Chỉ số đánh giá công tác Phòng chống tham nhũng cấp tỉnh: Cần đảm bảo thống nhất, công bằng!

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai Báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, chuẩn bị cho việc thực hiện Luật PCTN 2018, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 -7- 2019.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đánh giá công tác PCTN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh PCTN.

Mặc dù vậy, qua kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc đánh giá công tác PCTN vẫn chưa có những bước chuyển đáng kể. Những phân tích, đánh giá về công tác PCTN hàng năm theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-TTCP vẫn mang tính mô tả, liệt kê, thiếu cụ thể, chưa làm rõ được về hiệu quả đấu tranh PCTN, cũng như chưa chỉ rõ ngành nào, lĩnh vực nào hay địa phương nào còn hạn chế trong PCTN.

Với việc áp dụng chỉ số PACA- chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, công tác quản lý Nhà nước về PCTN được đánh giá thông qua 6 tiêu chí và 27 tiêu chí thành phần. Tuy nhiên, kết quả đánh giá của các tỉnh có sự chênh lệch lớn về điểm số, điểm trung bình chênh lệch giữa các địa phương là 9,5 điểm.

Các đại biểu thảo luận về Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN của cấp tỉnh. (Ảnh: P.Thảo)

Các đại biểu thảo luận về Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN của cấp tỉnh. (Ảnh: P.Thảo)

Việc đánh giá cũng còn mang nặng tính hình thức, chiếu lệ mà chưa đi vào thực chất. Trong khi đó, pháp luật về PCTN hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm trách nhiệm đối với người thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành hoặc thực hiện việc đánh giá thiếu khách quan, không chính xác.

Bên cạnh đó pháp luật về PCTN hiện hành chưa hoàn thiện, hoặc quy định chưa rõ, dẫn đến việc nhận diện, đánh giá và chấm điểm của UBND cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, để đảm bảo việc đánh giá công tác PCTN một cách sát, đúng, khách quan, khoa học thì trong thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCTN và hoàn thiện hơn nữa Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN của UBND cấp tỉnh.

TS. Trần Văn Long, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra cho rằng, việc xây dựng các tiêu chí trong Bộ chỉ số cần đảm bảo tính thống nhất, công bằng và khách quan, gọn nhẹ và có hiệu quả, khả thi khi thu thập dữ liệu, nguồn số liệu có thể tiếp cận được dễ dàng... Đồng thời, cần quy định rõ về sự chênh lệch điểm đánh giá giữa Thanh tra Chính phủ và tỉnh thì xử lý thế nào, tổ chức buổi làm việc để cùng đánh giá lại hay theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, hay tính tỷ trọng điểm số giữa Thanh tra Chính phủ và địa phương?

Đại diện Bộ Nội vụ đề nghị gắn hệ thống áp dụng cho người dân, DN đánh giá với việc đánh giá chất lượng, công tác cải cách hành chính tại hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước địa phương và hệ thống này cần đơn giản, dễ hiểu.

Đồng thời, áp dụng công nghệ tin học trong hoạt động đánh giá và đảm bảo tính kết nối thông tin với các bộ công cụ đánh giá khác (Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh -PAPI; Chỉ số cải cách hành chính PAR Index, đánh giá chỉ số phát triển kinh tế...).

Đồng quan điểm, bà Đỗ Tâm Diệu Quỳnh, Trưởng phòng thanh tra PCTN, Thanh tra TP Hà Nội cho rằng, cần xem xét việc sử dụng kết quả đánh giá của các bộ chỉ số PAPI, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), PAR-index vào đánh giá công tác PCTN để tiết kiệm các nguồn lực. Bên cạnh đó, Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng phạm vi PCTN ra ngoài khu vực công. Vậy, khi đánh giá công tác PCTN ở cấp tỉnh có xem xét đến kết quả PCTN ở lĩnh vực ngoài Nhà nước không?

Đề cập đến thời điểm thi hành của Luật PCTN 2018 vào tháng 7 tới, bà Akiko Fujii - Phó Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, việc thi hành hiệu quả Luật PCTN năm 2018 là chìa khóa để Việt Nam có thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030, đặc biệt là Mục tiêu số 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh.

“Giải quyết được vấn đề tham nhũng sẽ tạo ra môi trường quản trị công kiến tạo, giúp thúc đẩy việc thực hiện tất cả các Mục tiêu còn lại”, bà Akiko Fujii nói.

Với việc áp dụng chỉ số PACA, công tác quản lý Nhà nước về PCTN được đánh giá thông qua 6 tiêu chí và 27 tiêu chí thành phần với tổng điểm là 20 điểm.

Cụ thể là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN; Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác quản lý kinh tế-xã hội nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN; Sự tham gia của xã hội trong công tác PCTN; Chế độ thông tin báo cáo về PCTN của UBND cấp tỉnh.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chi-so-danh-gia-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-cap-tinh-can-dam-bao-thong-nhat-cong-bang-142434.html