Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam thăng hạng

'Lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của hệ thống tổ chức tín dụng'. Đó là một trong những nhiệm vụ được đưa ra tại hội nghị trực tuyến về Cải cách thủ tục hành chính và quyết tâm thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào sáng ngày 18/10.

Trong những năm qua, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam được đánh giá cao, đặc biệt trong năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Kết quả xếp hạng chỉ số CCHC (Par Index) trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017), ngân hàng nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số 19 bộ, ngành.

NHNN cho biết các tổ chức tài chính (TCTD) tích cực đổi mới, cải tiến các quy trình cấp tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Các quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ sau cải tiến đã được đơn giản hóa, đảm bảo thuận tiện, nhanh gọn cho khách hàng. Một số ngân hàng đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống đăng ký khoản vay trực tuyến qua internet và ứng dụng điện thoại, tạo điều kiện cho khách hàng chủ động đăng ký khoản vay trực tuyến, thông tin đã nhập của khách hàng được dùng làm cơ sở để thẩm định, kiểm tra nhu cầu tài chính của khách hàng, giảm thiểu thời gian tiếp xúc trực tiếp hoặc phải đến ngân hàng giao dịch, giảm bớt phiền hà cho khách hàng.

Một số ngân hàng cũng đã tích hợp hệ thống đánh giá tín dụng cá nhân và hệ thống phê duyệt khoản vay nhằm rút ngắn thời gian giải quyết khoản vay cho khách hàng.

Nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao để cung ứng đến khách hàng.

NHNN khẳng định, thời gian tới sẽ lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.

Chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử; tiếp tục tiến hành rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính; ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/chi-so-tiep-can-tin-dung-cua-viet-nam-thang-hang-tintuc420348