'Chìa khóa' để giáo dục tiểu học phát triển bền vững

Đến nay, Thái Nguyên đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Đây chính là 'chìa khóa' để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Giờ học môn Tiếng Việt của cô và trò lớp 2, điểm trường Liên Phương, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Đồng chí Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 là điều đáng mừng, song duy trì và nâng cao chuẩn phổ cập mới là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục, các trường học thực hiện tốt công tác kiểm kê, rà soát, nắm chắc số trẻ trong độ tuổi PCGDTH ở từng xã, phường, thị trấn để huy động trẻ đi học đúng độ tuổi. Đồng thời cập nhật thông tin vào bộ hồ sơ PCGDTH, cũng như đề ra nhiều giải pháp để duy trì và nâng cao kết quả phổ cập...

Có mặt tại Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai) thời điểm trước thềm năm học mới 2023-2024, chúng tôi được cùng các thầy, cô giáo của Trường đi đến từng xóm làm công tác điều tra phổ cập. Theo thầy giáo Vũ Kỳ, Hiệu trưởng Nhà trường: Để thực hiện tốt công tác phổ cập, Trường đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, chia thành các nhóm điều tra, nhập dữ liệu. Nội dung điều tra tập trung thống kê trình độ văn hóa trong nhân dân theo mẫu, đối tượng cư trú trên địa bàn quản lý.

“Dù thời tiết có lúc nắng gắt, nhiều hôm lại mưa to, đường đi vào một số xóm, bản rất khó khăn, nhưng với tinh thần và trách nhiệm, chúng tôi đã đến từng hộ dân để thực hiện điều tra phổ cập sao cho cụ thể, chính xác. Sau đó, chúng tôi lập phiếu điều tra theo hộ gia đình, nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục, chống mù chữ. Ở vùng này chủ yếu là học sinh dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, nên cùng với điều tra phổ cập, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các gia đình cho con đi học đúng độ tuổi” - cô giáo Hà Thị Xuyến, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sảng Mộc (Võ Nhai) chia sẻ.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sảng Mộc (Võ Nhai) xuống các xóm, bản thực hiện công tác điều tra phổ cập giáo dục.

Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, những năm qua, Võ Nhai đã đầu tư hệ thống trường, lớp từ bậc học mầm non đến phổ thông phù hợp ở các vùng, miền, đáp ứng được yêu cầu học tập của con em các dân tộc. Tuy nhiên, huyện vẫn còn 8 xã, 16 xóm đặc biệt khó khăn, 75 điểm trường lẻ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trình độ dân trí không đồng đều; giao thông liên thôn không thuận lợi; dân cư ở phân tán nên công tác PCGD nói chung rất gian nan.

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, đặc biệt là thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ chi phí học tập, thu hút học sinh người dân tộc thiểu số vào các trường nội trú, bán trú, nên công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, PCGDTH, PCGDTHCS được thực hiện tốt. Năm 2023, Võ Nhai được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 15/15 đơn vị xã, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3.

Đối với huyện miền núi Định Hóa, công tác PCGDTH cũng được đặc biệt quan tâm. Năm học 2022-2023, huyện đã huy động 1.700 học sinh 6 tuổi vào lớp 1, đạt 100%; số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 1.525/1.552 em, đạt tỷ lệ 98,26%. Các thôn, xóm, xã, thị trấn đều có người phân công theo dõi công tác PCGDTH. Các trường tiểu học đạt 1,04 phòng/lớp, các phòng học đảm bảo đủ thiết bị tối thiểu phục vụ dạy và học. Đối chiếu các quy định, 23/23 xã, thị trấn của huyện Định Hóa đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3.

Tính chung trong toàn tỉnh, năm học 2022-2023, Thái Nguyên có 210 trường tiểu học và 19 liên cấp tiểu học - THCS. Để duy trì và nâng cao chất lượng PCGDTH mức độ 3, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ PCGD, xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025. Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ về PCGDTH được quan tâm, đổi mới phương pháp; đồng thời thường xuyên rút kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt hơn.

Hàng năm, các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, bổ sung, cập nhật số liệu về PCGDTH; huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp và học xong chương trình tiểu học; mở rộng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia để chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi của tỉnh được duy trì một cách bền vững.

Mạng lưới trường, lớp học được tăng cường, đảm bảo đủ 1 phòng học/1 lớp, đủ điều kiện để tất cả các trường tổ chức học 2 buổi/ ngày đối với các khối lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục, nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao. Hiện nay, trong tổng số gần 6.700 cán bộ, giáo viên tiểu học, có 80,86% đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Cơ cấu giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đối với những xã miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, các nhà trường đã bố trí tăng thêm thời lượng môn Tiếng Việt đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Với những giải pháp thiết thực, năm học 2022-2023, số trẻ 6 tuổi (sinh năm 2016) vào lớp 1 trong toàn tỉnh là 21.897 em, đạt tỷ lệ 100%. Trẻ 11 tuổi (sinh năm 2011) hoàn thành chương trình tiểu học là 21.836 em, đạt tỷ lệ 98,47%. 178/178 xã, phường, thị trấn, 9/9 huyện, thành phố và tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn PCGDTH mức độ 3. Đây chính là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202309/chia-khoa-de-giao-duc-tieu-hoc-phat-trien-ben-vung-eab71c9/