Chìa khóa vạn năng đưa đất nước tiến lên

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ rộng rãi là chìa khóa vạn năng để tháo gỡ, vượt qua mọi khó khăn. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn kết.

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, Cách mạng Tháng Tám đánh đổ chế độ quân chủ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm từ thế kỷ thứ X đến giữa thế kỷ XX, nước ta chưa bao giờ có chế độ dân chủ mà là chế độ quân chủ. Nước quân chủ có nghĩa là vua làm chủ, vua có quyền lực tối cao, quyết định mọi điều trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Đành rằng trong chế độ phong kiến cũng có một chút dân chủ, tức là mối quan hệ giữa vua và dân như tư tưởng của Trần Hưng Đạo là “khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc”, hay Nguyễn Trãi cũng cho rằng “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Trọng dân, lo cho dân trong chế độ quân chủ có xuất hiện nhưng đấy cũng chỉ là một phần dân chủ.

Khác với các nước tư bản ở phương Tây, các nước này thông qua cách mạng tư sản đã xóa bỏ chế độ phong kiến, thiết lập chế độ dân chủ tư sản và Nhà nước dân chủ tư sản. Nhưng với nước ta, đến Cách mạng Tháng Tám vẫn là nhà nước quân chủ phong kiến. Đồng thời chúng ta phải chịu sự cai trị của thực dân Pháp, chế độ thuộc địa cũng không kém phần chuyên chế; nên khát vọng dân chủ của nhân dân rất lớn lao, khát vọng ấy gắn liền với độc lập dân tộc. Bởi muốn giành độc lập dân tộc bao gồm cả nội dung dân chủ.

PV: Vậy dân chủ ở đây được hiểu thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Khái niệm dân chủ ở đây bao gồm nhiều vấn đề. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Pháp rằng tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được- trong những quyền đấy có quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc.

Do đó, theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền dân chủ trước hết là quyền con người, quyền được sống, tự do. Dân chủ ở đây là những quyền tối thiểu trong đời sống xã hội, tự do ngôn luận, đi lại, tự do cư trú… quyền dân chủ ấy trước hết về chính trị.

Rõ ràng, sau khi Cách mạng Tháng Tám xóa bỏ chế độ quân chủ, thiết lập chế độ dân chủ, Bác Hồ đã nghĩ ngay đến cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu để nhân dân bầu ra những đại biểu của mình, xây dựng Nhà nước cộng hòa dân chủ và đặt tên nước là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vậy vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng một đất nước đem lại quyền làm chủ cho nhân dân là như thế nào, thưa ông?

-Ngay từ Hội nghị Trung ương 8 năm 1941, Bác Hồ đã chỉ rõ khi cách mạng thành công, giành độc lập chúng ta sẽ thành lập chính thể cộng hòa dân chủ, lúc đó đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phải lựa chọn Nhà nước cho phù hợp, vì khát vọng dân chủ của nhân dân mình rất lớn. Vì chỉ có dân chủ, người dân mới tự tay bỏ phiếu bầu ra đại biểu của chính mình xây dựng nước cộng hòa dân chủ.

Tháng 11/1946, Hiến pháp đầu tiên của đất nước được thông qua, chính thể cộng hòa dân chủ phải thực hiện hàng loạt những điều khác nữa: quyền được ăn, học, tự do tín ngưỡng…Tóm lại cái gì có lợi cho dân ta phải làm cho được, cái gì có hại cho dân phải tránh, phải mang lại lợi ích thiết thực cho dân, phải cứu đói, phải dạy chữ, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để người dân có cuộc sống no ấm.

Muốn thực hành dân chủ quan trọng là người lãnh đạo phải thực hành dân chủ, thưa ông?

-Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Cán bộ đảng viên phải là người đầy tớ trung thành của dân, do dân và vì dân. Điều này có 2 ý nghĩa: Thứ nhất, Bác đề cao trách nhiệm của cán bộ đảng viên và sau đó nó gắn với tính tiên phong, gương mẫu, xung phong để người dân noi theo. Nhưng sâu xa hơn cả, đó là vì Bác tôn trọng dân, coi trọng dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết quân dân; cho nên dân chủ là của quý báu nhất trên đời và thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để tháo gỡ, vượt qua mọi khó khăn. Muốn thực hiện được như vậy, cán bộ đảng viên phải suốt đời nêu cao trách nhiệm với dân, Bác gọi là trọng dân.

Người yêu cầu người lãnh đạo phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân. Muốn thế, người lãnh đạo phải đề cao, mở rộng dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân. Người thường xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng, chứ không phải để huấn thị. “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ”. Do đó, theo Người, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.

Từ thực hành dân chủ cho nhân dân đến thực hành dân chủ trong Đảng, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Bác Hồ là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng đạo đức vì dân, vì nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới phải lựa chọn những cán bộ ưu tú, cán bộ thực sự vì dân mới đảm đương được nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới. Lựa chọn người vào cơ quan lãnh đạo rất cẩn trọng chọn người xứng đáng thông qua đại hội, để bầu cử một cách dân chủ. Cần thực hành dân chủ rộng rãi hơn nữa để lựa chọn cán bộ, phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để tìm được cán bộ vừa hồng vừa chuyên cho Đảng. Nếu dân chủ, công tâm sẽ lựa được người có tài, có đức. Dân chủ trong Đảng, dân chủ ngoài xã hội, cởi mở đoàn kết nhất định lựa chọn cán bộ xứng đáng trong thời kỳ mới”- ông Nguyễn Trọng Phúc nói.

Nguyên Khánh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-1951890-1952020-chia-khoa-van-nang-dua-dat-nuoc-tien-len-tintuc466207