'Chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại qua cách đọc vuông, tròn là không đúng'

TS Đàm Quang Minh cho rằng lấy một góc, một trang sách hay clip để đưa lên chỉ trích không phản ánh đầy đủ phương pháp luận giáo dục.

Clip cô giáo dạy đọc qua dấu chấm, hình vuông gây tranh cãi Sau khi xem clip cô giáo dạy học sinh đọc qua dấu chấm, hình vuông, nhiều cư dân mạng đã vội vàng chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại, dù chưa tìm hiểu kỹ.

Mấy ngày qua, cư dân mạng tranh cãi nảy lửa sau khi một clip về cô giáo dạy học trò đánh vần theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại được đăng tải. Nhiều người cho rằng đây là cách đánh vần cải cách theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông tin sai lệch này khiến nhiều phụ huynh tức giận khi cho rằng Bộ GD&ĐT đang âm thầm đưa cách dạy này vào các trường học.

Theo nội dung video, cô giáo hướng dẫn học sinh đọc câu thơ: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" bằng cách nhìn vào dấu chấm, ô vuông.

Từ đó, cộng đồng mạng thi nhau tranh luận về cách đánh vần theo sách Công nghệ Giáo dục (mà GS Hồ Ngọc Đại đặt nền móng). Nhiều người công kích, mỉa mai phương pháp đánh vần và cá nhân GS Hồ Ngọc Đại, dù chưa tìm hiểu kỹ lưỡng những thông tin xung quanh phương pháp giáo dục của ông.

Một trang trong sách Tiếng Việt Công Nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

"Nhiều người hiểu nhầm về phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại"

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay dạy đọc kiểu ngữ âm chỉ là một trong 3 phương pháp chính để dạy đọc cho trẻ mới bắt đầu. Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục đang dùng phương pháp dạy đọc mới so với cách truyền thống, tuyệt nhiên không thay đổi hệ thống ký tự, chữ viết. Do đó, giảng viên này cho hay những ai công kích GS Đại đang phá hoại tiếng Việt là không đúng.

Mặt khác, theo cô Huyền, nhiều người đã hiểu nhầm khi đánh đồng cách đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại với việc cải cách chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền. Thực tế, PGS.TS Bùi Hiền muốn cải tiến chữ viết, trong khi GS Đại chỉ đưa ra phương pháp đánh vần khác với cách truyền thống. Hai việc này hoàn toàn khác nhau.

Bạn đọc Duy Lâm cho rằng hình thức phân biệt tiếng trong câu bằng cách đọc theo hình vuông, hình tròn là bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 theo phương pháp này. Nếu tìm đọc sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục, phụ huynh sẽ dễ dàng nhận thấy đây là bài học đầu tiên tách lời thành tiếng.

Bản in của sách Giáo dục Công nghệ năm 1987.

Các ô vuông tượng trưng cho số tiếng phát ra khi đọc một câu. Khi trẻ chưa tiếp xúc chữ cái thì việc dùng các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng là cách đơn giản, tránh gây nhầm lẫn cho trẻ. Dĩ nhiên, các hình vuông, tròn không đại diện cho chữ.

Cô Huyền thông tin thêm để trẻ phân tích được tiếng, âm, giáo viên sẽ ưu tiên dùng vật dụng, hình ảnh đơn giản để tượng trưng. Trẻ lớp một tư duy trực quan hành động, trực quan hình ảnh vẫn chiếm ưu thế. Việc dùng các vật thật hoặc hình ảnh để mô hình hóa khái niệm trừu tượng là chiến lược dạy học hợp lý. Điều này không chỉ áp dụng cho việc dạy chữ, dạy đọc và không chỉ áp dụng ở Việt Nam.

Hình lego được dùng để thể hiện số âm tiết trong tiếng Anh.

Bạn Duy Lâm cho biết khi dạy tiếng Anh, giáo viên cũng dùng các hình lego để thể hiện cho số âm tiết trong một từ.

Theo TS Đàm Quang Minh, nhiều người đã hiểu nhầm về phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại.

TS Minh cho rằng thật ra tác giả cách đánh vần đang gây xôn xao dư luận hiện nay là của nhà giáo Phạm Toàn. Cùng với GS Hồ Ngọc Đại, ông đã xây dựng chương trình của sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục.

Triết lý căn bản của công nghệ giáo dục đã có từ trên 100 năm và đã trở thành thông dụng trên thế giới.

Gốc rễ của phương pháp chính này là học tập kiến tạo. Học tập kiến tạo cho rằng người học sẽ tự hình thành kiến thức dựa trên các trải nghiệm và suy luận mà không do thầy cô rót vào đầu. Chính vì vậy tăng cường xây dựng các trải nghiệm học tập sẽ giúp người học nhanh chóng có được kiến thức và kỹ năng.

Phương pháp học tập này cổ vũ việc thảo luận, tranh biện. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ hơn là việc giải bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.

