Chi phí logistics Việt Nam cao hơn bình quân chung thế giới

Chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8% -17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới.

Ngày 2-12, tại Cần Thơ, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2023 với chủ đề Logistics và chuyển đổi số cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Video: Chi phí logistics Việt Nam cao hơn bình quân chung thế giới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn logistics năm 2023. Ảnh: NHẪN NAM

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển logistics. Trong đó các nghị quyết, quyết định của Trung ương dành cho vùng ĐBSCL cũng có nhiều nội dung về phát triển logistics.

Theo ông Trần Tuấn Anh, ngành logistic của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.

Doanh nghiệp trong ngành logistic ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô, nâng cao năng lực trong quản trị, vận hành. Đến cuối năm 2021 có gần 35.000 doanh nghiệp với tổng số 563.354 lao động đang làm việc; thu hút FDI trong lĩnh vực logistic tăng mạnh…

Năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực, Việt Nam thuộc top 5, cùng thứ hạng với Philippine và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Diễn đàn logistics năm 2023 được tổ chức tại Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Tuy nhiên, ngành logistics trên phạm vi cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.

Hiện nay, theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8% -17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới.

Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...

Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, bên cạnh sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở các yếu tố về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics thể hiện ở các chỉ số chất lượng dịch vụ logistics, tính đúng giờ và khả năng theo dõi hàng hóa.

Cạnh đó, chuyển đổi số của hầu hết các doanh nghiệp logistic vẫn ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương mong muốn diễn đàn làm sao đánh giá được thực trạng về logistics năm 2023 gắn với quá trình chuyển đổi trên phạm vi cả nước và riêng vùng ĐBSCL; thực trạng về liên kết vùng về phát triển logistics; nhận diện những mô hình làm hay để có các đề xuất kiến nghị cụ thể về hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách mới…

Ông Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và địa phương, xây dựng các chuyên đề đánh giá sâu hơn về thực trạng và điều kiện, định hướng phát triển logistics trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2023. Ảnh: NHẪN NAM

Theo thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước.

Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics của vùng là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Vì vậy, diễn đàn hôm nay là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý cùng tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối ưu những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Cũng theo bà Thắng, chuyển đổi số trong logistics giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và giữa các bên trong chuỗi cung ứng. Từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, của ngành dịch vụ logistics và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/chi-phi-logistics-viet-nam-cao-hon-binh-quan-chung-the-gioi-post764632.html