'Chìa khóa' để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại huyện Như Xuân

Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) được xem là giải pháp quan trọng tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ý thức được điều đó, huyện Như Xuân đã triển khai xây dựng, khuyến khích người dân áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Thanh Quân.

Để việc ứng dụng KHKT đạt hiệu quả cao, huyện Như Xuân đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến KHKT, hội thảo, tập huấn, xây dựng các chương trình, dự án, đề án về phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH, HĐH, trong đó đặc biệt quan tâm đến các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán sản xuất của bà con nông dân. Đối với sản xuất lúa nước, huyện Như Xuân đã và đang mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình cho các vùng cụ thể. Tiêu biểu là mô hình cấy lúa lai, bón phân viên nén dúi sâu ở các xã Tân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Bình, Cát Tân, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Quân... Theo đánh giá của bà con nông dân, việc sử dụng bón phân viên nén dúi sâu có những ưu điểm vượt trội, ngoài việc chỉ phải bón một lần duy nhất cho cả vụ, khi bón phân cây lúa còn được cung cấp chất dinh dưỡng một cách từ từ, đầy đủ và cân đối trong suốt quá trình sinh trưởng nên lúa đẻ nhánh khỏe và tập trung. Loại phân này còn hạn chế được sự phát triển của cỏ dại, sâu, bệnh. Với những ưu điểm nêu trên, phân viên nén đã góp phần tăng năng suất lúa nước từ 20-30%, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Cùng với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, huyện Như Xuân còn mạnh dạn đưa các giống lúa lai 3 dòng như: TEJ vàng, TH3-5, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168,... vào gieo cấy tại các xã Hóa Quỳ, Tân Bình, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Quân, Bình Lương, Cát Tân... Qua khảo nghiệm cho thấy những giống lúa lai này có những ưu điểm vượt trội như: Chiều cao cây 105 cm-110 cm, có khả năng chống đổ ngã khá tốt, khả năng chịu rét tốt, có thể trồng ở nhiều loại ruộng khác nhau với thời gian sinh trưởng từ 110-135 ngày. Đặc biệt, giống lúa này đẻ nhánh khỏe, tập trung, bông lúa dài, hạt dài, tỷ lệ hạt lép thấp, gạo thơm ngon. Khả năng chống chịu hạn hán và các loại bệnh như đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, vàng lá do vi khuẩn... tốt hơn các loại giống lúa khác. Thực tế cho thấy, các giống lúa lai 3 dòng trên cho năng suất trong các vụ cao hơn hẳn so với giống Nhị Ưu 838 hiện đang gieo trồng chủ lực tại huyện. Việc tổ chức nhân rộng các mô hình thâm canh lúa lai chất lượng cao, các loại giống cây mới trên địa bàn toàn huyện góp phần tăng sản lượng lương thực của huyện hàng năm đạt từ 25-26 nghìn tấn/năm trở lên, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ người tiêu dùng.

Cùng với việc đưa các loại giống mới vào sản xuất, huyện Như Xuân còn tập trung và chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất các loại cây trồng khác như: Mô hình trồng cam, ổi, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ... ở các xã Xuân Hòa, Xuân Bình, Xuân Quỳ... Cùng với trồng trọt, huyện Như Xuân chú trọng vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để làm thí điểm các mô hình về chăn nuôi, đưa các loại giống con mới, bảo tồn các giống địa phương (vịt bầu Thanh Quân, gà ri thả vườn, bò cái sinh sản,...). Những mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước được nhân rộng theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu dân cư. Các mô hình này đã giúp bà con nông dân tiếp cận KHKT mới đáp ứng được mong muốn cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là chủ động cung cấp được nguồn giống cho gia đình, cho các hộ trong thôn, xã và các xã lân cận, qua đó mở ra hướng phát triển ngành chăn nuôi tại địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc vùng 6 Thanh ở huyện Như Xuân.

Với những kết quả đạt được từ các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Như Xuân tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Để làm được điều đó, Như Xuân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chia-khoa-de-thuc-hien-thanh-cong-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nong-nghiep-tai-huyen-nhu-xuan/114518.htm