành... phải nhập gần 100%, các loại cám gạo, bắp mua trong nước không nhiều. Nhà máy ít tiêu thụ mua nguyên liệu tại chỗ là do bắp, cám gạo trong nước độ ẩm cao, dễ mốc, khó bảo quản trong thời gian dài để phục vụ cho sản xuất nên công ty phải chọn phương án nhập khẩu để đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Một chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết, sản lượng ngô trong nước sản xuất được rất nhiều nhưng 9 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã phải nhập khẩu 700.000 tấn bắp để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các nhà máy tiêu thụ ít ngô trong nước do nông dân chỉ phơi ngoài trời có độ ẩm quá cao, nếu để trong kho khoảng 2-4 tháng với thời tiết không thuận lợi sẽ bị mốc. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn gia súc Việt Nam Phạm Đức Bình, các loại nguyên liệu như bắp, cám gạo có độ ẩm cao thì các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục được nhưng vấn đề nằm ở chỗ chính sách vĩ mô quá tập trung vào xuất khẩu, dẫn đến những khoảng trống trên thị trường nội địa. Điều này làm cho giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam nằm trong top đắt nhất thế giới và khu vực, cao hơn giá thức ăn gia súc của Thái Lan khoảng 20%. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giá thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam không ổn định vì chi phí đầu vào sản xuất tăng cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo. Từ những khó khăn mà ngành chăn nuôi chưa tháo gỡ được, các chủ trang trại nuôi heo, gà công nghiệp dự báo heo, gà để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mùa Tết sắp đến sẽ không thiếu nhưng giá sẽ cao hơn năm trước ít nhất khoảng 15%. Ông Mã Thanh Bình, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở Định Quán, Đồng Nai nhận định: “Hiện tại chính là thời điểm gây đàn heo gà để đón thị trường tết nhưng chi phí cho chăn nuôi nằm ở mức cao ngất ngưỡng thì khó mà có sản phẩm giá hạ được”. Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/chi-phi-cao-nguoi-chan-nuoi-khong-con-lai/32/0/23353.star