Chia rẽ và chinh phục: 'Bóc tách' đối địch Mỹ với EU, NATO

Phía sau những phát biểu 'đao to búa lớn' và chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump với EU và NATO, ẩn chứa điều gì?

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO (11 – 12/7), Tổng thống Donald Trump tiếp tục kêu gọi các đồng minh châu Âu gia tăng ngân sách quốc phòng, trong khi cân nhắc rút binh lính Mỹ khỏi Đức, thậm chí đưa ra câu hỏi “tại sao Paris không rời EU”. Mục đích của ông Trump là gì? Có phải người đứng đầu nước Mỹ thực sự muốn kết thúc quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương?

Mới đây trong lá thư gửi tới các nhà lãnh đạo thành viên NATO, Tổng thống Mỹ một lần nữa nhắc lại yêu cầu các nước này thực hiện cam kết dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

“Ngày càng khó để công dân Mỹ hiểu được tại sao một số quốc gia không chia sẻ nền an ninh tập thể của NATO”, tờ Foreign Policy trích dẫn lá thư trên. “Vì vậy, tôi hy vọng chứng kiến một sự tái cam kết mạnh mẽ từ … [tên quốc gia] trong việc đạt được những mục tiêu mà tất cả chúng ta đều đã đồng ý”.

“Đức cần phải bỏ thêm tiền. Tây Ban Nha, Pháp. Những gì họ đang làm với nước Mỹ là không công bằng”, hôm thứ Sáu (29/6), ông Trump chia sẻ với giới phóng viên về các bức thư.

Thông điệp của Washington - được đưa ra chỉ hai tuần trước ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, tiếp tục làm dấy lên những lo ngại trong liên minh quân sự phương Tây. Các nhà quan sát chính trị và cây bút Martin Kettle trên tờ báo Anh The Guardian nhận định, ông Trump “đang liều lĩnh phá hủy NATO” và thái độ thù địch ngày càng tăng của nhà lãnh đạo nước Mỹ cho thấy ông “hầu như không quan tâm tới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương”.

Cùng lúc, Lầu Năm góc được cho là đang tiến hành một nghiên cứu đánh giá chi phí của 35.000 binh lính Mỹ hiện đồn trú tại Đức, sau những quan ngại của ông Trump về số tiền khổng lồ mà Washington phải bỏ ra để duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại quốc gia châu Âu. Đương nhiên, nghiên cứu này cũng chính là một hồi chuông cảnh báo khác tới các đồng minh của Mỹ.

Đòn tấn công mới vào EU

Cũng trong tuần vừa qua, tờ Washington Post đưa tin, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng Tư, ông Trump đã gây bất ngờ khi đặt câu hỏi “Tại sao Pháp không rời EU”? Hai quan chức châu Âu tiết lộ với Washington Post rằng, Tổng thống Mỹ nói với ông Macron, Washington sẽ trao cho Pháp những thỏa thuận thương mại tốt hơn nếu Paris đồng ý rời EU. Nhà Trắng từ chối bình luận về tin tức trên, nhưng cũng không phủ nhận nó.

Câu chuyện với Tổng thống Pháp xuất hiện sau một cuộc mít tinh có sự tham gia của ông Trump tại North Dakota ngày 27/6. Phát biểu trước những người ủng hộ, ông tuyên bố, trong khi người Mỹ “yêu quý các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu”, khối này “được thành lập để lợi dụng nước Mỹ. Và các bạn biết đấy, chúng ta không thể để điều đó xảy ra”.

Tổng thống Donald Trump (ngồi) đối mặt với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh G7 mới diễn ra tại Canada đầu tháng 6/2018

Các vấn đề thương mại

Cuộc khẩu chiến chống lại NATO và EU ngày càng phản chiếu rõ ràng hơn những động thái trên mặt trận thương mại, với việc Brussels công bố các mức thuế nhắm tới hàng hóa Mỹ, sau khi Washington áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu. Chính quyền Trump thậm chí còn đe dọa áp mức thuế lên tới 20% lên các sản phẩm ô tô châu Âu nhập vào Mỹ.

