Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích
Zalo

'Chìa khóa' phát triển của Bắc Kạn

Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư mà còn là một trong những công cụ trụ cột để các địa phương giảm nghèo bền vững. Do đó, nhiều năm qua Bắc Kạn đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thông qua đào tạo nghề và xem đây là động lực để phát triển kinh tế - xã hội…

Trái ngọt từ đào tạo nghề

Kết hợp giữa đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ và dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Bắc Kạn đã triển khai đào tạo nghề linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nông dân. Sự linh hoạt được thể hiện trong việc đào tạo nghề thường xuyên tại chỗ và theo thời vụ của người lao động tại các vùng sản xuất. Nhờ đó đã mang lại cho người lao động ở khu vực nông thôn và cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều trái ngọt.

Có thể kể đến mô hình đào tạo nghề vỗ béo trâu, bò của anh Dương Đình Tú tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm. Được Hội nông dân xã giới thiệu tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc từ chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Sau gần 03 tháng học nghề, anh Tú cùng các nông dân ở địa phương được học kỹ năng chọn giống, phương pháp chăn nuôi khoa học, giảm dư lượng thức ăn hóa chất, cách phát hiện, chăm sóc khi gia súc ốm... “đây là điều trước đây chúng tôi chưa từng biết và chưa từng làm, vì thế mỗi khi thời tiết khắc nghiệt là trâu bò ốm, chết nhiều” - anh Tú nói.

Nhờ được đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất nên anh Tú đã nâng đàn trâu bò của gia đình lên 15 con. Thu nhập từ công việc chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh Tú từ 150 - 170 triệu đồng mỗi năm; cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Quan trọng hơn, thông qua đào tạo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, anh Tú và người dân ở Pác Nặm đã thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo nên hiệu quả chăn nuôi gia súc đã tăng lên rõ nét.

Một mô hình điển hình khác là đào tạo nghề cho lao động trong các hợp tác xã. HTX An Hòa Phát tại thôn Đèo Vai 2, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới được đánh giá là một trong những HTX hoạt động có hiệu quả trong việc đào tạo nghề cho các lao động trong Hợp tác xã là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có thu nhập thấp. Ngành nghề kinh doanh chính là chế biến gỗ. Từ khi đi vào hoạt động, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động tại địa phương.

Anh Ngô Văn Phòng, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu chia sẻ, từ khi HTX thành lập, anh cùng một số bà con trong thôn đã được nhận vào làm việc tại đây, được đào tạo nghề chế biến gỗ với các kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao. “Chúng tôi rất vui và phấn khởi vì không chỉ có trong tay một nghề thành thạo mà còn kiếm được bằng nghề đã học từ 7 - 10 triệu đồng/tháng/người. Đối với nông dân như tôi thì đây là khoản thu lớn, giúp gia đình có khoản tiền trang trải trong cuộc sống” - anh Ngô Văn Phòng nói.

Được đào tạo bài bản về kỹ thuật chăn nuôi, người dân Bắc Kạn đã và đang phát triển nghề chăn nuôi gia súc tập trung
Ảnh: Nguyên Phúc

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50%

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn Đồng Phúc Hình cho biết, để nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thay vì đào tạo theo những gì mình có, tỉnh đã chuyển hướng sang đào tạo theo địa chỉ và những gì người dân cần. Nhờ đó, người dân được học nghề gắn với thế mạnh, khả năng của gia đình, địa phương, giúp phát triển và gia tăng giá trị các mô hình kinh tế.

Giai đoạn 2011 - 2021, đào tạo nghề ở các cấp trình độ của Bắc Kạn đạt 67.379 lao động. Trong đó, đào tạo nghề lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 26.403 người; lao động trực tiếp làm nông nghiệp là 17.627 người; lao động phi nông nghiệp là 8.776 người. Ngoài ra, tỉnh còn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã được 4.372 người, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương. Sau học nghề, có hơn 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất; có hơn 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương. Đặc biệt, thông qua đào tạo nghề, người nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp được trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, từ đó năng suất lao động cao hơn, tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Bước vào giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh phấn đấu tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn trở lên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp của tỉnh đạt trên 50% vào năm 2030. Sau khi được đào tạo, ít nhất 80% số lao động được đào tạo nghề có việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới. Giúp tạo việc làm cho người dân và mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất..., tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống xã hội tại khu vực nông thôn.

Để đạt mục tiêu trên, Bắc Kạn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở giáo dục dạy nghề, giáo trình... Đồng thời, xây dựng các kế hoạch tư vấn dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn. Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.

Đức Kiên