Chiếc Huy hiệu 'Vận động viên cấp 2'

Đó là một trong những hiện vật tiêu biểu tại Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp (TTG). Đây là kỷ vật của Đại tá Đào Văn Bàn, một trong những học viên đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được cử sang học tập tại Trường Xe tăng Số 4, Trung Quốc và được nhà trường trao tặng Huy hiệu 'Vận động viên (VĐV) cấp 2'.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Tổng Quân ủy Trung ương có kế hoạch đặt nền móng cho sự ra đời của một số quân chủng, binh chủng trong đó có Binh chủng TTG. Thực hiện chủ trương trên, những năm 1956-1957, Bộ Quốc phòng cử hai đoàn cán bộ, chiến sĩ sang Trung Quốc học về chỉ huy, kỹ thuật và kíp xe tăng, thiết giáp. Mục tiêu của những học viên đào tạo khóa đầu tiên là làm sao trong thời gian ngắn nhất, tiếp thu được nhiều nhất kiến thức về TTG để về nước xây dựng lực lượng; tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 Chiếc Huy hiệu "Vận động viên cấp 2" được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng tăng thiết giáp.

Chiếc Huy hiệu "Vận động viên cấp 2" được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng tăng thiết giáp.

Khi mới sang nước bạn, học viên Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhất là về mùa đông, nhiệt độ thường xuống dưới 0 độ C. Do chưa quen khí hậu nên các học viên của ta thường bị cảm cúm và đau khớp, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập. Bước đầu, các học viên phải tự rèn luyện để ổn định sức khỏe, sau đó phải thực hiện nghiêm ngặt theo chương trình quy định với khối lượng và cường độ cao, mục tiêu cuối cùng là phải đạt được tiêu chuẩn VĐV cấp 1, rồi VĐV cấp 2. Tiêu chuẩn VĐV cấp 2 lúc bấy giờ do nước bạn quy định, ngoài việc đạt loại giỏi các môn phối hợp, học viên phải đạt thành tích nhảy xa từ 5 mét trở lên. Đây là một mức thành tích cao, ngay cả đối với học viên nước bạn. Nhưng với tinh thần của những anh Bộ đội Cụ Hồ, các học viên của Quân đội ta đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực học tập, rèn luyện để vừa có kiến thức, vừa có sức khỏe.

Với ý chí quyết tâm cao và sự nỗ lực rèn luyện, năm 1957, đồng chí Bàn đã đạt tiêu chuẩn VĐV cấp 1, năm 1958 đạt tiêu chuẩn VĐV cấp 2. Chiếc huy hiệu là phần thưởng quý giá, ghi nhận công sức phấn đấu, rèn luyện của những học viên TTG đầu tiên, để không lâu sau đó, 18 giờ 33 phút, ngày 13-7-1960 chiếc xe tăng mang số hiệu 114 do Trung sĩ Đào Văn Bàn điều khiển đã in vết xích đầu tiên trên mảnh đất Việt Nam, đánh dấu sự xuất hiện của lực lượng TTG trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chiec-huy-hieu-van-dong-vien-cap-2-611524