Chìa khóa nào cho hàng không cất cánh?

Với tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành hàng không thời gian qua, đâu là tiềm năng, cơ hội và chìa khóa để hàng không cất cánh? Tọa đàm 'Xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho ngành hàng không', chiều 16/5 do VCCI tổ chức đã phần nào đưa ra lời giải đáp.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chủ tọa phiên I với chủ đề: “Triển vọng và thách thức của sự phát triển thị trường hàng không Việt Nam”

“Mở cửa” chính sách: Tạo sân chơi “hay” và tiếp cận quốc tế

Để có được sự tăng trưởng mạnh của ngành hàng không những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng các điều kiện ra nhập thị trường của ngành hàng không không quá khó khăn. Bên cạnh các thủ tục thì yêu cầu 100 tỷ đồng với tùy số lượng máy bay mỗi hãng không phải là điều kiện lớn. Sự tham gia của các hãng hàng không mới cho thấy chính sách mở cửa của nhà nước không phân biệt cả về máy bay và hạ tầng sân bay. Thậm chí, các hãng hàng không đã liên kết chuỗi kinh tế không chỉ là vận tải bay nhờ có những điều kiện rất thoáng trong điều kiện phát triển hàng không rất thuận lợi.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Về pháp luật cạnh tranh trong hàng không, ông Huỳnh cho biết có hai vấn đề. Nhìn về phương diện cạnh tranh mô hình “5 ngón tay trong 1 bàn tay” (5 hãng hàng không), hàng không Việt Nam không có độc quyền.

Về sân bay, hiện nay có 22 sân bay, mới đây có thêm sân bay Vân Đồn, từ đó có thể mở cửa thêm nhiều cho nhà đầu tư vào sân bay cũng như hạ tầng đường xá, ông Huỳnh chia sẻ.

Tuy nhiên, sự mở cửa về chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thực tế cho thấy, chúng ta cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Bởi điều hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh.

"Cạnh tranh trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân", ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, trong thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Phương, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam. Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tại buổi Tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, nhu cầu phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới là tất yếu, mặc dù còn nhiều thách thức.

“Để duy trì được sự phát triển bền vững cho ngành hàng không, đầu tiên, cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng, sân chơi “hay” và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung. Ví dụ, quy hoạch vùng trời, đường bay… “, ông Nhưỡng khuyến nghị.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, cần sự đối xử bình đẳng từ nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tâm lý “con đẻ con nuôi”: "Nói vậy để thấy, không thể cứ mãi phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mà phải là “doanh nghiệp Việt Nam”.

Phải phân biệt giữa kinh doanh và phục vụ, cụ thể là nên tách bạch hoạt động kinh doanh và phục vụ của Việt Nam Airlines. Đồng thời, chú ý đến an toàn và an ninh quốc gia, làm thế nào tách sân bay quân sự và dân sự, theo ông Nhưỡng.

Mở cửa bầu trời cũng có nghĩa là tạo thêm cơ hội cho các ngành khácphát triển, Luật sư Trần Hữu Huỳnh đề xuất. Ông cho rằng, vận tải hàng không chỉ là một phần trong mở cửa bầu trời, cùng với đó là nâng cao chất lượng vận tải đường bộ và đường sắt.

Mong muốn tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Đã đến lúc đặt vấn đề dùng chung một từ “doanh nghiệp Việt Nam”, một thể chế 1 chính sách chung với 1 thứ là “doanh nghiệp Việt Nam” không phân biệt đặc biệt, không cơ chế thành phần”.

Ông Lộc cho rằng, sự hợp tác giữa các hãng hàng không sẽ góp phần xây dựng một mô hình một cộng đồng hợp tác và cạnh tranh với mỗi lợi thế riêng của từng hãng hàng không: “Chúng ta cần nghiên cứu PPP, mô hình nhà nước và tư nhân cùng làm. Thời gian vừa qua, việc thực hiện hình thức đầu tư PPP đã gặp vấn đề, nhưng lỗi ở pháp luật của chúng ta chưa đảm bảo an toàn minh bạch chứ không phải ở hình thức đầu tư PPP. Do đó cần gỡ từ luật PPP, không thể áp dụng luật đầu tư công vì PPP là dùng tiền của dân. Gỡ đầu tư hạ tầng cơ sở để tư nhân đầu tư mạnh vào”, Chủ tịch VCCI đề xuất.

Tầm nhìn địa phương và nâng cao năng lực doanh nghiệp

Khuyến nghị giải pháp theo một góc độ khác, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Dưới góc độ đường bay nói riêng với phát triển kinh tế các vùng, miền, kinh nghiệm của chúng tôi khi mở đường bay ở địa phương cho thấy, điểm cốt yếu là tầm nhìn của địa phương".

Ông Minh đưa ra dẫn chứng cụ thể: Từ Nha Trang, hiện nay thành phố này đã không còn đón 1 triệu khách năm mà tăng lên 2,5 triệu khách quốc tế/năm. Như vậy, sự lan tỏa về sự phát triển vận tải hàng không tới sự phát triển các địa phương rất có tiềm năng khi chúng ta đang có 3.000 km bờ biển cùng nhiều điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên toàn quốc.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines

Trong tầm nhìn phát triển trong giai đoạn 2020 định hướng 2030 của ngành hàng không có định hướng, thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng. Để thị trường hàng không phát triển thì trước tiên phải mở cửa tư duy. Cùng với đó là chính sách, tạo áp lực cạnh tranh để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong thị trường hàng không.

Về giải pháp để ngành hàng không kích cầu tiêu dùng trong các lĩnh vực khác như du lịch, kinh tế địa phương, ông Nhưỡng cho rằng, kích cầu cần nhìn rõ vào đúng nhu cầu người tiêu dùng thì mới kích được chứ không sẽ rất khó khăn. Bản thân Bamboo Airway hay Vietnam Airlines đang thực hiện rất tốt chiến lược kích cầu này. Với những giá trị tích hợp sẽ đem lại cho người tiêu dùng những dịch vụ khác hữu ích.

Coi trọng văn hóa hàng không và đội ngũ bay

Tại Tọa đàm, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội đặt câu hỏi: liệu có phải đang xảy ra tình trạng “lạm phát đường băng” hay không khi các cử tri kiến nghị rằng mật độ cơ sở hạ tầng các sân bay đang ngày càng cao?

Theo ông Nhưỡng, để phát triển toàn diện ngành hàng không, không chỉ đơn thuần chú trọng vào cơ sở hạ tầng mà nó còn là văn hóa hàng không, đội ngũ bay.

“Trong mọi tình huống việc xây dựng môi trường văn hóa trong thị trường hàng không là rất qua trọng, đây là bộ mặt quốc gia, thương hiệu quốc gia về phát triển kinh tế”, ông Nhưỡng nói.

Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, ngành hàng không Việt Nam chủ yếu vẫn mang tính dịch vụ, chưa phải là sản xuất, vì vậy phải đánh giá một cách toàn diện vai trò vị trí và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/chia-khoa-nao-cho-hang-khong-cat-canh-5324.html