Chi tiết nguyên nhân bùng phát dịch sởi, dấu hiệu bệnh sởi, cách tiêm phòng sởi chuẩn nhất

Nguyên nhân bùng phát dịch sởi, dấu hiệu nhận biết bệnh sởi, cách phòng tránh dịch sởi, số mũi tiêm phòng sởi chính xác là gì, thời gian nào tiêm phòng sởi hiệu quả... được cập nhật đầy đủ trên báo Người Đưa Tin.

Đại diện cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) vừa cho biết, tình hình dịch sởi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang có diễn biến phức tạp với số người mắc tăng rất cao.

Dịch sởi diễn biến phức tạp

Ở trong nước, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa và những đô thị (có số trẻ biến động lớn) có nhiều trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... có nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Theo PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế), năm nay bệnh sởi diễn biến bất thường khi có nhiều ca người lớn và trẻ em cùng mắc bệnh. Bên cạnh đó, hiện dịch sởi cũng tăng mạnh trên toàn thế giới. Ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Ukraine và Hoa Kỳ.

Trong số các địa phương có số người mắc sởi tăng cao thì tại Hà Nội từ đầu năm 2019 tới nay đã ghi nhận hơn 114 ca mắc sởi ở 20 quận huyện, trong khi đó so với cùng kỳ năm 2018 chỉ có 8 ca mắc.

Số ca trẻ em mắc bệnh sởi tăng nhanh.

Số ca trẻ em mắc bệnh sởi tăng nhanh.

Theo báo Đại đoàn kết, thống kê từ trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, từ đầu năm tới nay, toàn thành phố có 978 trường hợp mắc bệnh sởi xuất hiện đủ ở các quận, huyện. BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), nhận định, tình hình dịch sởi trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo các chuyên gia, tháng 1 hàng năm lẽ ra là thời điểm cuối “mùa sởi”, nhưng tại TP.HCM trẻ em, người lớn, thai phụ phải nhập viện hàng loạt vì bệnh sởi gia tăng. Không ít thai phụ mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi, chuyển dạ phải chuyển qua các bệnh viện phụ sản và sinh non.

Dịch sởi bùng phát do đâu

Phân tích từ các nhà khoa học, việc dịch sởi bùng phát tại một số nước hiện nay là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước và sẽ để lại hậu quả lớn cho sức khỏe người dân cũng như tăng chi phí điều trị so với việc chỉ phải tiêm vắc xin sởi thông thường.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1- TP.HCM lo ngại, dịch sởi gia tăng mạnh trên thế giới và Việt Nam những năm gần đây là do phong trào “anti vắc xin”, nhiều gia đình đã bỏ chích ngừa vắc xin phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, trong đó, mối đe dọa từ việc không tiêm vắc xin được WHO cho là 1 trong 10 mối đe dọa cho sức khỏe con người trong năm 2019. Theo WHO, sự do dự, miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc xin (đặc biệt, hiện nay có nhiều quan điểm anti vắc xin tại một số nơi), mặc dù có sẵn vắc xin, đe dọa đảo ngược mọi nỗ lực của con người đạt được trong công cuộc phòng ngừa, chống lại bệnh truyền nhiễm.

Làm gì để phòng ngừa dịch sởi bùng phát

Trước tình hình trên, để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi

Theo báo Giadinhvietnam.com, BS CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyến cáo 2019 là năm chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát vào 2014. Do đó, người dân không chủ quan khi người bên cạnh mắc bệnh sởi.

Bệnh nhân trong 3-4 ngày đầu phát hiện bệnh có thể điều trị ngoại trú và theo dõi cách ly tại nhà. Gia đình khi có người thân mắc sởi, cả nhà nên mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc, rửa tay, chân sạch sẽ và bổ sung vitamin C.

“Bệnh nhân tuần đầu phát ban nên hạn chế ra đường và tiếp xúc với người ngoài để tránh lây lan và chỉ nên nhập viện điều trị khi có biến chứng”, bác sĩ Hoa nói.

Tiêm phòng sởi cho trẻ em mấy mũi là đủ?

Theo lịch tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng như sau: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Trong tiêm chủng chiến dịch: Thực hiện tiêm vắc xin cho tất cả các đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.

Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng.

Đối với vắc xin tiêm chủng dịch vụ: Tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả các lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi.

Có thể tiêm phòng vắc xin phối hợp 3 trong 1 Sởi - Quai bị - Rubella khi trẻ 12 tháng tuổi. Tiêm 1 mũi cho trẻ vào tháng thứ 12 cho đến tháng thứ 15; tiêm nhắc lại một mũi sau 2-5 năm.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chi-tiet-nguyen-nhan-bung-phat-dich-soi-dau-hieu-benh-soi-cach-tiem-phong-soi-chuan-nhat-a422172.html