Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ứng phó dịch Covid-19

Hiện người lao động ở Thanh Hóa đang chia sẻ khó khăn với chủ sử dụng lao động, cùng doanh nghiệp năng động ứng phó với dịch Covid-19. Người lao động, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ mới ban hành.

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hồ sơ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hồ sơ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Trợ giúp người lao động

Giữa tháng 4, số lượng người trong độ tuổi lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đông hơn thường nhật. Người đến giao dịch đều rửa tay bằng nước sát khuẩn, được đo kiểm tra thân nhiệt, thực hiện đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 2m. Không ít người đến Trung tâm nộp, hoàn thiện hồ sơ liên quan để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Lê Thị Quyền Trang (26 tuổi), ở xã Tế Nông, huyện Nông Cống rất mừng vì hồ sơ cùng kiến nghị liên quan sớm được thụ lý, nên ra nhận quyết định hưởng TCTN trong sáu tháng, mức hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Với mức hỗ trợ này, Trang có khả năng trang trải các chi phí cho bản thân cùng thành viên trong gia đình trong thời điểm chống dịch Covid-19, chủ động tạo thêm việc làm, cập nhật cơ hội tìm việc.

Quý I năm nay, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã thụ lý, giải quyết chế độ TCTN cho 3.430 người lao động, tăng 3,56%; tiếp nhận thông tin khai báo, tư vấn việc làm cho 15.161 người, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vũ Hải Dương, Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp cho hay: Bộ phận chuyên môn cùng các cơ quan liên quan thông báo tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ TCTN qua đường Bưu điện nhưng nhiều người lao động vẫn trực tiếp đến nộp hồ sơ vì sợ mất giấy tờ gốc. Hơn 20 ngày qua, bộ phận chức năng đã tiếp nhận, giải quyết hơn 1.300 hồ sơ đề nghị hưởng TCTN của người lao động. Trong tháng 4 việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đều gia tăng và người lao động vẫn đến nhận quyết định hưởng TCTN, khai báo tình hình việc làm, được tư vấn tìm kiếm việc. Từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi có quyết định giải quyết chế độ TCTN là 20 ngày nhưng Trung tâm dịch vụ việc làm cùng các bộ phận liên quan khẩn trương thẩm định, giải quyết nhanh các chế độ liên quan, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Hiện bốn cơ sở dịch vụ việc làm ở các khu vực trong tỉnh tạm ngừng hoạt động đã được phép hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu giao dịch và giải quyết kịp thời quyền lợi của người lao động.

Đại diện công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn trao khoản hỗ trợ đến người lao động.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải. Các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn nhập khẩu đầu vào, tiêu thụ đầu ra, nhất là thị trường châu Âu. Khan hiếm nguyên liệu, khó xuất bán sản phẩm, một số doanh nghiệp may mặc, giày da phải cho người lao động nghỉ luân phiên, nghỉ việc ngắn ngày, không tăng ca sản xuất. Mặt khác, có doanh nghiệp chủ động đăng ký, chuyển đổi cơ cấu sản xuất sản phẩm. Khảo sát nhanh 81 doanh nghiệp của Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) vào 10 ngày đầu tháng 4 năm cho thấy, có 6.516 lao động ở 74 doanh nghiệp ngừng việc; 89% doanh nghiệp diện khảo sát có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa Ngô Thế Anh cho hay, đầu tháng 2 năm nay, có gần 90 nghìn công nhân, lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, trong đó có 82 nghìn công nhân, lao động tham gia tổ chức công đoàn. Một số doanh nghiệp may mặc, giày da có sử dụng nhiều lao động đã thỏa thuận, chấm dứt hợp đồng 5.387 lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng, tạm hoãn hợp đồng lao động với 671 người và doanh nghiệp hỗ trợ một tháng lương cho mỗi người lao động chấm dứt hợp đồng làm việc. Tổ chức công đoàn tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch; nắm bắt tình hình công nhân lao động, giám sát doanh nghiệp thực hiện, giải quyết, bảo đảm các chế độ, quyền lợi cho người lao động và vừa trao mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người cho 150 công nhân đặc biệt khó khăn. Tổ chức công đoàn còn tư vấn, trợ giúp người lao động tiếp cận cách chính sách hiện hành như người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng TCTN; hướng dẫn người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ một tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP.

