Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch

Nhiều kinh nghiệm thiết thực đã được các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và kinh doanh nông sản sạch chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh nông sản an toàn Hà Nội 2018.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và mối quan tâm về nông sản sạch.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và mối quan tâm về nông sản sạch.

Đây là sự kiện do Trung tâm xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Liên đoàn lao động TP Hà Nội, Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, Cục trồng trọt Bộ Nông Nghiệp và PTNT và Dự án Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền bắc (JICA) tổ chức. Khoảng 300 đại biểu là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, rau an toàn, nhà phân phối kinh doanh, các bếp ăn thuộc các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng... trên địa bàn Hà Nội và sáu tỉnh, thành phố phía bắc đã tham gia Diễn đàn.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Tại Diễn đàn, bà Manyia Chiyo, đồng Trưởng nhóm tư vấn – Chuyên gia thị trường JICA (Nhật Bản) đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và phân phối nông sản sạch tại Nhật Bản. Bà cho biết, thời kỳ những năm 1960 – 1970, tình trạng sản xuất nông sản ở Nhật Bản cũng tương tự Việt Nam hiện nay, chủ yếu nông sản được phân phối qua chợ đầu mối. Một số nông sản thiếu sản lượng cung ứng bị ép giá lên rất cao. Do đó, chính phủ đưa ra giải pháp ổn định giá bán rau và nguồn cung trên thị trường cả nước, đồng thời ban hành các chính sách ưu tiên cho sản xuất, phân phối , tiếp thị rau.

Thời gian gần đây, 66% sản lượng rau được phân phối qua hợp tác xã, từ đó 54% qua chợ bán buôn, còn lại được cung cấp đến ngành công nghệ thực phẩm, nhà hàng trực tiếp hoặc qua nhà phân phối. 70% sản lượng rau sản xuất trong nước được cung cấp cho thị trường bán lẻ.

Gần đây, chính phủ Nhật Bản ưu tiên nâng cao tính cạnh tranh bằng cách nâng cao hiệu quả trong sản xuất và phân phối, song song với việc đẩy mạnh marketing và xây dựng thương hiệu cấp quốc gia. Việc tập trung vào phát triển công nghệ cao cũng đem lại hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất và giảm chi phí. Bộ Nông nghiệp, Lâm Nghiệp và Ngư nghiệp còn thúc đẩy việc tiêu thụ rau thông qua các sự kiện khác nhau…

Ngoài ra, các địa phương còn thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu nông sản sạch cấp tỉnh, bao gồm các khâu chứng nhận sản phẩm, cung cấp logo thương hiệu, xúc tiến và marketing, đồng thời cải thiện và tiêu chuẩn hóa chất lượng. Các chương trình xúc tiến được thực hiện rộng rãi: qua hệ thống siêu thị, tờ rơi, tranh ảnh, chợ bán buôn, xúc tiến ra nước ngoài…

Kết nối từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng

Diễn đàn ngoài việc tạo cơ hội cho các nhà sản xuất học hỏi kinh nghiệm, còn là nơi kết nối khâu sản xuất với tiêu thụ, trong đó có nhiều nhà phân phối lớn, nhiều năm hoạt động trong ngành thực phẩm sạch.

Bà Nguyễn Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, gần đây, HPA đã xây dựng trang thông tin nông sản sạch ở địa chỉ: nongsanantoanhanoi.gov.vn. Đây là nơi để các DN, hợp tác xã (HTX) sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tìm hiểu về nông sản, rau an toàn. Nhà sản xuất có chỗ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm bạn hàng, người tiêu dùng tìm và kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm sạch với độ tin cậy được bảo đảm.

Bà Nguyễn Mai Anh cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng, thay thế những phương thức sản xuất cũ bằng những biện pháp mới, sử dụng công nghệ cao và giải pháp thông minh. Đối với người tiêu dùng là thay đổi về nhận thức, về phương pháp nhận diện và tiêu dùng nông sản sạch. Trang thông tin nông sản sạch cũng là một phương thức kết nối người tiêu dùng thông qua các phương tiện thương mại điện tử. HPA không phải là cơ quan quản lý, nhưng là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý để hỗ trợ cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng trong việc đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch.

Đặc biệt, bà Mai Anh cho biết, đối tượng của diễn đàn lần này khác với nhiều lần trước đây, đã có sự xuất hiện và kết nối của hai tổ chức: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, đây là một trong những chủ thể quan trọng để kết nối các vấn đề chung quanh rau an toàn. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục ATTP Hà Nội cho biết, từ 2013 đến nay Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ với 21 tỉnh thành phố cũng ứng chuỗi sản phẩm nông sản, rau an toàn trên địa bàn với trên 400 chuỗi. 400 chuỗi này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và Hà Nội phối hợp kiểm soát chặt chẽ từng khâu cho đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay các vùng rau an toàn của Hà Nội cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, phần còn lại phải nhập từ nơi khác về.

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực trạng sản xuất và phân phối nông sản, rau an toàn tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn rất nhỏ lẻ về quy mô. Sản lượng và thu nhập trên diện tích đất canh tác chưa cao. Trong đó, nguồn giống sạch mỗi năm Việt Nam phải nhập 550 triệu USD. Chuỗi cung ứng cũng bị hạn chế bởi địa phương, vùng miền.

Tại Diễn đàn, đại diện của nhiều đơn vị sản xuất cũng như cung cấp đã bày tỏ những băn khoăn về tình trạng bí đầu ra của nông sản sạch. Nhiều loại rau an toàn được đầu tư trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, nhưng vẫn phải bán ra chợ với giá cả thấp ngang rau thường. Rau an toàn khó vào các bếp ăn tại các khu công nghiệp vì giá thành còn cao. Người tiêu dùng hiện nay cũng vẫn còn chưa quan tâm đến chất lượng rau, tiện đâu mua đó. Nhà sản xuất, vốn là nông dân, còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu quảng bá, marketing, giới thiệu sản phẩm….

Chính vì thế, Diễn đàn là nơi mở ra cơ hội để các nhà sản xuất gặp gỡ được các đơn vị phân phối, cơ sở bếp ăn để tiêu thụ nông sản, từ đó đó thiết lập các chuỗi cung ứng nông sản an toàn có chất lượng, bền vững, song song với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng, cũng như nâng cao ý thức của nhiều khâu tham gia chuỗi cung ứng…

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/37614302-chia-se-kinh-nghiem-san-xuat-va-tieu-thu-nong-san-sach.html