Chìa khóa mở cánh cửa an toàn

'Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp'.

Bước chuyển trong tư duy chống dịch của Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của dư luận và báo giới. Tuy nhiên, làm thế nào để “thích ứng và có cách làm phù hợp”, mở ra cánh cửa cho một cuộc sống “bình thường mới an toàn” lại là điều không chỉ trông chờ vào nỗ lực của Chính phủ...

1. Nhìn ra thế giới, dễ nhận thấy, ứng biến với cuộc sống bình thường mới đã trở thành sự lựa chọn không thể khác. Ngoài một số, nếu không có là chỉ một vài quốc gia vẫn đang khăng khăng níu kéo cái gọi là chiến lược “Zero Covid-19” (triệt tiêu hay quét sạch Covid-19) thì phần đa các quốc gia đã đang bàn đến, thậm chí có quốc gia đã kịp lên kế hoạch rất cụ thể về cái gọi là “sống chung với virus” lâu dài hoặc mãi mãi và ứng biến với “một cuộc sống bình thường mới”…

Điển hình nhất là Singapore với cú “bẻ lái” ngoạn mục trong quan điểm về chiến lược chống dịch. Trước đó, Singapore được xem là quốc gia đi tiên phong trong việc áp dụng chiến lược “Zero Covid-19”, sử dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đẩy số ca Covid-19 xuống bằng 0. Khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi tuyên bố Singapore “sẽ sống chung với virus”. “Không còn khả năng đưa số ca nhiễm Covid-19 xuống 0 nữa, dù cho chúng ta có phong tỏa một thời gian dài. Vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu” - Thủ tướng Lý Hiển Long lý giải “cú bẻ lái” với dân chúng. Người đứng đầu Chính phủ đảo quốc sư tử cũng không quên nhấn mạnh sự thay đổi chiến lược này không phải là do Chính phủ bó tay, mà là bước chuyển hướng mang tính chiến lược trong chiến thuật đối phó với “giặc Covid-19” để có thể gặt hái được chiến thắng cuối cùng.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam chúng ta, sự thay đổi trong tư duy “sống chung lâu dài với dịch bệnh”, nói như GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân), mang ý nghĩa rất lớn, bởi cần nhìn ở một số địa bàn trọng điểm của Việt Nam trong thời gian qua, nơi giãn cách dài nhất là gần 4 tháng, chúng ta cũng đã thấy được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, không chỉ làm đình trệ hoạt động của doanh nghiệp trong địa bàn có dịch mà cả địa phương khác cũng bị đình trệ. Nếu kéo dài tình trạng phong tỏa, giãn cách, không chấp nhận mở cửa để sống chung với dịch thì nguy cơ tăng trưởng kinh tế âm sẽ xảy ra với Việt Nam, trong khi tiềm lực về dự trữ quốc gia và dự trữ của người dân, xã hội lại rất thấp. Khi đó, kinh tế suy thoái có thể sẽ tạo nên khủng hoảng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Phú Quốc sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

2. “Sống chung lâu dài với dịch bệnh” hay “sống chung lâu dài với virus” đều đồng nghĩa với tái mở cửa, trở lại cuộc sống thường nhật, cho dù là cuộc sống “bình thường mới”. Nhưng sống chung thế nào, mở cửa thế nào, để đạt được yêu cầu cao nhất tiên quyết nhất là bảo đảm sinh kế nhưng cũng phải đảm bảo sinh mạng của người dân lại là điều không đơn giản.

Cũng bởi sự không hề giản đơn này mà những ngày qua, các chuyên gia, các tờ báo, trong rất nhiều cuộc trò chuyện xung quanh câu chuyện “tái mở cửa an toàn” đã nhắc nhiều đến hướng đi của các nước, xem đó như một trong những phương thức để các nhà lãnh đạo tham chiếu.

