Chi tiết nhỏ, rắc rối lớn

Không ghi cụ thể địa điểm làm việc trong hợp đồng lao động dễ dẫn đến việc người lao động có thể bị điều động một cách tùy tiện

Theo quy định của Bộ Luật Lao động, hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thể hiện các nội dung chính trong quan hệ lao động, đặc biệt là công việc và địa điểm làm việc. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp nội dung "địa điểm làm việc" được thỏa thuận qua loa, chung chung theo kiểu "theo sự điều động của công ty" hay "theo yêu cầu kinh doanh". Từ đó làm phát sinh tranh chấp về sau khi người lao động (NLĐ) bị điều chuyển tùy tiện.

Nơi làm việc theo yêu cầu của chủ!

Ông Nguyễn Văn Hưng, ngụ tỉnh Bình Dương, ký HĐLĐ với một công ty đóng trên địa bàn TP HCM. Theo đó ông Hưng được bố trí làm việc tại một điểm kinh doanh của công ty ở khu vực Bình Dương, cách nhà chỉ khoảng 5 km. Khi công ty xảy ra một số tranh chấp lao động, ông Hưng đột ngột bị chuyển sang một vị trí công tác khác cùng tỉnh nhưng xa nhà hơn 30 km. Tiếp đó, khi chưa làm việc được bao lâu, ông Hưng lại bị điều động sang một tỉnh khác cách nhà gần 100 km. Quá bất lợi cho cuộc sống gia đình, ông Hưng khiếu nại nhưng không được công ty giải quyết với lý do đã thỏa thuận về việc chấp hành điều động của công ty.

Hợp đồng lao động không rõ ràng dẫn đến tranh chấp, khiếu nại

"HĐLĐ ghi địa điểm làm việc của tôi là "trong phạm vi toàn quốc", lấy lý do đó, công ty điều chuyển tôi đi liên tục. Thực tế, nếu như trước đây không vướng bận, tôi vẫn có thể chấp hành. Nhưng thời điểm đó vợ tôi mang thai gần sinh, làm sao tôi bỏ gia đình đi làm gần trăm cây số mỗi ngày như vậy được. Nhưng nếu tôi không nhận nhiệm vụ mới thì công ty cho là tôi không chấp hành" - ông Hưng nói.

Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Văn Hiệp, ngụ quận 10, TP HCM. Ông Hiệp làm việc cho một công ty tại quận 5, TP HCM. HĐLĐ của ông mô tả vị trí công việc là "tại công ty và các địa điểm khác khi có yêu cầu". HĐLĐ cũng ghi rằng "theo sự phân công của người quản lý trực tiếp" và "theo yêu cầu kinh doanh của công ty". Kết quả là khi tình hình kinh doanh của công ty có biến động, ông Hiệp bị điều động đi vòng vòng trong TP HCM mấy tháng. Ông Hiệp cho biết: "Tôi khiếu nại nhưng công ty không giải quyết vì viện dẫn HĐLĐ đã ký. Nói là TP HCM nhưng chạy xe từ đầu này qua đầu kia TP cũng gần cả trăm cây số. Ngay từ đầu tôi cũng thấy quy định như vậy là mơ hồ nhưng vì cần việc nên phải chấp nhận. Tôi đâu nghĩ có ngày phát sinh rắc rối như vậy".

Nên thỏa thuận lại cho hợp lý

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, quy định của Bộ Luật Lao động là nội dung HĐLĐ phải bảo đảm ghi rõ địa điểm công việc. Trong Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định thêm trường hợp "NLĐ làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính NLĐ làm việc". "Chi tiết nhỏ nhưng NLĐ cần hết sức để ý trong trường hợp thỏa thuận làm việc với doanh nghiệp có nhiều địa điểm kinh doanh. Việc thỏa thuận địa điểm làm việc sơ sài sẽ làm NLĐ thiệt thòi về sau khi bị điều chuyển trái với mong muốn. Việc này khi khiếu nại cũng sẽ khó khăn, phiền phức" - ông Triều cho biết.

Theo luật sư Lê Trọng Thêm, Đoàn Luật sư TP HCM, hiện nay việc quy định chung chung địa điểm làm việc khá phổ biến trong nhiều thỏa thuận công việc. Các văn bản luật hiện nay đều chưa đề cập rõ việc này. Cách tốt nhất là cần sự thỏa thuận lại giữa công ty và NLĐ để bảo đảm sự hài hòa, hợp lý. "Cơ sở cho việc thỏa thuận này có thể tham khảo theo quy định tại điều 404 của Bộ Luật Dân sự 2015, có quy định: Khi một hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng, mà còn phải căn cứ vào ý chí, nguyện vọng của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình. Việc giải thích cũng căn cứ các yếu tố hợp lý khác như mục đích, tính chất của hợp đồng... Do vậy, việc thỏa thuận lại giữa hai bên là cần thiết nếu có điều chuyển vị trí làm việc giữa các bên" - ông Thêm phân tích.

Cũng theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Thực tế phần lớn, HĐLĐ được người sử dụng lao động đặt ra. Ở đây cả hai bên đều có phần lỗi khi thỏa thuận sơ sài như thế. Việc thỏa thuận lại sao cho hợp lý là phù hợp để tránh các rắc rối phức tạp khi xảy ra tranh chấp trong quan hệ lao động.

Bài và ảnh: Bạch Đằng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/chi-tiet-nho-rac-roi-lon-20180530214826819.htm