Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tăng 17 bậc

Chỉ số B1 (Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật) của Việt Nam năm 2019 đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, góp phần nâng cao thứ hạng về cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0. Hiện, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018.

Chiều 8/11/2019, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về công tác Tư pháp quý 3 tháng 10/2019. Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo.

Trong quý III.2019, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 8 Khóa XIV.

Trong Quý III và tháng 10, Bộ Tư pháp đã thẩm định 94 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 16 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các dự án luật được trình QH Khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ Tám, Bộ Tư pháp đều có ý kiến rõ ràng, cụ thể, nhất là với các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn chung chung, chồng chéo, gây cản trở và khó khăn hoặc làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.

 Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ban hành được 8 văn bản (7 nghị định, 1 thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh.

Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết. Cũng trong thời gian này, Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với hơn 801 văn bản (gồm 36 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 765 văn bản của địa phương); qua kiểm tra đã kiến nghị xử lý đối với một số văn bản trái pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày, nội dung, thẩm quyền và văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cũng chia sẻ những trong các mặt công tác khác của ngành tư pháp như thi hành án dân sự, hành chính; lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp… và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác đến hết năm 2019.

Theo đó, Bộ tiếp tục tham mưu tổ chức việc tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng như: Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân...

Đại diện Vụ nghiệp vụ Bộ Tư pháp trả lời báo chí

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai nhiều hoạt động để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao chủ trì, đó là “Nâng xếp hạng Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật” (chỉ số B1).

Đến nay, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, góp phần nâng cao thứ hạng về cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0. Hiện, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Nhấn mạnh về những nhiệm vụ trong tâm những tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Bộ sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức việc tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; Rà soát, đôn đốc các bộ gửi hồ sơ để thẩm định đề nghị xây dựng các luật dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020.

Tại cuộc họp báo, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp và đại diện các đơn vị chuyên môn cũng đã trả lời các câu hỏi của các cơ quan báo chí như: trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND trong việc thi hành án hành chính; đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật; nâng cao Chỉ số tuân thủ pháp luật; đăng ký khai sinh mới và định danh cá nhân…

Hà Nhân

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/thoi-su/chi-so-chi-phi-tuan-thu-phap-luat-cua-viet-nam-tang-17-bac-78308.html