'Chìa khóa' cho tương lai phát triển tỉnh Cà Mau

Cà Mau là tỉnh vùng cực Nam địa đầu Tổ quốc, có nhiều tiềm năng nhưng hiện quy mô nền kinh tế tỉnh còn chưa xứng tầm. Vì sao?

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2019. Những ngày cuối năm, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đang dồn sức cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau ngày 11/12/2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau ngày 11/12/2019.

Báo cáo tại cuộc buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/12 vừa qua, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, dự kiến năm 2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng. Thu ngân sách hơn 5.500 tỷ đồng. Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu (1,1 tỷ/1,2 tỷ USD).

Dự kiến, năm 2019, tỉnh Cà Mau tiếp tục đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng nuôi tôm nước lợ (khoảng 280 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích của cả nước; sản lượng đạt 208,5 nghìn tấn).

Cà Mau từ lâu đã được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, lĩnh vực du lịch và cụm công nghiệp khí-điện-đạm.

Tỉnh có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển là 254km, thuộc hành lang ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ, lại nằm ở trung tâm vùng biển của các nước Đông Nam Á - những khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo.

Tất cả những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trên đã tạo cho Cà Mau những lợi thế so sánh không dễ có được đối với một số tỉnh khác trong khu vực.

Mặc dù có nhiều lợi thế như vậy, nhưng người đứng đầu tỉnh Cà Mau cho biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn thấp so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL (tốc độ tăng trưởng chỉ đứng thứ 12/13).

Nguyên nhân theo ông Nguyễn Tiến Hải, do Cà Mau là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

Bên cạnh đó, yếu tố địa chất, nền đất yếu, hệ thống kênh rạch đan xen phức tạp dẫn tới suất đầu tư và chi phí xây dựng cao hơn các khu vực khác, giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Vậy, cần làm gì để tỉnh Cà Mau tận dụng được lợi thế, phát triển mạnh kinh tế?

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận lãnh đạo tỉnh có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và phát triển tương đối toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh không cao nhưng mức tăng trưởng trong nông nghiệp đạt cao hơn bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; thế mạnh về nuôi tôm, trồng rừng và dịch vụ được chú trọng đầu tư, phát triển.

Hạ tầng kinh tế xã hội tại Cà Mau cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là giao thông nông thôn, qua đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

"Cà Mau là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nuôi tôm và cũng là tỉnh có kết quả giảm nghèo bền vững tiến bộ," Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ ra một số khó khăn của Cà Mau, Thủ tướng cho rằng quy mô nền kinh tế còn hạn chế và đặc biệt là đặc thù của một địa phương chịu tác động nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu của cả nước.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động còn hạn chế, chưa có nguồn lao động chất lượng cao đảm bảo, tương xứng với yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Cà Mau làm tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, đi liền với nâng cao dân trí, đổi mới giáo dục.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Cà Mau cần tập trung đầu tư phát triển một cách chủ động không chỉ danh mục mà còn cả các nội dung các chương trình, dự án để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. Đặc biệt, tỉnh cần chủ động có biện pháp đối phó với hạn hán, thiên tai của năm 2020.

Thủ tướng cũng gợi ý Cà Mau tập trung phát triển các mô hình doanh nghiệp công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Đặc biệt, trong tiến trình phát triển, tỉnh cần chú ý hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nguồn động lực của khối kinh tế tư nhân; đồng thời gìn giữ màu xanh, phát triển rừng và bảo vệ môi trường. Trong tuyển chọn dự án đầu tư, tỉnh cần cân nhắc, chọn lựa những nhà đầu tư bài bản, có tiềm năng tài chính, nguồn lực tốt.

Thủ tướng gợi ý rằng đầu ra của phát triển nông nghiệp tại Cà Mau phải hướng đến thị trường quốc tế, đi đôi với không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Chính quyền và doanh nghiệp đều phải có tư duy hội nhập,” Thủ tướng nói và yêu cầu Cà Mau tăng cường công khai, minh bạch hóa trong quản lý điều hành; tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhiều hơn nữa.

Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh cần coi “khoa học và công nghệ là chìa khóa” trong hội nhập và phát triển, nhất là công nghệ sinh học và công nghệ mới phù hợp với đặc thù của địa phương và tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đi liền với đó là phải “thay đổi tư duy quy hoạch phát triển,” Thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu tỉnh tái bố trí dân cư theo hướng tập trung, chủ động hơn theo hướng mô hình cụm, tránh manh mún, nhỏ lẻ.

Đặc biệt, để tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai, tỉnh cần hết sức lưu ý đến việc trồng rừng, phát triển rừng; đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực cho phát triển. Tỉnh cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Thủ tướng căn dặn chính quyền tỉnh phải chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Trung ương là tăng cường phân cấp cho địa phương trong quản lý, phát triển. Do đó, tỉnh cần xác định tâm thế, củng cố năng lực thực hiện các chương trình, dự án trong kế hoạch 5 năm 2015-2020.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phải sớm triển khai, hoàn thành dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau bởi đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Trong năm 2019, tỉnh Cà Mau vẫn loay hoay với bài toán làm thế nào để phát triển kinh tế địa phương, và đã từng bước nỗ lực thực hiện để đạt được kết quả như hiện có.

Hy vọng, với sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo, gợi ý rất cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc trong buổi làm việc vào những ngày cuối năm 2019 vừa qua, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, 2020 sẽ là năm "bứt phá" về kinh tế của tỉnh Cà Mau.

"Chìa khóa" cho tương lai phát triển đã có. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh mà thôi!

Bảo Lam

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chia-khoa-cho-tuong-lai-phat-trien-tinh-ca-mau-163157.html