Chi tiêu của 4 gia đình ở những nơi có mức sống cao nhất Việt Nam

4 gia đình ở Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh chia sẻ về số tiền chi tiêu trong một tháng. Tất cả đều thừa nhận mức sống tăng cao nhưng thu nhập ít thay đổi.

Theo báo cáo năm 2022 của Tổng cục Thống kê, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM là 3 địa phương có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước, trong đó, Hà Nội là nơi có mức sống đắt đỏ nhất.

Giữa bối cảnh giá cả sinh hoạt ngày một tăng, nhiều gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, phải học cách lên kế hoạch sử dụng tiền. Chuyển từ cuộc sống độc thân sang xây dựng gia đình, cùng nửa kia làm quen để cân đối chi tiêu, tiết kiệm, nuôi dạy con cái cũng là điều thách thức.

4 gia đình hiện sống tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM chia sẻ với Zing cách họ phân bổ thu chi, tiết kiệm tiền bạc, lập kế hoạch tài chính.

Minh Ngọc (gia đình 4 người ở Hạ Long, Quảng Ninh)
Mức chi tiêu: 45-50 triệu đồng/tháng

Tôi không có thói quen ghi cụ thể từng khoản chi tiêu trong gia đình, phần vì bận, phần vì không phải người quá kỹ tính. Thông thường, tôi chỉ ước chừng khoản này cần bao nhiêu, khoản kia tốn thế nào.

Trong gia đình tôi, vợ chồng giữ tiền riêng. Chồng phụ trách chi phí sinh hoạt chung, tiền học và bỉm sữa cho con, tôi lo khoản tiết kiệm hàng tháng.

Cũng có lần chồng từng muốn tôi giữ tiền chung của cả nhà nhưng với tôi, việc dồn tiền để vợ hay chồng nắm vô hình trung sẽ gây áp lực cho bản thân người đó khi phải tính toán chi tiêu sao cho phù hợp. Việc chia ra sẽ khiến vợ chồng biết san sẻ, giảm gánh nặng cho nhau.

Ngoài một phần tiết kiệm, các khoản cố định hàng tháng gia đình tôi phải chi bao gồm: tiền ăn uống (20 triệu đồng), điện nước (4-5 triệu đồng), tiền học của con lớn 7 tuổi (2 triệu đồng), tiền bỉm sữa, quần áo cho con nhỏ một tuổi (5 triệu đồng), chi tiêu cá nhân (15 triệu đồng) và tiền gửi về hai bên nội ngoại. Các khoản này đều hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

So với mặt bằng chung ở Hạ Long, tôi thấy chi tiêu của gia đình ở mức bình thường. Có lẽ sinh ra và lớn lên, sau đó lập gia đình ở thành phố này nên tôi khá quen với việc chi tiêu sinh hoạt như thế nào. Vì vậy, khi vật giá tăng, tôi cũng khó nhận ra và không có nhiều ảnh hưởng.

Nguyễn Ngọc Anh (gia đình 3 người ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Mức chi tiêu: 30-40 triệu đồng/tháng

Với hai vợ chồng và một bé hơn một tuổi, mỗi tháng gia đình tôi cần chi cho việc ăn uống, điện nước, tiền học cho con, bỉm sữa, sinh hoạt gia đình, thuê giúp việc, tốn kém nhất có lẽ là các khoản xoay quanh việc nuôi con. Nói chung, bố mẹ nào cũng muốn cho con điều tốt nhất, chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Thu nhập của hai vợ chồng không cố định do đều làm việc kinh doanh riêng song với hai đứa, đây là mức nằm trong khả năng cho phép, có thể kiểm soát được. Ngoài quỹ tiết kiệm chung, chúng tôi phân ra ai lo mảng nào sẽ chủ động chi mảng đó.

Vợ chồng tôi xây dựng quỹ chi tiêu riêng cho các khoản lớn, ví dụ như quỹ dành cho sinh hoạt, tiền học cho con, du lịch, quỹ dự phòng… Với các hạng mục thường ngày như đi chợ, ăn uống, xăng xe, tôi thường chi trước, sau đó tổng kết lại vào cuối tháng để đánh giá hợp lý không, tăng hay giảm so với tháng trước chứ cũng không quá chi li ở mục này.

Vì thu nhập không cố định, tiền chúng tôi chia vào các quỹ cũng sẽ du di theo từng tháng. Việc tiết kiệm đối với vợ chồng tôi không quá khó, song cũng cần tính toán. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là khi xây quỹ cho mục đích gì thì cần nhất quán, tránh việc tiêu tiền sai mục đích hoặc lấy quỹ nọ bù quỹ kia. Đây là điều đôi khi chúng tôi vẫn mắc phải và đang cố gắng điều chỉnh.

Vợ chồng tôi cảm nhận được mức chi tiêu ở Hà Nội khá cao so với những nơi từng đi qua ở Việt Nam, nhất là chúng tôi lại sống ở chung cư nên kèm theo nhiều chi phí khác.

