Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật Việt Nam tăng 10 bậc

Năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 32 đề nghị xây dựng văn bản và 251 dự án, dự thảo VBQPPL; Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 536 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 308 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 4.675 dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 2.836 dự thảo VBQPPL.

Năm 2022 các địa phương, đã ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 9,1% so với năm 2021)

Năm 2022 các địa phương, đã ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 9,1% so với năm 2021)

Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 luật, 06 nghị quyết và cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 VBQPPL. Ở các địa phương, đã ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 9,1% so với năm 2021); ban hành 2.739 VBQPPL cấp huyện (tăng 44,8% so với năm 2021); có 778 VBQPPL cấp xã được ban hành năm 2022 (giảm gần 70% so với năm 2021).

Số lượng VBQPPL ở địa phương nhất là cấp huyện, tăng nhiều so với năm 2021 phần nào cho thấy tình hình KTXH, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải kịp thời có những quy định điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội. Số liệu VBQPPL tại cấp xã giảm cũng phù hợp với chủ trương giảm VBQPPL ở cơ sở. Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống; nhờ đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và đánh giá cao.

Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2022 đã tăng 10 bậc (từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 83) - đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam tăng hạng. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã tham mưu, tập trung thực hiện pháp điển hệ thống QPPL với tinh thần khẩn trương. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành Bộ Pháp điển sớm hơn so với lộ trình đề ra (đã hoàn thành 263/271 đề mục, đạt 97% khối lượng Bộ pháp điển)...

Tại Hà Nội, Sở Tư pháp TP cho biết, năm 2022, Sở đã nghiên cứu, tổ chức góp ý, thẩm định hơn 261 văn bản do các Bộ, Ngành Trung ương, Đoàn Đại biểu quốc hội TP và các Sở, Ngành, quận, huyện, các cơ quan đơn vị trên địa bàn TP lấy ý kiến. HĐND TP đã ban hành 12 Nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND TP đã ban hành 38 Quyết định quy phạm pháp luật.

Công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã thường xuyên được đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, trong đó, cấp huyện đã ban hành 66 VBQPPL (Quyết định của UBND); các VBQPPL ở cấp huyện được tổ chức góp ý, thẩm định, hồ sơ đề nghị đúng quy định trước khi trình UBND cùng cấp ban hành. Chất lượng ban hành VBQPPL ngày càng được đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống VBQPPL giữa cấp huyện với TP và Trung ương.

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL được thực hiện thường xuyên, theo các chuyên đề, kế hoạch của Trung ương và TP: UBND TP đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 17/01/2022 về việc công bố danh mục văn bản QPPL của HĐND, UBND TP đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2021, gồm 46 văn bản, trong đó: 29 văn bản (06 Nghị quyết, 23 Quyết định) hết hiệu lực toàn bộ; 17 văn bản (07 Nghị quyết; 10 Quyết định) hết hiệu lực một phần.

Sở Tư pháp đã tổ chức tự kiểm tra 38 quyết định là VBQPPL của UBND TP, sau khi kiểm tra nhận thấy, các văn bản của UBND TP ban hành đúng thẩm quyền, đảm bảo đúng thể thức, kĩ thuật trình bày, không phát hiện có nội dung trái pháp luật; Các VBQPPL của TP được cập nhật thường xuyên, liên tục vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật.

Sở Tư pháp cũng đã tiếp nhận và thực hiện kiểm tra 51 VBQPPL được UBND các quận, huyện gửi đến, các văn bản chủ yếu quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện; Tại cấp huyện, Phòng Tư pháp đã tiếp nhận và thực hiện kiểm tra 30 văn bản do HĐND, UBND cấp xã gửi đến; Qua công tác kiểm tra các văn bản này có nội dung phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Tư pháp cho biết, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác cải cách thể chế. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các QPPL được giao chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.

Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành rà soát, khắc phục các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC; theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra VBQPPL, nhất là tăng cường các đoàn công tác liên ngành, kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế…

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chi-so-cai-thien-chat-luong-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-viet-nam-tang-10-bac-334870.html