Chi phí là rào cản của doanh nghiệp trong quản lý rừng bền vững

Chi phí thực hiện quản lý rừng bền vững ở mức cao được cho là yếu tố gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn địa phương trong việc quản lý rừng theo các cam kết với quốc tế.

Theo Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản sẽ đạt từ 18 đến 20 tỷ USD, đến năm 2030 đạt từ 23 đến 25 tỷ USD; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 – 2025, trên 1 triệu ha giai đoạn 2026 – 2030.

Những năm qua, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu, giúp cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng.

Hiện Việt Nam có 14,74 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ là 42,02%, trong đó rừng trồng chiếm 31%, tương ứng khoảng hơn 4 triệu ha. Diện tích rừng trồng được cấp chứng đạt 455.205 ha tại 31 tỉnh của Việt Nam (gồm 301.624 ha cấp chứng chỉ rừng FSC và 153.581 ha chứng chỉ VFCS - Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia).

Tại Hội nghị Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng ngày 29/11 do Cục Lâm nghiệp tổ chức, theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, thực thi cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu tại COP26, các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang ngày càng siết chặt nguồn cung gỗ hợp pháp. Năm 2022 xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 17,1 tỷ USD, 5 thị trường chính lại là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc khi tổng kim ngạch chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu.

Cũng theo Cục trưởng, hiện nay Việt Nam có khoảng 4 triệu ha rừng trồng, trong đó ngoài một số tập đoàn, công ty thì phần lớn là hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, điều này khiến việc thực hiện cấp chứng chỉ trở nên khó khăn. Người đứng đầu Cục Lâm nghiệp cho rằng đây là điểm chững lại, khiến việc cấp chứng chỉ của Việt Nam chỉ đạt ở mức 10% và có thể đạt sau kế hoạch mà Chiến lược đã đề ra.

“Hệ thống quản lý rừng bền vững của chúng ta đang vận hành cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại, đặc biệt đối với sản phẩm về gỗ”, theo Cục trưởng.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Trước những khó khăn trong việc quản lý rừng bền vững, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Cao Chí Công cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, ông Công cho rằng, nhiều địa phương mới chỉ "hô hào khẩu hiệu", nên cần có chương trình đào tạo bài bản hoặc tài liệu hướng dẫn để nhóm hợp tác xã lâm nghiệp được đẩy nhanh, từ đó hướng tới thực hiện quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh đó, cần luật hóa vấn đề quản lý rừng bền vững với mục tiêu nâng cao chất lượng rừng chứ không chỉ đơn thuần là cấp chứng chỉ. Cần có cuộc điều tra, nghiên cứu gần nửa triệu ha đã có chứng chỉ của Việt Nam mang lại hiệu quả như thế nào, có phương án rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xem xét chế tài xử lý đối với chủ rừng không xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Địa phương, doanh nghiệp nỗ lực đáp ứng yêu cầu về quản lý rừng bền vững

Dưới góc độ địa phương, Tuyên Quang hiện là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng lớn của cả nước khi có tới 193.000 ha. Tham luận công bố tại Hội nghị, tỉnh Tuyên Quang xác định quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là giải pháp đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp và đáp ứng các yêu cầu, cam kết quốc tế về quản lý rừng bền vững, phòng chống buôn bán gỗ hợp pháp.

Do vậy, từ năm 2015 tỉnh đã thành lập các tổ công tác gồm lãnh đạo sở, doanh nghiệp lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý tổ chức học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đi đầu về quản lý rừng bền vững. Thành lập tổ tham mưu để triển khai cấp chứng chỉ rừng bền vững trên địa bàn.

Kết quả, sau 8 năm thực hiện (2015 – 2023), toàn tỉnh Tuyên Quang có 48.786 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đứng thứ 2 cả nước. Tỉnh có 13/19 chủ rừng là tổ chức đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo kế hoạch trước năm 2025, toàn bộ chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về Quản lý rừng bền vững.

Dù vậy, tỉnh Tuyên Quang vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Cụ thể, nhu cầu gỗ có chứng chỉ của doanh nghiệp chưa ổn định, có thời điểm giá mua gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cao hơn không nhiều so với cam kết ban đầu, chỉ hơn từ 5-7%.

Đồng thời, kinh phí xây dựng và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát phương án quản lý rừng bền vững cũng như kinh phí đánh giá để cấp và duy trì chứng chỉ rừng là rất lớn. Ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Diệp Xuân Trường - Phó Trưởng Ban công nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Trong khi đó, là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong vấn đề quản lý rừng bền vững, chia sẻ tại Hội nghị, ông Diệp Xuân Trường - Phó Trưởng Ban công nghiệp, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, đến hiện tại doanh nghiệp đã có 32/64 công ty cao su thành viên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đạt 279.303 ha đáp ứng theo quy định quản lý rừng bền vững theo thông tư số 28.

18 thành viên của VRG cũng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) với trên 118.336 ha rừng cao su.

Giai đoạn 2023 – 2025, VRG đặt mục tiêu có 135.000 ha cao su của doanh nghiệp đạt chứng nhận VFCS/PEFC-FM. Có 45 nhà máy sản xuất đạt PEFC-CoC.

Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề chi phí vẫn còn tương đối cao (bao gồm chi phí tư vấn giai đoạn đầu, đánh giá, chi phí duy trì), sản phẩm chứng chỉ chưa đem lại giá trị gia tăng như mong muốn, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu theo VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia).

Theo ông Trường, quy trình sản xuất cao su có những đặc thù riêng, để đáp ứng các tiêu chí theo VFCS, doanh nghiệp cần cải thiện một số kỹ thuật như tăng đa dạng sinh học trên vườn cao su, chống xói mòn đất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường... Do vậy, VRG cần thời gian và kinh phí để khắc phục.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chi-phi-la-rao-can-cua-doanh-nghiep-trong-quan-ly-rung-ben-vung-post29652.html