'Chiếc ghế' HLV trưởng ĐT Việt Nam có sức hút cỡ nào?

Thắng được khen, thua bị chỉ trích, thậm chí bị sa thải, nhưng vị trí HLV ĐT bóng đá quốc gia vẫn luôn có sức hút với người trong nghề. Ở Việt Nam cũng vậy.

Tóm tắt về "lịch sử" HLV ĐT bóng đá quốc gia Việt Nam. Nguồn: Tuổi trẻ

Sau thất bại của ĐT U22 tại SEA Games 29, ông Nguyễn Hữu Thắng xin từ chức HLV trưởng đội U22 và ĐT quốc gia. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Hội đồng HLV quốc gia đã chấp thuận việc này, đồng thời lên kế hoạch tìm người mới.

VFF đã chốt thời hạn “trình” HLV mới, dự kiến vào cuối tháng 9 sau khi nêu 5 tiêu chuẩn của một HLV trưởng ĐT bóng đá quốc gia Việt Nam.

5 tiêu chuẩn ấy là: Thứ nhất, có bằng HLV chuyên nghiệp hoặc bằng cấp tương đương (bắt buộc). Thứ hai, đã từng là HLV trưởng các CLB chuyên nghiệp hoặc ĐT quốc gia. Thứ ba, biết sử dụng tiếng Anh để thuận tiện trong trao đổi công việc. Thứ tư, không trong thời gian bị kỷ luật, không vi phạm pháp luật. Thứ năm là chấp nhận mức lương, thưởng theo theo đàm phán.

Sau khi tiêu chuẩn được nêu ra, giới thạo tin thể thao trong nước dẫn thông tin từ ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký VFF cho biết Liên đoàn đã nhận được gần chục hồ sơ ứng viên cho chiếc ghế HLV trưởng ĐT quốc gia.

Trang Thể thao báo Tuổi trẻ cho hay trong số này, hồ sơ ứng viên mang quốc tịch châu Âu (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh…) chiếm nhiều nhất.

Bên cạnh đó, cũng có tin cựu HLV trưởng ĐT Thái Lan Winfried Schaefer (người Đức), thậm chí cả danh thủ và cũng là cựu HLV ĐT Thái Lan Kiatisak… cũng muốn nộp đơn dự tuyển? Tất cả vẫn là thông tin mật mà vị Tổng Thư ký VFF không được tiết lộ.

Một gương mặt quen thuộc nữa mà báo chí cũng đề cập là người từng gắn bó khá sâu đậm với bóng đá Việt Nam - ông Alfred Riedl.

Về trường hợp này, báo Tuổi trẻ cho hay ông Riedl rất hào hứng và cho đây là một vinh dự lớn nếu được trở lại Việt Nam trong vai trò HLV trưởng ĐT bóng đá quốc gia một lần nữa.

Tuy nhiên, ông cũng nói chưa nhận được đề nghị nào về phía VFF.

Còn báo Thể thao Việt Nam thông tin ông Mai Đức Chung tiến cử 2 người. Người thứ nhất là ông Alfred Riedl, còn người thứ 2 là Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede. Theo ông Chung, Giám đốc Jurgen Gede đã phần nào hiểu bóng đá Việt Nam và ông Gede đã hỗ trợ đưa bóng đá trẻ Việt Nam lên đỉnh cao thời gian qua…

Về chiếc ghế HLV trưởng ĐT quốc gia, có lẽ bóng đá Việt Nam đang giữ “một kỷ lục thế giới”.

Chính thức trở lại với đấu trường quốc tế từ SEA Games 16 tổ chức ở Philippines năm 1991 đến giờ là 26 năm, chiếc ghế HLV trưởng đã có đến... 26 ông thầy cả nội lẫn ngoại, tính cả chính thức lẫn tạm quyền.

Do người hâm mộ bóng đá Việt Nam hiện vẫn luôn khát khao hướng về danh hiệu “khủng nhất” là HCV SEA Games, điều mà đội bóng chưa làm được, thế nên, cứ mỗi khi đội bóng thua trận là HLV phải chịu vô vàn sức ép…

26 ông thầy của các cầu thủ bóng đá Việt Nam đã chịu tình cảnh ấy, không trừ một ai.

Người này đi, người khác đến là chuyện đương nhiên và cũng là chuyện bình thường. Rồi bất chấp khó khăn, bất chấp việc có thể chỉ “cầm cự” được trong khoảng thời gian không dài (ông Tavares, HLV người Brazil, có lần chỉ ngồi ghế nóng được 42 ngày…), vẫn có nhiều người muốn chỉ huy ĐT Việt Nam trong các trận tranh tài.

Ngoài vấn đề việc làm, điều không đến nỗi bức bách với các ứng viên, thì có thể danh hiệu “HCV SEA Games” và “sự thành danh” ở đấu trường châu Á, điều mà cả người hâm mộ và cầu thủ Việt Nam chờ mong mỏi mắt đã tạo sức hút “khủng” cho chiếc ghế ấy!

Thùy Linh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/the-thao/chiec-ghe-hlv-truong-dt-viet-nam-co-suc-hut-co-nao/317224.vgp