Chỉ thị 37 - Bước chuyển cách mạng trên hành trình nâng tầm vị thế của Hội

Năm 2019 này đánh dấu 15 năm Chỉ thị 37/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng 'Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới'. Chỉ thị 37 đã đi vào thực tiễn hoạt động của HNBVN, tạo nên những bước chuyển căn bản và tích cực.

Đảng Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có Tờ trình trình Ban Bí thư về việc tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ. Trên tinh thần đó, đã đến lúc cần có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về tầm vóc, ý nghĩa của Chỉ thị này sau 15 năm đi vào thực tiễn hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhân dịp này, báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với một số nhà báo để ghi lại những ý kiến bước đầu về những kết quả đã đạt được.

Giải báo chí Quốc gia do HNBVN tổ chức đã biểu dương khen thưởng kịp thời sức sáng tạo của người làm báo.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HNBVN, TBT Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương:

Chỉ thị 37 là văn bản khẳng định vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam các cấp

+ Thưa ông, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về bối cảnh ra đời của Chỉ thị 37/CT-TW? Cách đây 15 năm, trong vai trò là Chủ tịch HNBVN, ông đã đón nhận Chỉ thị này với tâm thế như thế nào?

- Trước khi ra đời Chỉ thị này thì thực tiễn Hội Nhà báo các cấp từ Trung ương đến địa phương có mấy vấn đề bất cập chưa được khắc phục. Thứ nhất, vai trò, vị trí của HNB các cấp chưa được các cơ quan chức năng hiểu một cách đúng đắn, thực chất và đầy đủ. Từ nhận thức này dẫn đến hiện trạng “Ba không” – không có trụ sở, không có biên chế và không có kinh phí. Do đó, HNB nhiều địa phương tồn tại trên hình thức, các hoạt động của công tác hội bị lu mờ. Tổ chức Hội dường như bị đánh giá là không có vai trò, không cần thiết phải củng cố, kiện toàn, nên không tập hợp cuốn hút được hội viên. Chẳng những vậy, mỗi khi có một vấn đề nào đó xảy ra liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, hay ảnh hưởng tới lợi ích của nhà báo thì lại thiếu tiếng nói có tính pháp nhân của Hội. Việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp – một trong những chức năng rất quan trọng của Hội không được coi trọng; trên thực tế, Hội không đủ sức để đảm nhiệm.

Trước tình hình đó, HNBVN, đặc biệt là Thường vụ Hội lúc bấy giờ đã họp nhiều phiên kiến nghị Ban Bí thư ra một Chỉ thị về nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới. Rất mừng là, dự thảo Chỉ thị này qua nhiều lần thảo luận và sửa chữa, Ban Bí thư đã đồng ý với hầu hết các nội dung Thường vụ HNBVN đề xuất. Ngày 18/3/2004, đồng chí Phan Diễn – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị 37.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

+ Như vậy, thưa ông có thể coi Chỉ thị 37 này đã tạo nên một “bước ngoặt” trong hoạt động của HNBVN?

- Đúng vậy. Là bởi, trong Chỉ thị 37, lần đầu tiên Ban Bí thư khẳng định lại một lần nữa vai trò, vị trí của Hội Nhà báo Việt Nam - “là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước”. Theo tôi đây là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng để từ đó HNBVN các cấp được tổ chức chặt chẽ. Trong nhận thức của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền đã khắc phục được hiện tượng “đánh đồng” HNBVN với các Hội xã hội – nghề nghiệp hay Hội nghề nghiệp khác. Từ đó, nhiều địa phương đã quan tâm tạo điều kiện về nơi làm việc, bố trí cán bộ chuyên trách, cấp kinh phí hoạt động. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động chính trị, nghiệp vụ chuyên môn được tăng cường, thu hút, tập hợp đông đảo hội viên tham gia. Hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm báo chí quốc tế được mở rộng. Hội báo Xuân được tổ chức thường xuyên, đặc biệt giải báo chí ở nhiều địa phương được tổ chức, cổ vũ những tác giả, tác phẩm báo chí có nội dung tư tưởng tốt và cách thực hiện sinh động. Ở Trung ương Hội đã kiến nghị nâng Giải báo chí toàn quốc của HNBVN thành Giải báo chí Quốc gia... Đặc biệt, Thường vụ HNBVN lúc đó đã có văn vản xin UBND TP. Hà Nội cấp đất để xây dựng trụ sở mới xứng tầm với vị thế của Hội. Đến nay, chúng ta vui mừng và tự hào đã có được tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam khang trang tại đường Dương Đình Nghệ, TP. Hà Nội.

