Chỉ số phục hồi Covid-19: Châu Á thăng hạng, Mỹ và châu Âu lao dốc vì Omicron

Chỉ số phục hồi Covid-19 mới cập nhật tháng 12 của Nikkei Asia cho thấy sự phân hóa lớn giữa khu vực châu Á và phương Tây, khi Mỹ và nhiều nước châu Âu chịu tác động lớn khi biến thể mới Omicron khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt...

Khử khuẩn tại một rạp chiếu phim ở Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á chiếm một nửa 15 vị trí dẫn đầu Chỉ số phục hồi Covid-19. Đến nay khu vực châu Á chưa ghi nhận đợt bùng phát dịch do Omicron nào và hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ tại đây có tình hình dịch bệnh tương đối ổn định trong tháng qua.

Ngược lại, Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo tại Mỹ - nơi ghi nhận kỷ lục hơn 1 triệu ca nhiễm một ngày hôm 3/1. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tụt từ vị trí 65 của tháng trước xuống 87 trong tháng này.

Omicron cũng đang khiến gây ra đợt bùng dịch mới tại Pháp và Anh - lần lượt xếp vị trí 57 và 59. và nhiều nước châu Âu. Cùng với Anh và Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy đều tụt hạng trong Chỉ số phục hồi Covid-19 tháng 12.

Australia, nơi cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh, đứng vị trí thứ 78 trong bối cảnh chính phủ nước này đang thúc đẩy các kế hoạch mở cửa trở lại.

Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia được công bố hàng tháng, đánh giá 122 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, việc triển khai tiêm vaccine và mức độ giãn cách trong xã hội. Quốc gia có chỉ số càng cao thì càng tiến gần tới trạng thái phục hồi với số ca nhiễm Covid-19 thấp, tỷ lệ tiêm vaccine cao và/hoặc ít phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn.

Xếp hạng mới nhất đã được điều chỉnh thay thế tiêu chí "số liều vaccine tiêm mới" bằng "độ bao phủ mũi vaccine tăng cường". Thay đổi này phản ánh thực tế nhiều quốc gia đang đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường cho người dân nhằm ứng phó với biến thể mới. Ngoài ra, dữ liệu về tỷ lệ tử vong trong ngắn hạn cũng được thêm vào làm một tiêu chí bổ sung trong hạng mục về quản lý ca nhiễm Covid-19.

Theo dữ liệu tháng 12, Pháp và Anh có tỷ lệ tử vong ngắn hạn lần lượt là 0,1% và 0,3%, trong khi tỷ lệ này của Mỹ là 0,8%. Đài Loan và Trung Quốc đại lục – đều đang duy trì chiến lược “không Covid” (zero Covid) – đều nằm trong nhóm dẫn đầu ở tiêu chí này với tỷ lệ tử vong thấp.

Dù vậy, Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức. Nước này mới đây đã tiến hành phong tỏa cố đô Tây An. Thành phố 13 triệu dân này đến nay ghi nhận khoảng 1.750 ca nhiễm Covid-19. Theo các nhà phân tích, làn sóng đi lại dịch Tết Nguyên đán tới đây sẽ đặt ra một phép thử nữa với chiến lược “zero Covid” của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều tăng một bậc trong xếp hạng tháng 12, lần lượt lên vị trí thứ 3 và thứ 5.

Hàn Quốc xếp vị trí thứ 7 sau khi số ca nhiễm tại nước này liên tục giảm và kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường được đẩy nhanh. Điểm số ở tiêu chí vaccine của Hàn Quốc là 29, mức cao thứ 6 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.

Trong khi đó, Nhật Bản bắt đầu chứng khiến số ca nhiễm tăng trở lại do biến thể Omicron với số ca nhiễm ngày 4/1 vượt mức 1.000 ca – lần đầu tiên trong ba tháng qua. Các chuyên gia dự báo số ca nhiễm tại nước này có thể tiếp tục tăng khi người dân trở lại sau kỳ nghỉ lễ - thời điểm các sân bay, ga tàu, đền, chùa đều đông nghịt. Nếu điều này xảy ra, xếp hạng của Nhật trong Chỉ số phục hồi Covid-19 có thể tuột khỏi vị trí thứ 12 hiện tại.

Tương tự, biến thể Omicron cũng đang khiến số ca nhiễm tại Ấn Độ gia tăng. Omicron hiện chiếm hơn 80% số ca nhiễm mới tại thành phố Delhi, nơi chính quyền đang áp đặt giờ giới nghiêm vào ban đêm và cuối tuần.

Ấn Độ đặc biệt dễ tổn thương trước biến thể Omicron do tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của nước này lên tới 3%. Chính phủ Ấn Độ dự kiến bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và cán bộ chống dịch tuyến đầu từ tuần tới. Hiện quốc gia đông dân thứ hai thế giới đứng thứ 37 trong Chỉ số phục hồi Covid-19, tụt 26 bậc so với tháng trước.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam và Lào tiếp tục giữ các vị trí gần cuối bảng - lần lượt là 118 và 120. Trước đó, trong Chỉ số phục hồi Covid-19 tháng 10, Việt Nam đã thăng hạng lên gần giữa bảng với vị trí thứ 95 nhờ động thái chuyển trạng thái chống dịch từ "zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Đáng chú ý, Thái Lan và Singapore đều thăng hạng mạnh trong tháng 12. Thái Lan từ vị trí 67 lên 30, còn Singapore từ 96 lên 23. Cả hai quốc gia này đều tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian đầu tạm dừng vì biến thể Omicron.

Hoài Thu -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chi-so-phuc-hoi-covid-19-chau-a-thang-hang-my-va-chau-au-lao-doc-vi-omicron.htm