Chi tiết quá trình 'đón' em bé đầu tiên chào đời từ tử cung của người hiến đã mất

Sự kiện đón thành công em bé được nuôi dưỡng từ tử cung của người hiến đã mất mở ra một cơ hội mới cho các cặp vợ chồng vô sinh. Và quá trình chuẩn bị cho sự kiện này đã bắt đầu từ tháng 9/2016.

Ca phẫu thuật ghép tử cung từ người hiến đã mất được diễn ra vào tháng 9 năm 2016 và kéo dài 10,5 tiếng.

Người nhận tử cung là một phụ nữ 32 tuổi bẩm sinh không có tử cung do hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH). Cô đã làm một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 4 tháng trước khi ghép, với kết quả là 8 trứng đã thụ tinh được bảo quản lạnh.

Người hiến là một phụ nữ 45 tuổi qua đời vì xuất huyết dưới nhện (một loại tai biến mạch não dây, chảy máu trên bề mặt não).

Các bác sĩ đã tiến hành nối tử cung, các tĩnh mạch, động mạch, dây chằng và đường âm đạo của tử cung người cho và người nhận.

Sau phẫu thuật, người nhận được lưu lại khoa hồi sức tích cực trong hai ngày, sau đó nằm 6 ngày ở khoa ghép tạng. Bệnh nhân được nhận năm loại thuốc ức chế miễn dịch, cùng với kháng sinh, điều trị chống đông máu và aspirin trong khi nằm viện. Thuốc ức chế miễn dịch được tiếp tục sử dụng trong khi điều tị ngoại trú cho đến khi sinh.

Năm tháng sau khi ghép, tử cung không có dấu hiệu thải tạng ghép, siêu âm cho thấy không có bất thường, và người nhận đã có kinh nguyệt đều.

Trứng thụ tinh được chuyển sau 7 tháng. Các tác giả lưu ý rằng họ có thể chuyển trứng đã thụ tinh vào tử cung cấy ghép sớm hơn nhiều so với các ca ghép tử cung trước đây (thường là sau một năm). Việc chuyển trứng được lên kế hoạch là sáu tháng, nhưng nội mạc tử cung lúc đó chưa đủ dày, vì vậy đã phải hoãn lại một tháng.

Mười ngày sau khi chuyển trứng, người nhận được xác nhận là có thai. Các xét nghiệm không xâm lấn trước sinh được thực hiện sau 10 tuần, cho thấy thai nhi bình thường và siêu âm ở tuần thứ 12 và 20 cho thấy không có dị tật thai nhi.

Không có vấn đề gì xảy ra trong quá trình mang thai của người nhận, trừ một lần nhiễm trùng thận ở tuần 32 được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong bệnh viện.

Bé gái chào đời nhờ mổ lấy thai lúc 35 tuần và ba ngày, và cân nặng 2550g. Tử cung ghép đã được cắt bỏ trong khi mổ lấy thai và cho thấy không có bất thường.

Cả người mẹ và em bé đều được xuất viện ba ngày sau khi sinh, với thời gian theo dõi diễn ra suôn sẻ. Liệu pháp ức chế miễn dịch đã được ngừng lại khi kết thúc phẫu thuật cắt tử cung. Lúc được 7 tháng và 20 ngày (khi bản thảo bài báo được viết), em bé tiếp tục bú mẹ và cân nặng 7,2kg.

"Việc sử dụng tử cung từ người hiến đã chết có thể mở rộng khả năng tiếp cận với điều trị, và kết quả của chúng tôi mang lại cơ sở cho một lựa chọn mới cho phụ nữ bị vô sinh do tử cung",Bs. Dani Ejzenberg, Bệnh viện das Clínicas, Faculdade de Medicina da Universidade de São Paulo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

"Những ca ghép tử cung đầu tiên từ người hiến còn sống là một dấu mốc y học lớn, mang lại khả năng sinh con cho nhiều phụ nữ vô sinh có người hiến phù hợp và các cơ sở y tế cần thiết. Tuy nhiên, nhu cầu về người hiến còn sống là hạn chế lớn nhất vì khó tìm, nhất là người nhà hoặc bạn bè thân thiết phải sẵn sàng và đủ điều kiện pháp lý. Số người sẵn sàng và cam kết hiến tạng khi qua đời lớn hơn nhiều so với số người hiến còn sống, mở ra một số lượng người hiến tiềm năng lớn hơn nhiều”.

