Chi phí logistics nội địa của Việt Nam vẫn cao

Sáng nay (20/12), tại TP.HCM diễn ra 'Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022' do Bộ Công Thương tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Logistics tăng trưởng nhanh và ổn định với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP 4- 5%. Đến hết tháng 11/2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Âu - châu Mỹ tăng 11,8%, đạt 212 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 171 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, nhiều hàng hóa ở các cảng khu vực bị tắc nghẽn và chi phí logistics tăng rất cao. Hiện nay, tình trạng này đã được cải thiện và chi phí logistics giảm, có tuyến chi phí đã giảm về bằng mức năm 2019. Nhưng nhiều diễn giả nhận định, các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam sẽ khó khăn khi phải đối mặt với những hệ lụy của lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp logistics chia sẻ kinh nghiệm để tối ưu hóa chi phí. (Ảnh: Lệ Hằng)

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp logistics chia sẻ kinh nghiệm để tối ưu hóa chi phí. (Ảnh: Lệ Hằng)

Các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics. Đó là, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định, điều kiện thông quan ở các cảng quốc tế, các giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics và tận dụng mạng lưới kết nối đồng bộ của các công ty vận tải lớn nước ngoài để mở ra các kênh vận tải mới. Còn ở trong nước thì doanh nghiệp cần chú trọng đến kết nối hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì hiện nay, chi phí logistics tuyến vận chuyển nước ngoài đã giảm, nhưng chi phí trong nước thì vẫn còn ở mức cao.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho rằng: "Chi phí logistics trong nội địa sẽ có xu hướng lên cao nữa nếu không giải quyết vấn đề lưu thông. Hiện nay, các tỉnh thành đã có quy hoạch các tuyến đường sông, đường bộ. Nhiều doanh nghiệp đang hy vọng tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 được đẩy nhanh, kết nối với hệ thống cảng ở Đồng Nai, TP.HCM thì sẽ giảm được chi phí logistics"./.

Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chi-phi-logistics-noi-dia-cua-viet-nam-van-cao-post991639.vov