+ Bám sát nội dung, lãnh đạo HNBVN đã “đưa chỉ thị vào cuộc sống”. Vậy, Chỉ thị đã có tác động đến hoạt động của HNBVN trong 15 năm qua như thế nào, thưa ông?

- Tôi thấy có mấy việc làm nổi bật. Đầu tiên là việc thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, vừa mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ vừa hỗ trợ giúp các địa phương, liên kết đào tạo bồi dưỡng chính trị và chuyên môn. Thứ hai là, xây dựng bài bản quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí. Trước đó, dù đã có Quy ước, nhưng chưa làm được đến nơi đến chốn. Chỉ khi có Chỉ thị 37 thì công việc này được tiến hành một cách chuyên nghiệp, công phu. Tôi nhớ là, lúc đó đã lập một nhóm chuyên gia, đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, khảo sát và tổng kết thực tiễn đạo đức nghề nghiệp trong nước. Vừa qua, sau khi có Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung), tôi rất hoan nghênh ban lãnh đạo HNBVN đã hoàn chỉnh 10 điều Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam. Thứ ba là, nâng Giải báo chí toàn quốc thành Giải báo chí Quốc gia đã được 13 năm thu hút hầu hết các hội địa phương tham gia, biểu dương, khen thưởng kịp thời sức sáng tạo của người làm báo...

+ Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn luôn tâm huyết với công tác của Hội. Vậy theo ông, chúng ta cần tiếp tục làm gì để tinh thần của Chỉ thị được lan tỏa tích cực và đạt hiệu quả cao hơn nữa?

- Theo tôi có mấy vấn đề chúng ta đã làm được rồi, nên làm tốt hơn nữa. Vai trò, vị trí của HNBVN cần được tiếp tục khẳng định mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống báo chí hiện nay. Điều này được thể hiện qua một số điểm. Thứ nhất, Hội phải cùng với các cơ quan báo chí động viên hội viên tích cực trong tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát hiện cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến đi liền với phòng, chống tham nhũng quan liêu, tiêu cực. Thứ hai là, trong Chỉ thị có nêu rõ, HNBVN phải phát huy vai trò giám sát, phản biện của báo chí với xã hội.

Việc này chúng ta đã làm rồi nhưng cần làm tốt hơn nữa vì đây chính là chỗ dựa để phát huy vị thế các cơ quan báo chí. Thứ ba là phải rốt ráo hơn trong tổ chức, kiểm tra thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vừa giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp đồng thời có tiếng nói kịp thời để bảo vệ quyền lợi của hội viên – nhà báo bị những thế lực xấu hành hung, bị cản trở tác nghiệp. Thứ tư là, nhân dịp tổng kết 15 năm Chỉ thị này nên tổ chức khảo sát, tổng kết bài bản tình hình hoạt động ở các cấp Hội gắn liền việc tổng kết 13 năm thực hiện Giải báo chí Quốc gia. Theo tôi, làm tốt mấy việc đó, chúng ta đã ngày càng biến HNBVN các cấp thành “mái nhà chung” của hội viên – nhà báo. Đấy cũng sẽ là cái đích quan trọng của việc tổng kết Chỉ thị 37 – CT/TU này.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Ông Hà Minh Huệ - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN:

