Chiếc ghế đã có người đặt vé

Buổi trưa hôm ấy, dù rạp vắng vẻ, chàng trai bán vé vẫn khăng khăng không cho tôi chọn một chỗ ngẫu hứng vừa chỉ trên sơ đồ. Cuối cùng, tôi đành nhượng bộ anh chọn một vị trí khác.

Ảnh minh họa, nguồn: India Today.

Lát sau, thấy anh quay sang hỏi cô bạn đồng nghiệp: “Đã thấy ông ấy đến chưa?”. Cô gái lắc đầu ngơ ngác: “Lạ quá, hôm nay không hiểu sao chưa thấy ông xuất hiện. Lần nào đến rạp, ông cũng đều ngồi đúng cái chỗ ưa thích ấy cả”.

Bỗng dưng tôi chợt hiểu, cả hai người đó đều dành chiếc ghế trên cùng, trong góc cho vị khán giả xem phim trung thành nhất xuất hiện đều đều mỗi tuần.

“Có một thời gian ông ấy ngưng không đến, sau đó thì lại đến xem bình thường trở lại. Chẳng hiểu vì sao vị khách ngoài 60 tuổi đó lại mê xem phim đến thế. Phim gì cũng được, ông có thể xem đến vài lần không chán”, cô gái bắt chuyện với khách.

Thấy tôi có ý như muốn hỏi, cô cười, à thì sau lần đó, ông đến rạp, nét mặt đượm buồn, dáng đi chừng như cũng mệt mỏi hơn. Ông lặng lẽ trả tiền rồi chầm chậm bước vào trong. Phim tan, trong dòng người chộn rộn, bỗng cô sững sờ vì nhận ra vẻ mặt của ông như chẳng còn thần thái.

“Bác xem phim hài mà không vui sao?”, cô chủ động bắt chuyện khi cũng vừa hết ca. “Bà nhà tôi đi rồi cô ạ. Đi thật rồi. Giờ, tôi tới đây thì... cứ tới thôi” - ông đáp.

Cô gái chia buồn cùng ông. Rồi như không kìm được tò mò, cô lại hỏi: “Tụi cháu cứ thắc mắc cả những hôm mưa rét bác cũng đi mà không thấy ngại sao? Bác là người duy nhất thường xuyên đến rạp này đấy ạ”.

“Tôi muốn xem là để có chuyện về kể cho bà ấy vui. Nhà tôi nằm giường cũng đã lâu rồi, bệnh tim và khớp nên đi lại khó khăn. Chúng tôi không có con cái, nên chỉ có thể nhờ cô cháu gái bà nuôi từ nhỏ chăm sóc, trò chuyện cùng bà. Tôi cũng thường giúp nhà tôi việc này, việc nọ, nhưng mỗi lần thấy bà đau đớn thì không chịu nổi. Vậy là mỗi tuần, tôi ra rạp xem phim để có chuyện mới cho bà ấy, vừa là quên đi hoàn cảnh đáng buồn này”.

Cô không biết, thời trẻ, vợ ông rất mê phim ảnh và từng theo nghề diễn viên. Nhưng khi lấy ông thì đành bỏ nghề, mở quán nuôi một đàn cháu nội, ngoại. Trước đây, họ vẫn thường xem phim cùng nhau. Đó là những năm tháng yên bình nhất. Đến khi bà nằm một chỗ thì tuần nào cũng giục ông phải đi xem cho khuây khỏa”.

Kể xong câu chuyện, cô gái bỗng thở dài. Chết chưa phải là hết, biết đâu, bà ấy vẫn “đi theo ông” tới đây cùng xem phim. Có lẽ, ông không thể quên giấc mơ điện ảnh của bà. Cũng có thể, đó là cách giúp ông dịu bớt nỗi cô đơn khi không còn ai chia sẻ.

Vài năm sau nữa, tôi có dịp ghé qua rạp nọ. Chàng trai đã chuyển việc. Riêng cô gái thì vẫn còn ở đó và phụ trách quầy bán vé. Cô bảo, không còn thấy người đàn ông già đó đến xem phim, nhưng cô vẫn nhắc nhân viên để trống cái góc ghế quen thuộc ấy, và nếu có ai hỏi, cô bảo chỗ đó đã có người mua trước vé rồi.

NHẬT LỆ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/chiec-ghe-da-co-nguoi-dat-ve-641668.ldo