Chỉ rõ nội dung, điều khoản nào đang gây ách tắc

Cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, lần sửa đổi này phải tập trung vào vấn đề then chốt nhất, giải quyết cho được những tồn đọng, vướng mắc hiện hữu, không phát sinh tồn đọng, vướng mắc mới, vấn đề phức tạp mới. Muốn vậy, phải nhận diện cho được những 'ách tắc' trong triển khai thi hành luật. Chúng ta nói do luật, thì lần này sửa luật phải chỉ rõ nội dung nào, khoản nào, điều nào 'ách tắc'.

Ách tắc ở đâu, sửa như thế nào?

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề pháp luật chiều qua đưa ra 5 nhóm nội dung chủ yếu, cụ thể được sửa đổi, bổ sung. Đó là: nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu. Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu. Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy hoạt động đấu thầu mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản xuất trong nước; tạo việc làm cho nhóm yếu thế, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo, công khai rõ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung của cơ quan soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, trong lần sửa đổi này phải tập trung vào vấn đề then chốt nhất, giải quyết cho được những tồn đọng, vướng mắc hiện hữu, không phát sinh tồn đọng, vướng mắc mới cũng như những vấn đề phức tạp mới. Muốn vậy, phải nhận diện cho được những “ách tắc” trong triển khai thi hành luật. "Chúng ta nói do luật, thì lần này sửa luật phải chỉ rõ nội dung nào, khoản nào, điều nào ách tắc”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân dẫn đến phải sửa Luật Đấu thầu, đó là do thủ tục phức tạp, khiến quá trình đấu thầu kéo dài - vậy khắc phục câu chuyện này trong dự thảo Luật như thế nào? Hay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu - ở đây có vướng mắc do pháp luật thiếu chặt chẽ, có “lỗ hổng” do thiếu công khai, minh bạch - vậy phải “bịt lỗ hổng” này ra sao, “vá” như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Ảnh: H. Long

Đáng lưu ý, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, sự thiếu minh bạch trong lần sửa đổi này là, giao Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều (gần 30% số quy định giao Chính phủ quy định chi tiết) với nhiều nội dung quan trọng, như phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, danh mục dự án đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư… Xu hướng là phải luật hóa để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, tuân thủ pháp luật trong triển khai thực hiện và kiểm tra, thanh tra, giám sát. Nếu giao Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều, có thể gây chậm trễ ngay trong quá trình hướng dẫn thi hành luật vào tạo thêm nhiều tầng nấc trung gian từ nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải quy định cụ thể ngay trong luật, tránh chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, để bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Liên quan đến các hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng (EPC), Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn, sai phạm còn nhiều, hầu như các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương là do EPC. Vấn đề đặt ra là: Luật Đấu thầu có vướng mắc gì về quy định này hay không, có cần xem sửa đổi gì không?

Không đi ngược xu hướng

Điều 19, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều trường hợp được chỉ định thầu, trong khi xu hướng là phải thực hiện đấu thầu - đấu thầu là văn minh, chỉ định thầu là trường hợp hãn hữu, chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết. Bổ sung trường hợp chỉ định thầu đồng nghĩa giảm đấu thầu, liệu có thuyết phục được Quốc hội hay không? Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần rà soát kỹ, lý giải thật rõ vì sao có đề xuất này?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thì ban soạn thảo phải bảo đảm nguyên tắc "lựa chọn nhà đầu tư tốt, thay vì lựa chọn nhà đầu tư rẻ". Cụ thể, ngay tại Mục 2, Chương IV dự thảo Luật cho phép dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư; danh mục dự án sau khi phê duyệt được phép công bố và cho tổ chức đấu thầu, phát hành hồ sơ mời thầu. Quy định này giản lược hơn rất nhiều so với quy định của Luật Đầu tư hiện hành, tức là bỏ thủ tục đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng. Quy định này mâu thuẫn với chính mong muốn lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, có năng lực. Nếu thiên về bỏ qua quy trình, không đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, thì nguy cơ cao chỉ lựa chọn được nhà đầu tư giá rẻ, chưa chắc đã đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm khi thực hiện các dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh chỉ rõ.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về quan điểm, cách tiếp cận, giải quyết nhiều nội dung cụ thể trong dự án Luật. Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII và các chỉ thị, nghị quyết liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật. Qua đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm, đầu tư công, quản lý sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Nhà nước.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/chi-ro-noi-dung-dieu-khoan-nao-dang-gay-ach-tac-i301187/