Chỉ thị 37 đã bắt mạch đúng bệnh, kê đơn thuốc phù hợp để trị bệnh

Chỉ cần điểm lại 3 nội dung chính của Chỉ thị cũng đã thấy rõ vai trò của Chỉ thị đối với hoạt động của Hội Nhà báo như thế nào rồi. Chỉ thị nêu rõ những ưu, khuyết điểm trong hoạt động của Hội Nhà báo trong những năm qua, qua đó xác định 6 nhiệm vụ cơ bản cần thực hiện trong thời gian tới và 5 giải pháp tổ chức thực hiện để “tiếp tục nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam”. Đây là văn bản quan trọng của Đảng chỉ đạo Hội Nhà báo, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, các cơ quan báo chí khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra, đồng thời đề ra các nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các bên phối hợp và tạo điều kiện cho Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động có hiệu quả và chất lượng để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Ông Hà Minh Huệ

Ngay từ năm 2004, Ban Bí thư đã chỉ rõ 3 thiếu sót, khuyết điểm chủ yếu trong hoạt động của Hội Nhà báo cũng như trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền đối với Hội. Theo đánh giá của tôi, 3 thiếu sót, khuyết điểm mà Ban Bí thư đã chỉ ra (tóm tắt là: Nội dung, phương pháp hoạt động của Hội chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và tổ chức Hội chưa chặt chẽ; Cấp ủy, chính quyền một số ban, ngành ở Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo) rất chuẩn xác, cho tới nay vẫn đúng, và trong thời gian tới các chủ thể nêu trong Chỉ thị vẫn cần tiếp tục thực hiện để Chỉ thị của Ban bí thư đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả. Rõ ràng Chỉ thị 37 đã bắt mạch đúng bệnh, đã kê đơn thuốc phù hợp để trị bệnh.

Và thực tiễn cho thấy trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 37, vai trò và chất lượng hoạt động của Hội đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, kết quả thực hiện ở cấp Trung ương và cấp địa phương có khác nhau. Theo quan sát của tôi, các cấp Hội và các cơ quan Trung ương quan tâm thực hiện tốt Chỉ thị, trong khi ở địa phương thì chưa, vai trò của cấp Hội chưa được đề cao, sự quan tâm của chính quyền ở chỗ này chỗ kia chưa sâu sát và thiết thực. Chỉ thị 37 đã được các cấp Hội đón nhận nhiệt thành, coi đó là cơ sở pháp lý rất quan trọng để đẩy mạnh vai trò của Hội trong đời sống báo chí, tập hợp đội ngũ người làm báo trên quy mô toàn quốc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Là người tham gia lãnh đạo Hội trong nhiệm kỳ IX (2010- 2015), trong mỗi lần tổng kết công tác hằng năm của Hội chúng tôi đều yêu cầu các cấp Hội báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 37 và các văn bản chỉ đạo khác của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2013, lãnh đạo Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả tổng hợp lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Kết luận chung của Lãnh đạo Hội lúc đó là: Chỉ thị 37 vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là đường hướng chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cấp Hội, các hội viên thực hiện để Hội Nhà báo Việt Nam thực sự có vai trò, vị trí trong đời sống xã hội, có đóng góp xứng đáng vào việc phát triển và quản lý báo chí nước nhà, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Dựa trên kết quả tổng hợp báo cáo của các cấp Hội, nhận thấy việc một số cấp Hội ở địa phương chưa được các cấp lãnh đạo của tỉnh quan tâm đầy đủ theo đúng tinh thần Chỉ thị 37, lãnh đạo Hội đã đề xuất có cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động Hội.