Để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, chúng tôi thực hiện theo vài phương pháp. Đó là tập sống theo phong cách tối giản, chỉ mua những món thực sự cần thiết; tập tự làm những món phục vụ sinh hoạt thay vì bỏ tiền ra mua như nước ép, trà lên men, tự nấu ăn ở nhà (việc trước đây tôi rất ít khi làm).

Bên cạnh đó, chúng tôi rèn luyện thói quen sử dụng điện, nước tiết kiệm vừa giảm chi phí vừa bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thi thoảng, hai đứa cũng gọi xin bà ngoại “tiếp tế” thực phẩm ở quê, vừa rẻ lại vừa sạch.

Cao Thủy (gia đình 3 người ở TP Thủ Đức, TP.HCM)
Mức chi tiêu: 25-30 triệu đồng/tháng

Tôi bắt đầu sống ở TP.HCM từ khi còn là sinh viên vào năm 2004. Vợ chồng tôi kết hôn năm 2012 và cũng mua nhà riêng trong năm đó.

Khi còn độc thân, tôi từng sống ở nhiều quận, khu vực tại TP.HCM như quận Bình Thạnh, quận 3, quận 10… để tiện đi học và đi làm.

Tuy nhiên, đến lúc lập gia đình, tôi và chồng mong muốn ổn định cuộc sống ở thành phố Thủ Đức vì giá nhà đất ở đây phù hợp với túi tiền, không khí lại mát mẻ, đường sá cũng rộng rãi hơn.

Chồng tôi hiện là giám đốc kinh doanh của một công ty tư nhân, còn tôi là kế toán trưởng. Trung bình mỗi tháng, gia đình chi tiêu khoảng 25-30 triệu đồng. Trong đó, tiền học của con gái 10 tuổi và tiền ăn là hai khoản tiêu tốn nhiều nhất (cụ thể tiền ăn chiếm 50% và tiền học chiếm 30% mức chi tiêu mỗi tháng).

Giống như nhiều gia đình khác, chúng tôi cũng luôn lập kế hoạch chi tiêu, thu nhập để cân đối và điều chỉnh khi thấy bất hợp lý.

Ngoài ra, hai vợ chồng thường nhờ người thân ở quê mua thực phẩm tươi sống, đóng thùng và gửi vào dùng dần. Cách làm này giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí ăn uống mà còn đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh, dinh dưỡng cho cả nhà.

Sau gần 20 năm sinh sống ở TP.HCM, tôi nhận thấy mức sống ngày càng tăng, thể hiện qua giá thực phẩm, xăng dầu, số tiền mua sắm đồ gia dụng, quần áo… Trong khi đó, thu nhập của gia đình tăng tùy thời điểm, nhưng chưa tương xứng với mức tăng của chi tiêu.

Sắp tới, vợ chồng tôi sẽ chào đón con thứ hai. Gia đình vui vì sắp có thêm thành viên, nhưng cũng áp lực về vấn đề tài chính. Năm ngoái, chúng tôi đã mở thêm tiệm kinh doanh cà phê, song thu nhập chưa cải thiện nhiều.

Như Thùy (gia đình 3 người ở Hà Đông, Hà Nội)
Mức chi tiêu: hơn 10 triệu đồng/tháng

Sau khi nhận lương hàng tháng, vợ chồng tôi có thói quen chia nhỏ các khoản chi tiêu cho từng mục đích như tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, tiền tiết kiệm cho con, tiền biếu ông bà… Làm như vậy sẽ không bị lẫn các khoản vào với nhau và quan trọng nhất là không bao giờ tiêu quá tay.

Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi chi tiêu khoảng hơn 10 triệu đồng. Những khoản tốn kém nhất là tiền nhà, tiền điện nước và lo cho con 7 tháng tuổi, chiếm khoảng 60% tổng mức chi tiêu hàng tháng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng, sau đó có 5 năm theo học, làm việc ở TP.HCM. Vợ chồng tôi mới chuyển đến Hà Nội sinh sống thời gian gần đây, nhưng nhanh chóng nhận thấy mức sống của thành phố quá cao.

Tôi ước chừng mức sống ở Hà Nội phải cao gấp 2-3 lần ở quê. So với TP.HCM, mọi khoản chi tiêu đều cao hơn. Giá thuê nhà ở vùng ven của Hà Nội thậm chí ngang ngửa với giá thuê ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Chồng tôi là bộ đội, còn tôi vừa ở nhà chăm con nhỏ, vừa làm thêm ở nhà để kiếm thêm thu nhập. Mức sống ngày càng tăng nhưng thu nhập không đổi khiến các cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi gặp không ít khó khăn.

Giai đoạn tôi cảm thấy áp lực nhất là những lúc con đau ốm. Không chỉ tiền đi viện, thuốc men tốn kém, mà tôi còn phải dành toàn bộ thời gian để chăm lo cho con nên không thể làm gì ra tiền trong những ngày này. Chính vì vậy, tôi lại càng dè sẻn và tiết kiệm hơn. 10 triệu đối với nhiều gia đình là ít nhưng với tôi, số tiền này là vừa đủ vì "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" mà!

Huệ Lâm - Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-tieu-cua-4-gia-dinh-o-nhung-noi-co-muc-song-cao-nhat-viet-nam-post1420076.html