Lại trở lại câu chuyện của nước láng giềng Singapore. Ngoài việc đang đẩy nhanh nhiều biện pháp để tiếp tục nâng cao tỷ lệ (vốn đã được xem là khá cao) 81% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ, đảo quốc sư tử này chủ trương bảo vệ những khu vực, đối tượng dễ chịu nhiều tổn thương nhất bởi dịch Covid-19, đơn cử như người già, bệnh nhân. Theo chủ trương của Singapore, những đối tượng này ngoài việc tiêm chủng sẽ được xét nghiệm thường xuyên, được hạn chế tiếp xúc…

Trong 3 chiến lược trọng tâm để sống chung với đại dịch Covid-19 vừa công bố, chính phủ Indonesia cũng đặc biệt nhấn mạnh vào việc nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi. Song song với đó là việc đẩy mạnh xét nghiệm, truy tìm, điều trị; tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách) và thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng khai báo y tế trực tuyến. Trong trường hợp tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh vẫn còn thấp, ba chiến lược chính này sẽ được bổ sung bằng các hạn chế xã hội tùy từng cấp độ.

Chính phủ Philippines thì đang tiến hành thử nghiệm thí điểm về giãn cách xã hội theo khoanh vùng tại thủ đô Manila. Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng sẽ nhắm đến các tòa nhà, đường phố hoặc khu dân cư nhất định thay vì bao phủ toàn thành phố như hiện nay. Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng này cũng sẽ đi kèm với năm mức cảnh báo để xác định phạm vi được phép vận hành của các đơn vị kinh doanh. Đơn cử như hình thức ăn uống ngoài trời được phép hoạt động 30% công suất, các hình thức tụ tập vì tôn giáo và dịch vụ chăm sóc cá nhân sẽ được hoạt động với 10% công suất.

Dễ nhận thấy, từ các quốc gia láng giềng, việc tái mở cửa không ồ ạt mà chọn lọc, thận trọng, cân nhắc kỹ tới từng khu vực, từng đối tượng.

Còn Việt Nam thì sao?

3. Sự nhìn vào hướng đi đã và đang có của các nước trong khu vực và thế giới là cần thiết nhưng “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà một cảnh”, nguồn lực ngân sách, nguồn lực- hạ tầng y tế, tỷ lệ tiêm chủng và cả điều kiện địa lý của chúng ta đều mang những thuộc tính rất đặc trưng riêng biệt. Bởi vậy, không gì hơn là bản thân Việt Nam chúng ta phải xác định được cho chính mình kịch bản, tiêu chí hay tỷ lệ mở cửa phù hợp nhất. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp. Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vắc-xin, xét nghiệm và điều trị; tập trung nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng để trở lại trạng thái "bình thường mới" vào năm 2022.

Khá nhanh, tối 14/9 vừa qua, Bộ Y tế đã thông tin cho biết đang xây dựng lộ trình để TP.HCM và các tỉnh, thành phố giãn cách trở lại trạng thái bình thường mới. Hướng dẫn của Bộ Y tế gồm cả tiêu chí tĩnh và tiêu chí động, gồm: Tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ giường ICU, tỷ lệ tiêm vắc-xin, mức độ nguy cơ.Một trong các tiêu chí tiên quyết là số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch. Bên cạnh đó, số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 3% số ca nhiễm khi tỉnh, thành phố được đánh giá nguy cơ rất cao. Tiêu chí động để đưa TP.HCM và các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn là tỷ lệ tiêm vaccine của người dân. Một tiêu chí động nữa là mức đánh giá nguy cơ (phân theo các mức nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và trạng thái bình thường mới).

Lộ trình nới lỏng đó sẽ như thế nào, mức độ khả thi, phù hợp của các tiêu chí tĩnh và tiêu chí động đã nêu trong lộ trình 4 bước của Bộ Y tế ra sao? Phương pháp đánh giá nguy cơ dịch phải như thế nào để trúng nhất, hiệu quả nhất?… Trên hết là chìa khóa nào để mở trúng cánh cửa an toàn cho nền kinh tế? Bởi nếu không trúng, không đúng, cái giá của “sự sống chung không an toàn” sẽ là rất đắt.

Thiết nghĩ, giờ là lúc, nỗ lực của riêng Chính phủ là không đủ. Thiết nghĩ giờ là lúc, hơn lúc nào hết, các nhà khoa học, các chuyên gia cần lên tiếng để thể hiện hết sức, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân với đất nước, với Tổ quốc của mình.

Thư Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chia-khoa-mo-canh-cua-an-toan-post156330.html