Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc nhãn để kéo dài thời gian thu hoạch

Ngày 8/11, tại TP Hưng Yên, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Hội Làm vườn và Nuôi ong Hưng Yên tổ chức Hội nghị tham quan đầu bờ mô hình nhãn ra quả trái vụ tại Hưng Yên.

Đến dự và chủ trì Hội nghị có GS. TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; các ông Nguyễn Duy Lượng, Nguyễn QuốcTuấn, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; bà Nguyễn Thị Chải, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên.

Chủ tịch Ngô Thế Dân phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có đại diện Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Nghiên cứu rau quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên; lãnh đạo Hội Làm vườn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Trước khi tham dự Hội nghị, các đại biểu đã đến thăm quan vườn nhãn ra quả trái vụ của gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, khu phố Kim Đằng, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm trước vườn nhãn của gia đình ông Cảnh.

Ông Nguyễn Văn Cảnh giới thiệu sản phẩm cho các đại biểu

Phó chủ tịch Nguyễn Duy Lượng và các đại biểu.

Các đại biểu tham quan vườn nhãn.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ngô Thế Dân, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Dự án Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, báo cáo tóm tắt về kinh nghiệm xử lý nhãn trái vụ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý dự án Trung Hội báo cáo tóm tắt kinh nghiệm xử lý nhãn trái vụ

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ vườn nhãn trái vụ của tỉnh Hưng Yên, trao đổi những kinh nghiệm và xử lý nhãn trái vụ của gia đình mình.

Theo ông Cảnh, xuất phát từ sự bất thường của thời tiết, mùa đông các năm gần đây thường ấm hơn so với các năm trước có thời tiết thuận lợi, chính vì vậy, nhãn thường xuyên mất mùa, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các gia đình trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Bằng các kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều năm về chăm sóc nhãn, gia đình ông Cảnh mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới trong việc xử lý cho nhãn ra quả trái.

Ông Nguyễn Văn Cảnh trao đổi kinh nghiệm

Đối với năm nay, thời tiết có sự khác thường, nếu người làm vườn không đi sâu tìm hiểu sẽ không thành công, ngoài sự tác động thường xuyên là khắc cành, chặt rễ để xử lý ra hoa. Tuy nhiên, năm nay nếu phát hết lộc đông thì lại không thành công, tuy nhiên, đến sau Tết thì có sự thay đổi thời tiết, vì vậy, người làm vườn chờ cho già lá, phát hết lộc đông, sau đó sẽ áp dụng kỹ thuật để cho nhãn phát dục nở hoa và cho quả. Ngườ làm vườn phải có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nhãn để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Chải cho biết, nhãn là loại cây rất cần nền nhiệt độ đảm bảo cho việc đơm hoa kết trái, trong giai đoạn trước Tết, nếu thời tiết càng ấm càng tốt; sau Tết, nếu thời tiết phải lạnh, để nhãn chuyển hóa mầm hoa, nếu không thì coi như nhãn mất mùa.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến

Việc áp dụng bằng cách bón Kaliclorat (KClO3) không phải là mới, công việc này được nông dân tỉnh Hưng Yên áp dụng từ những năm 2000. Kỹ thuật xếp nước, khoanh cành, phun hoặc tưới Kaliclorat (KClO3) cho nhãn để kích thích cho nhãn ra hoa kết quả là kỹ thuật được nông dân Hưng Yên áp dụng thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Chải, không nên gọi là nhãn trái vụ mà đây là dùng các biện pháp kỹ thuật để kéo dài mùa vụ, nhưng không nên kéo dài để khỏi ảnh hưởng cho việc sinh trưởng năm sau của cây.

Theo bà Chải, tỉnh khuyến khích chuyển đổi trồng ăn quả để có thu nhập cao. Riêng cây nhãn, hàng năm, sở chọn những cây giống tốt nhất để nông dân chuyển đổi. Năm nay, không chỉ có vườn của ông Cảnh có nhãn bán mà nhiều gia đình nhãn vẫn có hoa và quả, điều này cũng phải thừa nhận nông nhân rất giỏi vì đã chủ động cho nhãn ra hoa và quả trong thời điểm này. Tuy nhiên, vẫn cần phải nắm bắt thật chắc về sự biến đổi thời tiết hàng năm.

Ông Ngô Hùng Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Hưng Yên, cũng trao đổi thêm về kinh nghiệm trồng nhãn.

Chia sẻ với các đại biểu tham dự Hội nghị, ông Lương Văn Khoa, chủ vườn nhãn ở Yên Mỹ (Hưng Yên) đã trao đổi kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nhãn kéo dài thời gian ra quả. Ông Khoa cho rằng, giống nhãn và thời tiết là những yếu tố quan trọng để nhãn ra hoa và kết quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tân, Giám đốc Công TNHH Tân Phát Bắc Giang, nhà cung cấp phân bón cho một số hộ nông dân trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cho biết: Phân bón Silicon Dioxide đã được người nông dân Hưng Yên sử dụng. Trong quá trình sử dụng phân, năng suất của cây nhãn tăng khá cao. Năm mất mùa, khi sử dụng phân bón này năng suất đạt đến 80%; còn năm thuận mùa thì năng suất đạt trên 150%.

Bà Nguyễn Thị Tân, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phát phát biểu

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã sử dụng rất nhiều, điểm nổi bật của việc sử dụng phân bón này cho nhãn, khi thu hoạch độ ngọt cao, nhãn không bị nứt, đảm bảo chất lượng và mẫu mã đẹp cho sản phẩm.

Phát biểu kết thúc hội nghị, PGS-TS Ngô Thế Dân cho biết: Hội Làm vườn thấy được mô hình trồng nhãn của gia đình ông Cảnh rất hay nên đã tổ chức hội nghị này, thông qua đó để cung cấp thêm cho nông dân kinh nghiệm chăm sóc nhãn trong điều kiện khí hậu thay đổi, để có những kỹ thuật hay áp dụng vào việc trồng trọt và thu hoạch.

Để áp dụng thành công, nhà vườn cần nắm vững các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình đã được các nhà khoa học nghiên cứu và đúc kết.

Ngọc Thủy

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/chia-se-kinh-nghiem-cham-soc-nhan-de-keo-dai-thoi-gian-thu-hoach-post3687.html