Chia sẻ của tình nguyện viên hiến tạng/mô, đại đức Dhammananda Thích Phước Ngọc: 'CỨU NGƯỜI NHƯ CỨU LỬA' THÌ TẠI SAO PHẢI NGĂN NGẠI?

Hiến tạng có 2 cách hiến: một là hiến lúc còn sống, hai là hiến tạng lúc mới chết. Tuy nhiên nghe đến hiến tạng, mọi người sợ, có người sẽ nghĩ ngay đến những kỷ nghệ bất thiện của một số quốc gia, mua bán tạng người sống, lạnh người với những việc làm bất thiện đó, hoặc vẫn còn tồn tại nhiều sự ngăn ngại khác về việc đau đớn, về suy nghĩ chết mà xác thân không được 'nguyên vẹn'.

Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã và đang hoạt động không mệt mỏi cho lý tưởng nhân đạo và nhân văn

Gần như vì thế, mà kể từ khi thành lập, 26/9/2013, Trung tâm điều phối tạng quốc gia đến nay con số người hiến tạng, đặc biệt là hiến sống còn rất ít so với nhu cầu ghép tạng cứu người trong các bệnh lý y học ở nước ta.

Tại Việt Nam người khởi tâm hiến tạng là Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y Tế nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Bà đã có tham khảo quý vị chức sắc tôn giáo Phật giáo và Công giáo thì đây là việc làm phước đức chứa đựng lòng hy sinh cao cả của con người và chính Bà là người đầu tiên đăng ký hiến tạng để cứu người hồi năm 2013.

Một cái nhìn toàn vẹn về sự phát triển khoa học đặc biệt nền y học, về truyền thống nhân đạo của dân tộc, và về những nhận thức đối với sự sống và cái chết trong hầu hết các tôn giáo, thì thân thể vật lý lành lặn là một điều thật khó có được, nó như một viên ngọc như ý. Biết bao người cần mô hiến để được sống, để được lành lặn, để được hạnh phúc, bình an. Vì vậy, việc hiến tạng, mô với mục đích cứu người, phục vụ sự nghiên cứu phát triển của y học, mang đến lợi ích cho cộng đồng thì đó là một nghĩa cử được nhiều nhà tu hành, nhà khoa học, và các chính trị gia nhận định là hết sức cao đẹp, nhân văn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Anh - Cán bộ Trung tâm Điều phối ghép Tạng Quốc gia trao thẻ và logo hiến tạng đến Thầy Dhammananda Thích Phước Ngọc

Đối với những bậc tu hành, sự thanh tịnh về thân và tâm trong suốt quá trình tu hành lại được đánh giá khá cao về “chất lượng” của mô tạng. Vì thế, cũng đã có các nhà sư đã phát tự nguyện đăng ký hiến tạng, hiến xác cho y học Việt Nam. Trong đó, trường hợp gần đây nhất, tại Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể con người thuộc Bộ y tế, ghi nhận được thêm một trường hợp đặc biệt của người tình nguyện hiến tạng sống của một nhà sư thuộc giáo hội phật giáo Sri Lanka, ngài Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc (nguyên Ủy viên ban Hoằng pháp TW GHPGVN, nguyên trụ trì chùa Phước Quang kiêm sáng lập trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương tỉnh Vĩnh Long), và hiện tại được biết đến là một Đặc phái viên quốc tế tại Ủy ban Tuyên Dương Khen Thưởng Phật giáo Chính phủ Sri Lanka, và Chủ tịch trung tâm phát triển trẻ em ISURU SEVANA tại nước Sri Lanka.

Nghĩa cử hiến mô, tạng là “cứu người như cứu lửa” – Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc

Qua cuộc trao đổi cùng nhà sư Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc trong quá trình hoàn tất các thủ tục hiến tạng đúng quy định pháp luật, bằng tâm từ bi và sự nhận thức thấu triệt về sanh lão bệnh tử của chân lý vô thường trong nhà Phật, nhà sư này đã phát ý nguyện hiến tạng từ rất nhiều năm trước, nhưng do quỹ thời gian hạn hẹp vì những hoạt động lợi đạo ích đời trong và ngoài nước, nên đến nay nhà sư mới có đích thân đến thực hiện ý hiến tạng cứu người của mình đã ấp ủ bấy lâu. Theo đó, đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc cũng chia sẻ thêm, hiện tại sự suy yếu về sức khỏe, tiềm ẩn những triệu chứng, di chứng cho cơ thể (mà nhà sư gọi là thân tứ đại) do suốt quá trình dài lao tâm, lao lực vì những sự nghiệp đóng góp cho xã hội, cộng đồng, mặc dù thầy vẫn đang được điều trị tích cực theo các phương pháp y khoa, đông tây y kết hợp, nhưng vẫn bằng tư duy xả bỏ sanh tử, thầy đã cố gắng thực hiện ước nguyện của riêng mình, mà thầy xem đó là hành động cuối cùng với tấm thân tứ đại của kiếp này của thầy được cứu người khi đã xả ly. “Khi đã phát nguyện làm việc cứu người thì dù có tổn hại bản thân bao nhiêu cũng phải hiến thân, như ngài Quang Mục Bồ Tát đi vào địa ngục cứu Mẹ. Việc hiến thân cứu người không nên nghi ngờ, không bàn đến việc đắc đạo hay không đắc đạo, chánh niệm hay không chánh niệm, đau đớn hay không đau đớn. Cứu người như cứu lửa mà còn “nghi” là trở ngại lớn của Bồ Tát” – đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc chia sẻ đầy tâm huyết.

Như Ngọc

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/chia-se-cua-tinh-nguyen-vien-hien-tangmo-dai-duc-dhammananda-thich-phuoc-ngoc-cuu-nguoi-nhu-cuu-lua-thi-tai-sao-phai-ngan-ngai-13856/