Hợp sức vượt khó

Khảo sát về ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với cộng đồng doanh nghiệp của VCCI Thanh Hóa cho thấy: Thị trường bị thu hẹp, hơn 66% doanh nghiệp được khảo sát thiếu vốn, dòng tiền kinh doanh, hơn 50% doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, gần 17% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. Ứng phó với đại dịch, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp sử dụng lao động làm việc linh hoạt về thời gian, giảm giờ làm, ngừng việc, tích cực tìm kiếm thị trường mới, tiết kiệm chi phí, thu hẹp sản xuất. Một số doanh nghiệp như Tổng Công ty Tiên Sơn, Công ty cổ phần may xuất khẩu Trường Thắng, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh… chuyển hướng sang may khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Công ty TNHH Tây Đô chuyên sản xuất rượu, chuyển sang sản xuất nước sát khuẩn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Đới Sỹ Nam ghi nhận, cùng với nỗ lực của Chính phủ, toàn xã hội, nhiều doanh nghiệp năng động vượt khó, không đẩy khó khăn cho người lao động, không cắt giảm công nhân. Một số doanh nghiệp buộc phải cho cán bộ, nhân viên nghỉ việc nhưng vẫn trả lương cho người lao động, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng. Ứng phó với dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận thấy phải đánh giá lại khả năng, năng lực, nhìn lại bài toán chi phí, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nhất là phát huy sự năng động, sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác, “biến nguy thành cơ”, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Qua tổng hợp, bước đầu có 100 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh mong muốn sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện hành. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động sớm tiếp cận các gói hỗ trợ Chính phủ mới ban hành; xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền giảm 50% phí đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; miễn phí công đoàn năm 2020; miễn, giảm, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh; nguồn doanh nghiệp ủng hộ phòng, chống dịch cũng được khấu trừ thuế, giảm 50% tất cả các loại thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kiến nghị ngân hàng giảm sâu lãi vay, điều chỉnh tài sản thế chấp để doanh nghiệp đủ sức hồi phục, phát triển.

Một số doanh nghiệp may ở Thanh Hóa chuyển sang may khẩu trang y tế.

Cũng theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ngoài nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, Chủ tịch tỉnh nên có văn bản chỉ đạo các hội, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng kế hoạch liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, hội viên; có phương án thúc đẩy xuất khẩu, thông quan hàng hóa, góp phần tiêu thụ các sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn, trang phục y tế…vì dự báo thừa nguồn cung do hầu hết doanh nghiệp may chuyển sang sản xuất các sản phẩm chống dịch.

Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu cho rằng, cần tiếp tục rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật, cắt giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư. Với các doanh nghiệp đã có chủ trương đầu tư, đang thực hiện thủ tục đầu tư, các cơ quan hành chính nhà nước liên quan phải quan tâm giải quyết sớm hơn các thủ tục so với thời gian quy định, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện dự án. Hiện VCCI Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tiệm cận chính sách trợ giúp doanh nghiệp, người lao động theo các Nghị quyết Chính phủ mới ban hành. Đi đôi với sớm thực thi gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ, thuế, bảo hiểm… nhiều doanh nghiệp mong “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhà nước cùng cơ quan chức năng cùng đồng hành, hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới. Giám đốc VCCI Thanh Hóa nhấn mạnh: Để khôi phục sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, các cấp chính quyền trong tỉnh phải triển khai khẩn trương, quyết liệt, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trước mắt là đưa nhanh Nghị quyết số 41, 42/NQ-CP nhanh chóng đi vào cuộc sống.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44185702-chia-se-kho-khan-voi-doanh-nghiep-ung-pho-dich-covid-19.html