Các tác giả lưu ý rằng ghép tử cung từ người hiến đã qua đời có thể có một số lợi ích so với từ người hiến tặng còn sống, bao gồm loại bỏ nguy cơ phẫu thuật cho người hiến còn sống, và nhiều nước đã có hệ thống quốc gia được thiết lập tốt để điều tiết và phân phối tạng từ người hiến đã qua đời. Ngoài ra, thông qua việc chuyển trứng đã thụ tinh sớm hơn, sẽ giảm được thời gian phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, có thể giúp giảm tác dụng phụ và chi phí.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Fundação de Amparo à Pesquisa do Estado de São Paulo và Bệnh viện das Clínicas, Đại học São Paulo, Brazil. Nó được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện das Clínicas, Đại học Y khoa São Paulo.

Phẫu thuật ghép tử cung sẽ tiếp tục được hoàn thiện

Ghép tử cung là một đại phẫu và người nhận tử cung cần phải khỏe mạnh để tránh các biến chứng trong hoặc sau đó. Phẫu thuật sử dụng liều cao thuốc ức chế miễn dịch, có thể giảm trong tương lai. Phẫu thuật cũng liên quan đến mức độ mất máu vừa phải, tuy nhiên có thể kiểm soát được.

Người nhận và chồng của cô đã được tư vấn tâm lý hàng tháng từ các chuyên gia về ghép tạng và sinh sản trước, trong và sau khi ghép.

Viết trong một bình luận liên quan, BS. Antonio Pellicer, IVI-Roma, Ý, nhận xét rằng trong khi phẫu thuật là một bước đột phá, nó vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện ban đầu và nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải quyết. Ông nói:

"Trên tất cả, nghiên cứu trong lĩnh vực này (dù là người hiến còn sống hay đã chết) cần tối đa hóa tỷ lệ sinh sống, giảm thiểu nguy cơ cho các bệnh nhân trong phẫu thuật (người hiến, người nhận và đứa con chưa sinh), và tăng nguồn tạng ghép. Với sự phát triển của lĩnh vực này, số ca phẫu thuật sẽ tăng lên, và điều này sẽ cho phép các nhà khoa học thiết lập các kiểu thiết kế nghiên cứu khác nhau, chẳng hạn như nghiên cứu so sánh (lý tưởng nhất là ngẫu hóa) hoặc nghiên cứu tiến cứu trong thời gian dài.

Trong một lĩnh vực đang ngày càng phát triển như ghép tử cung, vai trò của các mạng lưới và tổ chức hợp tác như Hội ghép tử cung quốc tế hoặc các nhóm quan tâm mới trong các tổ chức khoa học hiện có sẽ là rất quan trọng. Học cần thúc đẩy việc đào tạo và hướng dẫn sao cho các tổ chức lần đầu tiên thực hiện ghép tử cung có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của những người đi trước, họ cũng nên khuyến khích tiến hành các ca phẫu thuật tiếp theo và báo cáo một cách minh bạch".

Hiện nay, hiến tử cung chỉ dành cho phụ nữ có người thân trong gia đình sẵn sàng hiến tặng. Trong tình trạng thiếu người hiến còn sống như hiện nay, kỹ thuật mới có thể giúp tăng nguồn tạng ghép và mang đến cho người phụ nữ nhiều lựa chọn mang thai hơn.

Trước đây, đã có 10 ca ghép tử cung khác từ người hiến đã qua đời được thực hiện tại Mỹ, Cộng hòa Séc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đây là trường hợp đầu tiên có kết quả sinh con sống.

Trường hợp sinh con đầu tiên sau khi ghép tử cung từ người hiến còn sống xảy ra ở Thụy Điển vào tháng 9 năm 2013 và cũng được công bố trên tờ The Lancet.

Tổng cộng, đã có 39 ca phẫu thuật thuộc loại này, với kết quả 11 trường hợp lần sinh con sống cho đến nay.

Những phát hiện mới chứng minh rằng việc ghép tử cung từ người hiến đã qua đời là khả thi và có thể mở ra cơ hội cho tất cả phụ nữ bị vô sinh do những vấn đề về tử cung, mà không cần phải có người hiến còn sống. Tuy nhiên, kết quả và tác động của tử cung từ người hiến còn sống và đã qua đời vẫn chưa được so sánh, và các kỹ thuật phẫu thuật và ức chế miễn dịch còn cần được tối ưu hóa trong tương lai.

Vô sinh ảnh hưởng đến 10-15% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Trong nhóm này, 1/500 phụ nữ có bất thường tử cung do dị tật bẩm sinh, cắt bỏ tử cung hoặc nhiễm trùng. Trước khi có những tiến bộ trong ghép tử cung, những lựa chọn duy nhất để những phụ nữ này có con là nhận con nuôi hoặc mang thai hộ.

Theo Dantri

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/chi-tiet-qua-trinh-don-em-be-dau-tien-chao-doi-tu-tu-cung-cua-nguoi-hien-da-mat-tintuc424644