Chia sẻ kinh nghiệm nhằm phát huy giá trị của Di sản thế giới đối với sự phát triển bền vững tại Việt Nam

Chiều ngày 24/3 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế 'Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam'.

Dự hội thảo có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng đại diện lãnh đạo bộ ngành trung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản và Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, bảo tàng, di sản và đại diện cộng đồng.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng, với 2 chủ đề: Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và phát huy giá trị di sản - thực tiễn và kinh nghiệm. Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho biết, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 1972 vào năm 1987, và đến nay đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO ghi danh. Các di sản thế giới đã và đang đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống của cộng động, của các địa phương. Hơn thế, đây không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của công ước, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và giáo dục cho thế hệ tương lai các giá trị của di sản thế giới.

“Hội thảo chính là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình hơn 35 năm Việt Nam tham gia Công ước 1972, từ đó cùng nhau trao đổi để tìm ra các giải pháp giúp nâng tầm và đẩy mạnh vai trò, giá trị của các di sản”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam giống như 8 chòm sao biểu tượng, mang dấu ấn tâm linh thiêng liêng cho quốc gia, dân tộc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

Với Hà Nội, địa phương có mật độ di tích và di sản dày đặc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, việc bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học phải nghiên cứu, tìm hiểu đưa ra các hướng giải quyết thận trọng và khoa học từ nhiều góc độ khác nhau.

Để phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về gắn kết di sản văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa ở các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; Tăng cường đầu tư nguồn vốn (nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa) và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo… Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản văn hóa gắn kết với hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là ở một số ngành có ưu thế của Thủ đô.

Di sản văn hóa thế giới khu- Hoàng thành Thăng Long.

Trong khi đó, thành phố Hội An trong suốt 20 năm qua đã kiên trì xây dựng định hướng và phát triển đi lên trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên. Hội An đã gặt hái được những thành công, từ một thành phố dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Hội An đã trở thành địa danh nổi tiếng thế giới. Ngành du lịch chiếm 70% GDP của thành phố, mỗi năm đón trên 3 triệu lượt khách quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, điều Hội An tâm đắc trong bảo tồn và phát triển di sản là lấy người dân làm trung tâm. Việc phát triển di sản phải làm người dân giàu lên từ di sản, tổ chức nhiều chợ đêm để giải quyết cho người nghèo có thêm sinh kế. Trong nhiều năm qua, Hội An tạo ra hàng nghìn việc làm từ di sản. Tại đây có những chuyến xích lô kiếm được cả tỷ đồng. Nhờ đảm bảo sinh kế của người dân, các chính sách đưa ra được người dân ủng hộ, tham gia giữ gìn di sản.

Bên cạnh những thành công trong bảo tồn và phát huy di sản, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam chỉ ra việc quản lý, phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam hiện rất bất cập, không có sự thống nhất, nơi thì thuộc UBND tỉnh, thành phố, nơi thuộc sở, nơi lại do quận, huyện… quản lý, như vậy không bảo đảm được sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực sử học, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, phát triển di sản văn hóa bền vững, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm phát triển cân bằng với bảo tồn. Hiện nay, nguồn tư liệu liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam còn rải rác ở nhiều nơi, trong đó có cả ở nước ngoài. Cần có cơ chế và đầu tư thích đáng tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý tiếp cận, khai thác nguồn tư liệu này, phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản hiệu quả trong đời sống.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chia-se-kinh-nghiem-nham-phat-huy-gia-tri-cua-di-san-the-gioi-doi-voi-su-phat-trien-ben-vung-tai-viet-nam-post534878.antd