Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rủi ro dài hạn trong khắc phục bom mìn

QĐND Online-Ngày 19-7, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã phối hợp với Trung tâm Quốc tế (IC) và Trung tâm Quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rủi ro (QLRR) dài hạn trong khắc phục bom mìn (KPBM).

 Phó tổng giám đốc VNMAC Nguyễn Văn Nghiệp phát biểu tại hội thảo.

Phó tổng giám đốc VNMAC Nguyễn Văn Nghiệp phát biểu tại hội thảo.

Công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam từ khi chiến tranh kết thúc đến nay đã thu những kết quả đáng kể và mang lại những bài học lớn cho cộng đồng khắc phục hậu quả bom mìn quốc tế. Các chuyên gia đánh giá, nền kinh tế- xã hội của Việt Nam đang phát triển bền vững do sự nỗ lực của Chính phủ nước ta trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn nhiều năm qua.

Phát biểu tại hội thảo, Phó tổng giám đốc VNMAC Nguyễn Văn Nghiệp cho biết, sau khi được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, VNMAC đã phối hợp với GICHD và IC để thử nghiệm Dự án Quản lý rủi ro dài hạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (Dự án MORE) tại Việt Nam. “ Việc Dự án MORE được thực hiện tại Việt Nam có thể giúp giải quyết được phần nào những vấn đề về kinh phí và nhân lực một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Nghiệp nhấn mạnh. Hiện VNMAC đang phối hợp với GICHD và IC triển khai Dự án MORE tại tỉnh Quảng Trị- một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trong cả nước.

Quang cảnh hội thảo.

Về phần mình, ông Prum Sophakmonkol, Tổng thư ký Cơ quan Khắc phục và Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Camphuchia (CMAA) cho biết, Campuchia cũng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo ông Prum Sophakmonkol, trong chiến lược KPBM quốc gia (NMAS) giai đoạn 2018-2025, Campuchia đặt mục tiêu sẽ là quốc gia không còn mìn và hiểm họa của bom đạn, vật nổ được giảm thiểu cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và con người được diễn ra một cách an toàn sau năm 2025. Để đạt được điều này, Campuchia sẽ tăng cường năng lực quốc gia để quản lý và thực hiện chương trình KPBM hiệu quả.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe kết quả báo cáo nghiên cứu thí điểm già hóa bom đạn; chia sẻ về các công cụ và phương pháp mới nhất về QLRR dài hạn trong lĩnh vực KPBM; giới thiệu phiên bản mới về tiêu chuẩn của QLRR trong KPBM (IMAS 07.04)./.

Tin, ảnh: THÙY LINH-QUỐC TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/chia-se-kinh-nghiem-ve-quan-ly-rui-ro-dai-han-trong-khac-phuc-bom-min-582816