Chia thừa kế theo pháp luật hay theo di nguyện

*Bạn đọc hỏi: ông Trần Nguyễn Duy Tuấn, trú Q. Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Ông bà nội tôi mất cách đây hơn 12 năm. Tôi là cháu nội trai duy nhất của ông bà nên khi còn sống, ông bà thường nói với ba mẹ tôi là căn nhà của ông bà sẽ để lại cho tôi. Tuy nhiên, ba mẹ tôi là người đứng tên sở hữu tài sản (TS) này đã hơn 5 năm. Ba tôi đã qua đời cách đây 2 năm, không để lại di chúc. Hiện nay, vợ và mẹ tôi có mâu thuẫn nên không thể sống chung được. Do vậy, tôi muốn yêu cầu chia thừa kế để có tiền ra ở riêng. Tôi muốn biết rằng, mong muốn của ông bà nội tôi về việc để lại TS đó cho tôi có giá trị pháp lý hay không và nếu chia theo pháp luật thì tôi được nhận bao nhiêu phần?

*Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Thứ nhất, ông Tuấn cần phải hiểu rằng di chúc và di nguyện là 2 khái niệm khác nhau. Ông bà nội của ông có ý muốn để lại TS cho ông nhưng thực tế ba mẹ ông đang là người đứng tên sở hữu. Điều này thể hiện ba mẹ ông có thể đã hưởng thừa kế TS đó theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ý muốn của ông bà nội của ông nếu không thể hiện bằng văn bản, cụ thể là di chúc thì ý muốn đó không được pháp luật thừa nhận. Thứ hai, ông Tuấn cần phải hiểu rằng, tìm cách giành phần hơn với mẹ mình trong câu chuyện chia thừa kế và ra ở riêng khi mẹ có mâu thuẫn với vợ là việc có nên và hợp đạo lý hay không. Chắc chắn rằng, sẽ không có người mẹ nào đủ sức vượt qua khó khăn, nuôi con khôn lớn nếu biết rằng con mình sẽ sẵn sàng hơn thua với mình về mặt TS và bỏ mình để bảo vệ cái gọi là hạnh phúc riêng. Thứ ba, ông Tuấn cần phải hiểu rằng, để tìm lời giải trong câu chuyện này, ông không nên đi theo con đường pháp lý mà cần phải đi theo con đường của đạo hiếu, con đường của cái tâm. Ông hãy cố làm thế nào đó để được gọi là người con có hiếu; ông hãy cố làm thế nào đó để cái tâm của mình được nhẹ nhàng; ông hãy cố làm thế nào đó để không phải ân hận về sau... Tôi hiểu rất rõ rằng, ông Tuấn đang rơi vào tình thế "bên tình, bên hiếu". Do đó, nếu ông Tuấn vẫn còn lúng túng (hoặc một bạn đọc nào đó đang rơi vào hoàn cảnh tương tự), chưa biết cách giải quyết cụ thể thế nào thì hãy gọi điện cho Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng hoặc một văn phòng luật sư nào đó để được hỗ trợ và tư vấn cho ông. Trong trường hợp ông Tuấn muốn đi theo con đường pháp lý trong việc chia thừa kế tài sản thì ông có thể tham khảo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_226393_chia-thua-ke-theo-phap-luat-hay-theo-di-nguyen.aspx