Những căng thẳng thương mại đã khiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trong tuần này phải cảnh báo rằng, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang phải chịu “sức ép vô cùng lớn”, và Brussels “cần phải sẵn sàng để chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất” về thương mại với ông Trump.

Đứt gánh giữa đường hay tái thiết lập quan hệ?

Câu hỏi hiện đang đạt ra cho giới quan sát chính sách đối ngoại của cả hai bờ Đại Tây Dương là, Tổng thống Mỹ đang cố gắng đạt được điều gì thông qua giọng điệu “đao to búa lớn” và chính sách cứng rắn của mình. Giữa những lo ngại rằng động thái của ông Trump có thể sẽ dẫn đến điểm kết cho bá quyền của Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ sự trấn an khi phát biểu trên tờ Wall Street Journal rằng, những gì ngài Tổng thống thực sự muốn chỉ là một “sự tái thiết”.

“Khi tôi quan sát Tổng thống Trump ra chỉ thị cho đội ngũ của mình, câu hỏi của ông ấy luôn là ‘cơ cấu đó ảnh hưởng tới Mỹ như thế nào?’”, Ngoại trưởng Pompeo giải thích. Theo ông, trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh như hiện tại, “Tổng thống Trump đã đúng đắn khi chỉ ra nhu cầu phải có một sự tái thiết”.

Ông Pompeo cũng lưu ý, nhiều cơ cấu kinh tế và ngoại giao mà ông Trump bị cáo buộc là đang cố tình phá hoại, thực ra đã được hình thành từ cuối Thế chiến thứ hai. Ở thời điểm đó, nó “có lợi” cho nước Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ tin rằng, ông Trump “nhận ra được tầm quan trọng của nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo”, tuy nhiên cũng đã “chuẩn bị cho sự phân rã” nhằm sửa chữa “những hiệp định khiến Mỹ và người dân Mỹ bị bất lợi”. Mục tiêu của Washington là cải tổ những quy định “không còn công bằng và vô tư”.

Những phát biểu của ông Pompeo hoàn toàn phù hợp với lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ trong thời gian gần đây. Tuần trước, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Âu - Á Wess Mitchell từng nhấn mạnh, cách tiếp cận của ông Trump với các đồng minh hướng tới một “sự cải tổ chiến lược”, dẫn tới kết quả cuối cùng chính là tăng cường hơn nữa sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.

“Củng cố phương Tây đồng nghĩa với việc đưa ra các quyết định cứng rắn ngày hôm nay mà ban đầu chúng ta không đồng ý, hơn là tiếp tục chấp nhận mối đoàn kết xuyên Đại Tây Dương chỉ ở bề ngoài, nhằm lẩn tránh những bất đồng,” ông Michel nói trong một hội nghị tại Brussels.

Cơ cấu lại mối quan hệ Mỹ - EU?

Chia sẻ với hãng tin Sputnik, Tiến sỹ Timofei Bordachev, Giám đốc chương trình Câu lạc bộ thảo luận Valdai đánh giá, mục tiêu của Tổng thống Trump không phải là phá hủy Liên minh châu Âu hay NATO. Chỉ là ông không coi trọng họ nhiều như những gì mà các người tiền nhiệm đã làm.

“Ông Trump đặt ra mục tiêu tái cơ cấu toàn bộ hệ thống quan hệ nội tại của thế giới phương Tây đã được hình thành trong Chiến tranh lạnh. Ngày hôm nay, hệ thống này rõ ràng đang rơi vào ngõ cụt. Thế giới phương Tây đã không còn đáp ứng được các lợi ích của Mỹ, và ông Trump giờ đây đang làm mọi cách có thể để đảm bảo rằng, EU, NATO và các thể chế châu Âu khác – phải nghe theo Washington”, ông Bordachev chỉ ra.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/chia-re-va-chinh-phuc-boc-tach-doi-dich-my-voi-eu-nato-347570.html