Theo TS Đàm Quang Minh, trường thực nghiệm đầu tiên trên thế giới do John Dewey - "cha đẻ" của giáo dục hiện đại - mở năm 1896 tại Chicago (Mỹ). Nền tảng của phương pháp giáo dục này dựa trên tâm lý học và ngày nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Một số nhà tâm lý học giáo dục cấp tiến đã đưa về Liên Xô (cũ), trong đó có thầy của GS Hồ Ngọc Đại.

Hơn nữa, không chỉ các trường dạy theo công nghệ giáo dục mới áp dụng phương pháp này. Thực tế, các trường quốc tế ở Việt Nam đã áp dụng từ lâu. Một số trường Việt Nam cũng thực hành phương pháp này như trường Đinh Thiện Lý, hệ thống trường Việt Úc (TP.HCM), trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, Olympia (Hà Nội). Ngoài ra, nhiều trường chuyên ở các tỉnh như Lào Cai, Tây Ninh cũng khá thành công với công nghệ giáo dục.

"Vì vậy, lấy một góc, một trang sách hay một clip để đưa lên chế giễu không phản ánh đầy đủ phương pháp luận giáo dục", TS Đàm Quang Minh khẳng định.

Chứng kiến những tranh cãi về phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại những ngày qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã kêu gọi cần làm một đánh giá thực nghiệm về kết quả phương pháp giáo dục này.

TS Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục, cũng ủng hộ việc thực hiện đánh giá thực nghiệm về phương pháp giáo dục của GS Đại. "Nếu chưa làm thì phải làm ngay; hoặc làm rồi mà chưa đủ đại diện, chưa đủ 'mạnh khỏe' thì cũng nên làm lại. Chúng ta có đủ chuyên gia có năng lực để làm việc này. Nhưng nếu thận trọng hơn chút, lùi lại và nhìn kỹ hơn, có lẽ cần đánh giá với lối tiếp cận tổng quan hơn", ông Hiệp nói.

Một nghiên cứu, đánh giá về ưu, nhược điểm phương pháp giáo dục của GS Đại so với chương trình hiện hành sẽ giúp phụ huynh yên tâm hơn khi lựa chọn cách học cho con em mình.

Bên cạnh những lời bình phẩm tiêu cực, vẫn có nhiều lời kêu gọi mọi người cần nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, khoan phán xét khi chưa am hiểu tường tận và tôn trọng sự khác biệt. Việc chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại chỉ thông qua một đoạn video mà chưa tìm hiểu kỹ là không đúng.

Không nằm trong chương trình phổ thông mới

Trước đó, trả lời Zing.vn về vấn đề phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại, cũng như sách tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục không phải sách giáo khoa nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS Thuyết cho biết tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới không dạy lý thuyết ngôn ngữ. Ảnh: Bảo Ngọc.

Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học. Do được chỉ đạo ghép với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều tỉnh thành muốn áp dụng VNEN đã tiếp nhận sách này, đưa vào một số trường tiểu học ở địa phương mình.

Hơn nữa, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho biết tinh thần chung của chương trình giáo dục phổ thông mới là ưu tiên phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, không dạy lý thuyết ngôn ngữ học.

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Giáo dục Công nghệ, cũng khẳng định tài liệu này không phải chương trình riêng, không thuộc nội dung được quy định trong chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới (sắp được ban hành), cũng như chương trình Tiếng Việt năm 2000 (chương trình hiện hành).

Ông Hùng cho biết phương pháp dạy học tiếng Việt nói chung và dạy học đánh vần nói riêng của tài liệu của Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục phần nào gây tranh cãi và còn có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu.

Chương trình chỉ quy định các yêu cầu cần đạt về kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Cụ thể là sau một năm học, học sinh có khả năng đọc, viết, nói và nghe đến mức độ nào.

Ví dụ, chương trình Tiếng Việt - Ngữ văn mới quy định học xong lớp 1, học sinh “Đọc đúng âm, vần, tiếng, từ, câu (có thể đọc chưa thật đúng một số tiếng có vần khó, ít dùng). Đọc đúng và rõ ràng đoạn văn hoặc văn bản ngắn, tốc độ đọc: 40-60 tiếng một phút. Biết ngắt hơi ở chỗ có dấu phẩy, dấu kết thúc câu hay ở chỗ kết thúc dòng thơ; bước đầu biết đọc thầm.

Chương trình không bắt buộc học sinh phải được học theo phương pháp nào. Nói cách khác, chương trình giáo dục chỉ quy định mục tiêu cần đến, còn con đường đi đến mục tiêu, trên thực tế, khá đa dạng và sẽ được lựa chọn bởi tác giả sách giáo khoa và giáo viên.

Chính vì thế, sắp tới, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của các nhóm tác giả khác nhau có thể sử dụng những phương pháp dạy học đánh vần khác nhau.

Giáo viên giải thích phương pháp đánh vần 'vuông, tròn, tam giác' Thầy giáo Nguyễn Thành Nam giải thích cách đánh vần theo phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chi-trich-gs-ho-ngoc-dai-qua-cach-doc-vuong-tron-la-khong-dung-post875158.html