Chi phí nhiên liệu và lỗ tỷ giá kéo lợi nhuận của Vietnam Airlines giảm sâu

Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân chính khiến kết quả lợi nhuận kém là giá nhiên liệu trong quý 3/2018 tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ do chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản nợ 1,8 tỷ USD của Vietnam Airlines tăng mạnh 25%.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018, bao gồm công ty mẹ và 20 công ty con và công ty liên kết, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 73,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm giảm 17% xuống 1,7 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu của của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA) tính riêng đạt 54,2 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 8,5% xuống 1,6 nghìn tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân chính khiến kết quả lợi nhuận kém là giá nhiên liệu trong quý 3/2018 tăng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán trong 9 tháng đầu năm tăng 21%, cao hơn so với doanh thu do giá nhiên liệu tăng. Vì vậy, biên lợi nhuận của Vietnam Airlines giảm xuống 13,4% trong 9 tháng đầu năm so với 15,4% cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, lỗ từ chênh lệch tỷ giá do nợ bằng USD trong 9 tháng đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tiền đồng Việt Nam trượt giá hơn 2% so với đồng USD. Chi phí tài chính tăng 12,4% trong 9 tháng đầu năm lên 2,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do lỗ do chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản nợ 1,8 tỷ USD của Vietnam Airlines tăng mạnh 25%.

Kết quả trên không đem lại nhiều hy vọng cho kết quả kinh doanh cả năm của Vietnam Airlines bởi thực tế, trong 3 năm qua, VNA đều bị lỗ hoặc đạt lợi nhuận rất thấp trong quý 4 (Quý 4/2015: lỗ 152 tỷ đồng, Quý 4/2016: lỗ 70 tỷ đồng, Quý 4/2017: lãi 6 tỷ đồng).

Kết quả lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm của Vietnam Airlines. Nguồn: CTCK Bản Việt.

Kết quả lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm của Vietnam Airlines. Nguồn: CTCK Bản Việt.

Tuy không thể viết nên câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn như đối thủ Vietjet Air (VJC), nhưng hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines vẫn chiếm thị phần lớn đối với các tuyến bay trong nước cũng như các tuyến bay kết nối Việt Nam với các trung tâm trong khu vực, cung cấp các dịch vụ tương đương các hãng hàng không truyền thống trong khu vực với giá cạnh tranh và các công ty con và liên kết đều độc quyền hoặc chỉ có một đối thủ trên thị trường dịch vụ hàng không.

Có thể thấy, doanh thu của VNA tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu nhờ các công ty con và công ty liên kết. Trong khi đó, doanh thu từ vận chuyển của Vietnam Airlines tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ hình thức bay thuê chuyến (charter) đạt tăng trưởng doanh thu 23%, chủ yếu là bay đến các nước Đông Á và công ty con Jetstar Pacific (Vietnam Airlines nắm giữ 68%) đạt tăng trưởng doanh thu 41%.

Hiền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chi-phi-nhien-lieu-va-lo-ty-gia-keo-loi-nhuan-cua-vietnam-airlines-giam-sau-post281432.info