'Chìa khóa' làm chủ vũ khí công nghệ mới và hội nhập (kỳ 1)

Những năm qua, các học viện, nhà trường quân đội (HVNTQĐ) đã thực hiện tốt công tác giáo dục-đào tạo nói chung, công tác giảng dạy ngoại ngữ (NN) nói riêng, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện đại hóa quân đội, tăng cường hợp tác và tham gia thực hiện các nhiệm vụ quốc tế. Tuy nhiên, nội dung này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Bài 1: Nâng cao năng lực ngoại ngữ- nhiệm vụ cấp bách

Để khắc phục những tồn tại đó, các HVNTQĐ đã khẩn trương tìm hiểu, tiếp cận các phương pháp giáo dục, đào tạo tiên tiến; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, nhằm nâng cao chất lượng dạy, học NN trong hệ thống nhà trường quân đội.

Yêu cầu cấp bách

Đảng và Quân đội đã coi trọng và đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực hội nhập quốc tế - trong đó có năng lực ngoại ngữ - đối với đội ngũ cán bộ trong thời gian tới. Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục đột phá nâng cao chất lượng GD-ĐT trong các nhà trường quân đội, trong năm 2018-2019 các HVNTQĐ sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Nghị quyết số 26/NQ-TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW về công tác GD-ĐT trong tình hình mới; Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 89/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường quân đội.

 Giờ học ngoại ngữ ở Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Giờ học ngoại ngữ ở Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Nhận thức được vai trò của NN như “chìa khóa” để làm chủ vũ khí công nghệ mới và hội nhập quốc tế, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, khối các HVNTQĐ đã và đang thực hiện bước chuyển mình từ chương trình đào tạo NN tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học; từ việc quan tâm đến người học được học cái gì, sang việc quan tâm người học vận dụng kiến thức đã học vào thực tế như thế nào từ quá trình học tập.

Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Đại tá, Ths Phạm Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Sĩ quan Lục quân 1 (SQLQ 1) nhấn mạnh: Trước nhiều cơ hội và thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc học NN sẽ mang lại rất nhiều triển vọng, cơ hội học tập và cống hiến cho đất nước, quân đội. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với công tác giáo dục-đào tạo, trong đó có Trường SQLQ 1, nhằm đào tạo được đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, có tri thức chuyên sâu về khoa học công nghệ, giỏi NN và chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt có khả năng thích ứng linh hoạt với mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

Đối với Học viện Kỹ thuật Quân sự (HV KTQS), với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử; chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học công nghệ quân sự Việt Nam, thì khả năng sử dụng NN của người học đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu những công nghệ tiên tiến trên thế giới, góp phần đưa quân đội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Nhận định về tác động của việc dạy và học NN trong tình hình mới, Trung tá, ThS Ngô Thị Thu Hà, Phụ trách Khoa Ngoại ngữ, Học viện KTQS cho rằng: Việc coi NN là một môn học quan trọng trong hệ thống HVNTQĐ thực sự là một chủ trương rất đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay. Hiện trên thế giới, lĩnh vực quân sự luôn là lĩnh vực đầu tiên được áp dụng những cải tiến về công nghệ. Do đó, nếu cán bộ, chiến sĩ có vốn NN tốt, sẽ tiếp cận được những công nghệ mới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Xác định NN chính là chìa khóa để bước vào cuộc CMCN 4.0, những năm qua, Học viện Hậu cần đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch “đón đầu”, chủ động lập những đề án với mục tiêu nâng cao trình độ NN cho học viên, cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục. Thiếu tướng, GS.TS Phạm Đức Dũng, Giám đốc Học viện Hậu cần cho biết: Để có thể hội nhập quốc tế, cán bộ, giảng viên, sinh viên phải tự tin trong giao tiếp trong môi trường quốc tế. Hội nhập quốc tế sẽ là xu thế tất yếu, vậy nên việc dạy, học NN cũng sẽ là xu thế phát triển của các HVNTQĐ nói chung và hệ thống giáo dục Việt Nam nói riêng. Trước khi có Chỉ thị 89/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, học viện đã mời Ban đề án Ngoại ngữ Quốc gia về làm việc và có sự phối hợp trong bồi dưỡng ngoại ngữ cho sinh viên và cán bộ trong học viện.

Tiêu chí bắt buộc

Xác định học NN là một xu thế tất yếu, các HVNTQĐ đã coi nâng cao năng lực NN là ưu tiên hàng đầu. Đối với cán bộ, giảng viên, đây là tiêu chí bắt buộc trong kiểm tra, đánh giá và xếp loại cán bộ. Đối với học viên, nhiều trường đã thí điểm đưa NN chuyên ngành vào nội dung thi tốt nghiệp và từ năm học 2018- 2019 sẽ coi NN là môn thi tốt nghiệp bắt buộc.

Thiếu tướng, ThS Cao Minh Tiến, Chính ủy HV KTQS cho biết: Học viện đã có các văn bản, quy chế xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chỉ huy các cấp và mỗi cán bộ, giáo viên trong tổ chức thực hiện đạt chuẩn năng lực NN; đồng thời khen thưởng, khuyến khích đối với các trường hợp vượt chuẩn hoặc đạt chuẩn trước thời hạn, cùng với đó là xử lý các trường hợp không đạt chuẩn. Học viện cũng coi kết quả nâng cao trình độ NN là một tiêu chí quan trọng trong bình xét thi đua, khen thưởng; đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ; đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm...

Học viên Học viện Hậu cần học ngoại ngữ tại phòng máy chuyên dụng.

Cùng với HV KTQS, những năm qua, Học viện Quân y, Học viện Hậu cần, Trường Sĩ quan thông tin... cũng đã đưa năng lực NN của cán bộ, giảng viên thành một tiêu chí để xét thăng quân hàm, nâng lương, điều động, bổ nhiệm.

Nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng NN đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên trong các HVNTQĐ, Bộ Quốc phòng đã xác định tiêu chí bắt buộc đối với các đối tượng đào tạo trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, theo khung năng lực NN 6 bậc dùng cho Việt Nam, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự, xác định đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học và chỉ huy cấp trung đoàn (sư đoàn) đạt bậc 2/6; thạc sĩ đạt bậc 3/6; tiến sĩ đạt bậc 4/6; giáo viên dạy NN phải đạt trình độ tối thiếu bậc 5/6. Từ năm 2021 trở đi, các đối tượng đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học và chỉ huy cấp trung đoàn (sư đoàn) đạt bậc 3/6; thạc sĩ đạt bậc 3/6 và tiến sĩ đạt bậc 4/6.

Có thể thấy, đòi hỏi nâng cao năng lực NN nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới đã và đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra động lực mới để mỗi HVNTQĐ tích cực, chủ động hơn trong việc triển khai các chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này.

Bài, ảnh: THU HÀ – DUY ĐÔNG

Bài 2: Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chia-khoa-lam-chu-vu-khi-cong-nghe-moi-va-hoi-nhap-ky-1-550944