Chi phí nuôi xe công 12.000 tỷ/năm: Câu chuyện Cà Mau

Thời gian đầu còn khó khăn, tâm lý lãnh đạo các sở, ngành còn rất nặng nề vì từ bỏ xe công là từ bỏ đi cái quyền của họ...

Dư luận đang xôn xao trước thông tin mà Kiểm toán nhà nước vừa công bố. Theo báo cáo về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm, ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm.

Tại thời điểm này, câu chuyện khoán xe công ở Cà Mau được nhiều người quan tâm. Sau một năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung (từ ngày 01/10/2018 đến 01/10/2019), ông Đoàn Quốc Khởi - Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau cho biết, mỗi năm đơn vị tiết kiệm được cho ngân sách địa phương hàng chục tỉ đồng.

Khoán xe công giúp Cà Mau tiết kiệm hàng chục tỉ cho ngân sách. Ảnh minh họa

Khoán xe công giúp Cà Mau tiết kiệm hàng chục tỉ cho ngân sách. Ảnh minh họa

Để bảo đảm thực hiện tốt việc vận hành xe, Cà Mau giao Trung tâm Dịch vụ tài chính công trực thuộc Sở Tài chính) tiếp nhận 143 xe công và tiếp nhận 67 nhân viên lái xe từ các đơn vị chuyển về. Trên cơ sở đó, đã tiến hành chọn lựa chọn 82 xe để phục vụ (67 xe phục vụ chính thức và 15 xe dự phòng), thực hiện điều chuyển 6 xe và trình cơ quan có thẩm quyền thanh lý 54 xe.

Ông Khởi cho biết, sau 1 năm thực hiện, hiện nay địa phương đã giảm được số đầu xe ô tô hiện có tại các đơn vị từ 138 xe xuống còn 78 xe. Giảm số lượng lái xe tại các đơn vị từ 109 người xuống còn 69 người. Giảm chi phí, diện tích xây dựng nơi quản lý xe, khai thác tối đa hiệu quả công suất của xe.

Tính chung, Cà Mau tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm trên 17 tỷ đồng.

Thống kê cụ thể từ Sở Tài chính cho hay, tính từ ngày triển khai đề án đến ngày 01/10/2019 có tổng số 7.008 lượt đăng ký sử dụng xe ô tô công. Ngày nhiều nhất có 57 lượt, ngày thấp nhất có 10 lượt đăng ký (không tính ngày nghỉ), có nhiều chuyến đi dài ngày, cao nhất là 12 ngày và cũng có nhiều chuyến đi công tác xa như các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đắk Lắk, Phú Yên, Vũng Tàu,...

Cà Mau cũng bố trí đủ các loại xe từ 4 chỗ, 7 chỗ, 10 chỗ, 12 chỗ, 16 chỗ, 25 chỗ, 29 chỗ, 36 chỗ luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, việc sử dụng xe sẽ phù hợp với số lượng người đi công tác.

Cách làm như vậy đã tránh được tình trạng trước kia đơn vị chỉ có 1 xe 7 chỗ thì khi đi 10 người không đủ chỗ ngồi phải thuê dịch vụ bên ngoài, khi đi 1 người dùng xe 7 chỗ thì dư chỗ ngồi, gây lãng phí nhiên liệu.

Cách điều hành trên cũng giải quyết được vấn đề cùng một cơ quan có nhiều lãnh đạo đi công tác một lúc. Hiện tại, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 lượt xe đi, với khoảng hơn 60 xe đang quản lý Trung tâm điều hành luôn bảo đảm tốt các hoạt động đi lại cho các cán bộ.

Hiện tượng sử dụng xe công vào việc riêng cũng được chấm dứt hoàn toàn.

"Việc tập trung xe về một đầu mối đã giải quyết được tình trạng này, đây là lợi ích của các đơn vị đồng thời tiết kiệm ngân sách nhà nước", ông Khởi nói.

Theo ông Khởi, đến thời điểm hiện tại, có hơn 100 đơn vị sử dụng xe ô tô công. Đa số các đơn vị tỏ ra hài lòng về chất lượng phục vụ, khả năng đáp ứng nhanh chóng và kịp thời theo yêu cầu công tác. Xe được đảm bảo an toàn tuyệt đối, có bộ phận theo dõi lịch trình, bảo dưỡng theo định kỳ, sửa chữa có kế hoạch do đó tài sản nhà nước được giữ gìn và sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách.

Số lượng nhân sự làm việc tại các cơ quan, cũng tinh giảm, gọn nhẹ, không phải thực hiện các hoạt động quản lý, bảo trì, sửa chữa và thực hiện các thủ tục đăng kiểm xe ô tô theo quy định.

Thêm vào đó, việc thực hiện cơ chế định mức khoán nhiên liệu khi sử dụng xe công tương đối phù hợp với định mức khoán tại đơn vị được ban hành theo Quy chế chi tiêu nội bộ đã giúp tiết kiệm được chi phí trong việc sửa chữa, bảo dưỡng và các khoản chi khác cho phương tiện.

Chi phí nuôi xe 12.000 tỷ đồng/năm: Nghịch lý và đề xuất

Đối với những xe thuộc diện thanh lý đang trong quá trình tổ chức bán đấu giá theo luật, dự kiến thu về cho ngân sách 6 tỷ đồng.

"Việc thanh lý xe hư hỏng, xuống cấp này góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí sửa chữa xe khi không còn đạt hiệu quả kinh tế, đồng thời đảm bảo được sự an toàn cho người đi xe", ông Khởi thông tin.

Ông Khởi chia sẻ, có được kết quả trên là nhờ ý chí và trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt của phía lãnh đạo chính quyền địa phương.

"Thời gian đầu thực hiện chúng tôi cũng đối diện với rất nhiều khó khăn. Về mặt tâm lý không dễ nhận được sự ủng hộ từ phía lãnh đạo các sở, ngành vì từ bỏ xe công là từ bỏ đi cái quyền được quản lý tài sản, quản lý xe của lãnh đạo.

Tuy nhiên, sau một năm triển khai Cà Mau đang nhận được sự ủng hộ của hầu hết các cấp chính quyền địa phương", ông Khởi giãi bày.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chi-phi-nuoi-xe-cong-12000-tynam-cau-chuyen-ca-mau-3389962/