'Chìa khóa' giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp

Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam luôn chú trọng xây dựng thương hiệu, trong đó nhiều đơn vị đã tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng tại thị trường nội địa cũng như quốc tế. Nhưng xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ vững và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn. Do đó, mỗi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực, tạo dựng niềm tin với khách hàng để xây dựng thương hiệu, đây là 'chìa khóa' giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Khách hàng lựa chọn mẫu gốm Chu Đậu - sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Hà

Khách hàng lựa chọn mẫu gốm Chu Đậu - sản phẩm được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Hà

Nâng tầm vị thế trên thị trường

Suốt chặng đường hình thành và phát triển, Tổng công ty May 10 - CTCP đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá thành, mở rộng các kênh phân phối và phương thức thanh toán, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Đến nay, thương hiệu quốc gia May 10 đã khẳng định vị thế, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Hơn 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng May 10 vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục giữ vững thị phần. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết: “Để làm nên thương hiệu May 10, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, May 10 luôn đầu tư tìm kiếm chất liệu, thiết kế mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, từ khi thành lập, Công ty cổ phần Bee logistics đã mở rộng mạng lưới văn phòng để tiếp cận khách hàng, đồng thời luôn cải tiến hoạt động và chất lượng dịch vụ.

"Được vinh danh thương hiệu quốc gia là minh chứng cho chất lượng sản phẩm và niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, Bee logistics phải cung cấp sản phẩm dịch vụ ngày càng tốt hơn, tạo ra nhiều giá trị và có tính cạnh tranh trên thị trường”, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bee logistics Đinh Hữu Thạnh cho hay.

Cũng như các đơn vị trên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng niềm tin với khách hàng như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị doanh nghiệp, sản phẩm. Nhiều thương hiệu Việt được xây dựng và phát triển trên nền tảng

của chất lượng, tiêu chuẩn, chinh phục được người tiêu dùng ở trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh nhìn nhận, ngày càng nhiều doanh nghiệp dành sự quan tâm, đầu tư xứng đáng cho xây dựng và phát triển thương hiệu. Ngược lại, niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước với sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt cũng không ngừng được nâng lên.

Hơn 2 năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định được giá trị và không ngừng nâng tầm vị thế trên thị trường. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã vươn tới hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong nước, hàng Việt Nam chiếm 70%-90% tại các hệ thống phân phối. Đáng chú ý, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam được Brance Finance (tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) định giá 388 tỷ USD, tăng 21,6% so với năm 2020, xếp hạng 33 thế giới.

Sản xuất hàng gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse. Ảnh: Nhật Nam

Gia tăng lợi ích và niềm tin cho người tiêu dùng

Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia về thương hiệu chỉ rõ: “Xây dựng thương hiệu không chỉ là đặt một cái tên rồi quảng bá. Cốt lõi của xây dựng thương hiệu là tạo dựng uy tín và có được niềm tin của người tiêu dùng”. Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho rằng: “Xây dựng thương hiệu là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Gia tăng lợi ích và niềm tin cho người tiêu dùng là cách giữ vững thương hiệu”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc giữ niềm tin của khách hàng với thương hiệu của doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp phải phân tích được thế mạnh, khai thác và không ngừng hoàn thiện các thế mạnh của mình. Khi đã có niềm tin của khách hàng thì càng phải gia tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành, gia tăng hậu mãi, đẩy mạnh chuyển đổi số để đem đến nhiều lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng ngày nay có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng gắn với xu hướng tiêu dùng xanh, thông minh. Để đáp ứng được điều này, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực không ngừng, thông qua những việc làm cụ thể. Một nhân viên bảo vệ cũng có thể góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mà anh ta đang làm. Nhân viên bán hàng cũng tham gia vào việc quảng bá thương hiệu cho chính sản phẩm đang bán. Vì thế doanh nghiệp phải hiểu đúng và nỗ lực xây dựng thương hiệu hằng ngày...

Còn theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, để giữ “lửa” niềm tin khách hàng, cùng với việc thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mỗi doanh nghiệp cần phải tham gia vào công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống hàng nhái, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, bảo vệ thương hiệu của mình trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, kiến thức về xây dựng, quản trị thương hiệu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm, giúp sản phẩm Việt Nam nói chung và sản phẩm thương hiệu quốc gia nói riêng có vị thế tốt hơn trên “sân chơi” toàn cầu.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/1031882/chia-khoa-giup-gia-tang-gia-tri-doanh-nghiep