Trong cuộc gặp làm việc ngày 23/7/2013 với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Lãnh đạo Hội đã báo cáo với Thủ tướng thực trạng công tác Hội (ở địa phương, nhiều hội được cấp kinh phí hoạt động rất ít, nhà báo miễn cưỡng làm lãnh đạo Hội do không được đảm bảo cơ chế, tự trào rằng ai về làm công tác Hội coi như bị kỷ luật (?!), và việc chính quyền địa phương yêu cầu các cấp Hội soạn và thông qua Điều lệ riêng theo quy định của Nghị định 45 NĐ-CP v.v...). Sau cuộc gặp, Văn phòng chính phủ đã ban hành Thông báo số 294/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, trong đó Thủ tướng đã giải quyết các vướng mắc, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Chính quyền thực hiện cơ chế phù hợp cho hoạt động Hội, đồng thời yêu cầu các cấp hội chủ động hơn nữa trong tổ chức hoạt động nghiệp vụ, đào tạo chuyên môn. Tiếp theo, sang năm 2014, Ban lãnh đạo Hội đề ra nhiệm vụ là khẩn trương triển hai thực hiện có hiệu quả các kết luận của Thủ tướng, tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 37. Tuy nhiên, do trục trặc trong một số khâu về tổ chức, vẫn chưa có kết luận của cấp trên về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị. Trong bối cảnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức rõ các thiếu sót, khuyển điểm của mình, tự nhận thấy cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị để nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của mình. Đến nay, hoạt động Hội nhìn chung thông suốt từ Trung ương xuống cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động của Hội, năng lực, phẩm chất của một bộ phận hội viên nhà báo vẫn còn có những hạn chế nhất định, có những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp v.v… Đó là trách nhiệm của Hội. Vấn đề còn lại là cấp ủy và chính quyền cần quan tâm thiết thực hơn nữa, tạo điều kiện cho Hội hoạt động dựa trên kết quả và chất lượng công tác.

Ông Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế:

Chỉ thị 37 là phao cứu sinh đối với các cấp Hội Nhà báo

Tôi phải khẳng định ngay rằng, Chỉ thị 37 của Ban Bí thư TW (khóa IX) ban hành kịp thời trước tình hình khó khăn của Hội Nhà báo (HNB), của báo chí, về hoạt động báo chí trong khu vực và thế giới có những thay đổi hết sức đa dạng và phức tạp; một Chỉ thị ban hành đã 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa bao giờ cũ. Một lần nữa Chỉ thị xác định lại vai trò hoạt động, chức năng đóng góp và sự cần thiết tồn tại của các cấp HNB địa phương, do vậy mà các cấp HNB cũng đã được đánh giá lại và nâng tầm nhiệm vụ lên ở một vị thế mới; là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây là sự quan tâm sâu sát, hết sức nhạy bén, cụ thể và thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với một tổ chức của những người hoạt động báo chí do Bác Hồ sáng lập và lãnh đạo. Chỉ thị 37 như là phao cứu sinh đối với các cấp HNB, hoạt động báo chí trên cả nước.

Ông Dương Phước Thu

Ở Thừa Thiên Huế, sau khi có Chỉ thị 37, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai trong toàn Đảng bộ; sự chuyển biến về nhận thức của các cấp các ngành khá rõ rệt đối với nội dung của Chỉ thị 37 nên đã có nhiều sự quan tâm cụ thể đến HNB, đánh giá đúng vai trò hoạt động của báo chí trước tình hình mới. Bên cạnh công tác thường xuyên như hỗ trợ bồi dưỡng lý luận chính trị, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên, Hội còn được UBND tỉnh đầu tư xây dựng trụ sở, bố trí biên chế, cấp ngân sách cho HNB hoạt động, tổ chức Giải Báo chí hằng năm của tỉnh mà HNB là cơ quan thường trực.

Quan trọng hơn là sự ứng xử, đối xử của lãnh đạo tỉnh với HNB và đội ngũ những người làm báo ở địa phương; khẳng định vai trò tích cực và hiệu quả trong phản biện của báo chí, tiếng nói của HNB trong nhiều hội nghị, hội thảo về kinh tế - xã hội, về quản lý đất đai… được lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng lắng nghe, đã tiếp thu, sửa chữa và có sự trao đổi lại, tạo uy tín và môi trường thuận lợi để HNB và báo chí hoạt động; báo chí đã phát huy chức năng định hướng thông tin chính thống nâng cao tính dân chủ xã hội thông qua nội dung phản ánh của các tác phẩm báo chí một cách lành mạnh. Có thể nói, Chỉ thị 37 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa IX) đã tạo điều kiện để nâng tầm và “xếp” vị trí của HNB tương đương như một “sở” ở địa phương.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-thi-37--buoc-chuyen-cach-mang-tren-hanh-trinh-nang-tam-vi-the-cua-hoi-post60311.html