'Chìa khóa' làm chủ vũ khí mới và hội nhập quốc tế

Xác định ngoại ngữ là 'chìa khóa' để làm chủ vũ khí công nghệ mới và hội nhập quốc tế, Khoa Ngoại ngữ, Học viện Kỹ thuật Quân sự (HVKTQS) đang thực hiện chuyển từ chương trình đào tạo ngoại ngữ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, trở thành điểm sáng về phong trào dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống học viện, nhà trường quân đội...

Tạo nguồn học liệu ngoại ngữ chuyên ngành

Với tổng số 42 giảng viên đều có trình độ thạc sĩ và đa phần giáo viên trẻ được đào tạo ngoại ngữ ở nước ngoài nên việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa của Khoa Ngoại ngữ luôn được đẩy mạnh. Từ thực tế là trong môi trường quân đội ít có điều kiện giao tiếp với người nước ngoài, Khoa Ngoại ngữ đã triển khai các mô hình câu lạc bộ ngoại ngữ; cuộc thi hát và hùng biện bằng tiếng Anh; xuất bản các bản tin tiếng Nga và tiếng Anh hằng tháng; hệ thống tranh ảnh, khẩu hiệu, pano, mô hình, đồ dùng huấn luyện ghi bằng ngoại ngữ; giao tiếp hằng ngày bằng ngoại ngữ... và điển hình là cuộc thi Olympic tiếng Anh cho học viên toàn học viện.

Trung tá, ThS Ngô Thị Thu Hà, Phụ trách Khoa Ngoại ngữ (HVKTQS) chia sẻ: Sân chơi Olympic tiếng Anh đã tạo môi trường thực hành tiếng thuận lợi và sự “ganh đua” học tập cho từng học viên. Từ mô hình cấp học viện, Cục Nhà trường đã chỉ đạo nhân rộng thành sân chơi cấp toàn quân, với 2 năm một lần và được thực hiện từ năm 2017.

Với đặc thù là trường kỹ thuật nên đầu ra ngoài chuẩn ngoại ngữ quốc tế, học viên còn phải biết đọc và dịch tài liệu chuyên ngành. Bởi vậy, Khoa Ngoại ngữ đã phối hợp với giáo viên các ngành xây dựng những bộ giáo trình ngoại ngữ chuyên ngành. Đây là điều mà không phải học viện, nhà trường trong quân đội nào cũng làm được.

Sân chơi Olympic tiếng Anh của Học viện KTQS đã được nhân rộng ra cấp toàn quân.

Theo Trung tướng, GS, TS Nguyễn Công Định, Giám đốc HVKTQS: Học viện đã triển khai thí điểm dạy ngoại ngữ chuyên ngành và thi tốt nghiệp cho 2 chuyên ngành công nghệ thông tin và tên lửa phòng không khóa 49, tiến tới áp dụng cho mọi chuyên ngành từ khóa 50 trở đi; tổ chức giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, tiếng Nga; bảo vệ luận án, luận văn bằng tiếng Anh cho một số đối tượng... Chính quá trình phối hợp, học hỏi lẫn nhau giữa giảng viên ngoại ngữ và giảng viên chuyên ngành khiến giờ dạy ngoại ngữ chuyên ngành không còn khô cứng mà vẫn đảm bảo màu sắc của một giờ học ngoại ngữ với phương pháp giảng dạy mới, hiện đại. Dự kiến đến năm 2021, sau khi học viên học ngoại ngữ chuyên ngành xong sẽ tiến hành học chuyên ngành bằng ngoại ngữ, đảm bảo khi ra trường học viên có thể thành thạo ngoại ngữ trong khai thác nội dung chuyên ngành của mình.

Không chỉ xây dựng hệ thống học liệu chuyên ngành kỹ thuật cho học viện, Khoa Ngoại ngữ còn tham mưu với lãnh đạo học viện đề xuất lên Cục Nhà trường dự án về nâng cao ngoại ngữ; đề xuất xây dựng kho bài giảng điện tử để các đơn vị trong quân đội có thể chia sẻ, dùng chung. HVKTQS cũng đang nghiên cứu, xây dựng phòng học ngoại ngữ mô phỏng.

Đào tạo ngoại ngữ kỹ thuật cho cán bộ toàn quân

HVKTQS được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng đề án đào tạo tiếng Anh kỹ thuật cho cán bộ trong toàn quân, đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ cho các kíp tàu ngầm của Quân chủng Hải quân.

Sau khi nhận nhiệm vụ quan trọng này, Khoa Ngoại ngữ đã lên kế hoạch, trao đổi cùng Quân chủng Hải quân để xây dựng chương trình học phù hợp, với mục tiêu sau khi học, cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm có thể sang các nước đối tác học tập và tiếp nhận khí tài. Với nỗ lực vượt khó, bộ môn tiếng Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Mô hình Câu lạc bộ ngoại ngữ hoạt động hiệu quả.

Đại tá Nguyễn Ngọc Hà, Chủ nhiệm Bộ môn tiếng Nga, chia sẻ: Vì đối tượng người học rất đa dạng nên trong 2 tháng đầu, chúng tôi phải liên tục điều chỉnh chương trình, chia nhóm, chia lớp, chia đối tượng và tổ chức kèm từ trên lớp đến… phòng ở. Nhờ đó, khi sang tiếp nhận vũ khí, trang bị, các học viên được phía bạn đánh giá tốt về trình độ ngoại ngữ.

Trong khi đó, được sự hỗ trợ đắc lực từ các giáo viên bản ngữ và Quân chủng Hải quân về tài liệu học tập, cơ sở vật chất, từ năm 2012-2014, bộ môn tiếng Anh cũng đã bắt nhịp và đào tạo được các kíp tàu ngầm. Đại úy Hồ Thị Thoa, Phó chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh, cho biết: Nhiều cán bộ, chiến sĩ tàu ngầm tâm sự, do quá trình học tập trong nước được tiếp xúc nhiều với môi trường thực tế sử dụng ngoại ngữ, nên khi sang nước bạn, tất cả đều bắt nhịp rất nhanh, áp dụng hiệu quả kiến thức đã học.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao về đào tạo ngoại ngữ kỹ thuật cho cán bộ toàn quân, mà sau các khóa huấn luyện kíp tàu ngầm, Khoa Ngoại ngữ đã xây dựng được từ điển hải quân, tiếng Nga chuyên ngành tàu ngầm...

Bằng sự phấn đấu kiên trì, bền bỉ và không ngừng phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, qua 30 năm xây dựng và phát triển (8-10-1988/8-10-2018), Khoa Ngoại ngữ đã góp phần quan trọng cùng HVKTQS hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Bài và ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chia-khoa-lam-chu-vu-khi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te-551395