'Chìa khóa' để hiện thực hóa kỳ vọng FTA giữa Israel và Việt Nam

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận diện rõ cơ hội cũng như thách thức mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) mang lại; tìm hiểu kỹ về thị trường, đặc biệt là chứng nhận KOSHER; tận dụng tình trạng thiếu nguồn cung đột ngột của một số sản phẩm để thâm nhập vào Israel một cách hiệu quả...

Các đại biểu dự Hội thảo phân tích và đánh giá những cơ hội, thách thức về việc triển khai FTA giữa Israel và Việt Nam để từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Để kịp thời triển khai hiệu quả VIFTA, ngày 31/8, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ hội và triển vọng FTA giữa Israel và Việt Nam".

Cơ hội song hành thách thức

PGS.TS. Lê Phước Minh,Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho biết, trong đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Israel là một trong những quốc gia trọng điểm ở khu vực Trung Đông mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác để phục vụ chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của Việt Nam.

Việc ký kết VIFTA vào ngày 25/7/2023 vừa qua sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. VIFTA không chỉ làm tăng triển vọng tăng trưởng hơn nữa trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, dịch vụ, khoa học và công nghệ và lao động giữa hai nước, mà còn tạo cơ hội vừa mở rộng cánh cửa thị trường Israel cho hàng xuất khẩu của Việt Nam và vừa kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Ngược lại, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký kết FTA với Israel, và từ đây tạo động lực cho Israel xúc tiến đàm phán FTA với các nước khác trong khu vực.

Nêu tình hình hợp tác giữa Việt Nam và Israel, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao) cho hay, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Israel tăng nhanh chóng từ 222 triệu USD năm 2010 lên đến 2,2 tỷ USD năm 2022. Hai nước có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau.

Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng, củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt đối với những ngành hàng, mặt hàng mà một bên có thế mạnh, bên kia có nhu cầu và ngược lại.

VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm. Ngoài việc góp phần nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều, VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, thương mại dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ…

VIFTA khi đi vào thực thi sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu. Ở chiều ngược lại, bên cạnh thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam, hàng hóa và công nghệ của Israel có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trong 16 FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hà Nam, không nên quá lạc quan bởi bên cạnh những cơ hội là thách thức không nhỏ mà Việt Nam cần nhận diện và tập trung vào các trọng điểm hợp tác.

Nêu một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi VIFTA có hiệu lực vào năm 2024 , bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi (Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng công nghệ cao của Israel xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Về nền tảng, các doanh nghiệp từ Israel có thể dễ dàng thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và tham gia vào các lĩnh vực hiện nay Việt Nam chưa có thế mạnh, hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Về tiến bộ khoa học, kỹ thuật, VIFTA là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, không đủ sức để thay đổi công nghệ trong một sớm một chiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI từ Isarel có công nghệ sản xuất tiên tiến từ lâu đời, nguồn vốn lớn, tập trung đầu tư cho công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất và quy trình.

Ngoài ra, còn các nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại, về nhận diện thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động, an toàn thực phẩm…

Chìa khóa để mở cửa thị trường Israel

Đề cập đến điều kiện để hiện thực hóa kỳ vọng từ VIFTA, TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tập quán, quy định và thị hiếu thị trường để tránh gặp phải rào cản không đáng có khi thâm nhập thị trường này. Trong đó, chứng nhận KOSHER có thể coi là một chìa khóa để mở cửa thị trường Israel.

KOSHER là chứng nhận cho thực phẩm và sản phẩm nhằm xác định sản phẩm phù hợp với luật ăn kiêng của người Do Thái. Mỗi thành phần, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến được sử dụng trong quá trình sản xuất cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn KOSHER.

TS. Kiều Thanh Nga đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu sâu về những chuẩn mực của thị trường Do Thái; xây dựng các tổ chức cấp chứng chỉ KOSHER có giá trị quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ là chủ thể quan trọng và năng động nhất.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu về chứng chỉ KOSHER, tập trung vào chuẩn mực về chất lượng thay vì số lượng hay giá cả…

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, thực hiện cam kết VIFTA đặt ra, hai bên cần tăng cường sâu sắc quan hệ thương mại, đầu tư song phương bằng cách hiện thực hóa các dự án, chương trình cụ thể các ngành nghề.

Thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư, sự kiện (hội chợ, triển lãm thương mại, trao đổi kinh doanh, kết nối giao thương, nghiên cứu văn hóa) để cung cấp thông tin đầy đủ về thị trường, doanh nghiệp của cả hai bên.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Việt Nam cần tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế như gạo, rau quả; có thể tận dụng tình trạng thiếu nguồn cung đột ngột của một số sản phẩm để thâm nhập vào Israel một cách hiệu quả; thiết lập chuỗi giá trị giữa Việt Nam và Israel…

Hoàng Giang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chia-khoa-de-hien-thuc-hoa-ky-vong-fta-giua-israel-va-viet-nam-102230831183558955.htm