Chiếc lược đối trọng với 'đặc sắc Trung Hoa' của Mỹ

Xin được chuyển tới những bạn đọc quan tâm các vấn đề chiến lược quân sự và các ý đồ của Trung Quốc công trình nghiên cứu với tiêu đề trên

Công trình của Trung tâm Phân tích An ninh Mỹ mới (Center for a New American Security -CNAS) – một Think tank được hai nhà cựu ngoại giao Mỹ Michèle FlournoyKurt M. Campbell sáng lập năm 2007 chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh Mỹ.

Bài do chuyên gia quân sự Nga Nhikolai Antonov tổng hợp và đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) bắt đầu từ ngày 12/8/2019. Xin nhấn mạnh một ý đây là bài viết thể hiện cách nhìn của một trung tâm phân tích Mỹ, Vì bài quá dài nên chúng tôi có lược dịch một số đoạn:

Nhập môn

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Quân đội Mỹ chủ yếu dựa vào ưu thế vượt trội về công nghệ để “tạo thế cân bằng” (với) hoặc “bóp chết” các lợi thế của Liên Xô trong cả chiều dài thời gian, quy mô không gian và quy mô tiềm lực quân sự.

Ưu thế không thể tranh cãi về kỹ thuật quân sự cho phép Các Lực lượng Vũ trang (CLLVT) Mỹ áp dụng chiến lược xây dựng quân sự CLLVT (Các lực lượng vũ trang) và các học thuyết tác chiến đủ để vô hiệu hóa ưu thế về số lượng của CLLVT thông thường Liên Xô mà không cần phải tuân theo nguyên tắc “một chọi một” cả về số lượng xe tăng và số lượng binh sỹ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính cái lợi thế về kỹ thuật quân sự này đã đảm bảo cho Quân đội Mỹ chiếm ưu thế quyết định trước các đối thủ tầm khu vực trong suốt hơn hai thập kỷ.

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại, những quốc gia khu vực (cường quốc khu vực) được xếp vào loại "vô trách nhiệm" vốn từ lâu đã từng là tâm điểm chú ý của Mỹ, giờ đã hoàn toàn nhường chỗ cho hai cường quốc vĩ đại (nguyên văn) với những khả năng lớn hơn rất nhiều.

Đó là một nước Nga đang phục hưng, mang nặng tâm lý rửa hận và một Trung Quốc đang trỗi dậy, huênh hoang khoe cơ bắp đồng thời liên tục có những động thái hung hăng đe dọa an ninh và ổn định khu vực, thách thức trật tự quốc tế hiện có.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong hai đối thủ cạnh tranh mạnh này (của Mỹ), chính Trung Quốc mới là một vấn đề lớn nhất (đối với Mỹ) trong tương lai dài hạn.

Kể từ khoảng năm 1885 đến nay, nước Mỹ chưa từng bao giờ phải đối đầu với một đối thủ, hoặc thậm chí là cả một nhóm đối thủ có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn hơn GDP của chính nước Mỹ.

Nhưng đến năm 2014, Trung Quốc đã vượt Mỹ về sức mua tương đương (PPP- purchasing power parity) và dự kiến sẽ có GDP lớn nhất thế giới tính theo giá trị tuyệt đối vào năm 2030.

Để so sánh, hãy lấy Liên Xô- đối thủ chính của chúng ta (Mỹ) trong Chiến tranh Lạnh làm ví dụ,- quốc gia này phải đối mặt với những mâu thuẫn kinh tế gay gắt không thể chịu đựng nổi và cuối cùng đã phải sụp đổ do cả sức ép từ bên ngoài và từ bên trong.

Trong những năm đỉnh cao nhất, GDP của Liên Xô cũng chỉ xấp xỉ 40% GDP của Mỹ.

Kể từ năm 1885, Hoa Kỳ đã không phải đối đầu với một đối thủ nào có GDP lớn hơn 40% GDP của Mỹ. Nhưng theo các dữ liệu năm 2017, GDP Trung Quốc hiện đã bằng khoảng 63% GDP Mỹ.

Nếu như những điều vừa dẫn ở trên vẫn còn chưa đủ để gây những ấn tượng cần thiết cho các cơ quan hoạch định chiến lược Mỹ, thì rất nên nhắc để họ nhớ rằng khả năng công nghệ của Trung Quốc cũng đang tăng trưởng với tốc độ nhanh như tốc độ tăng trưởng sức mạnh kinh tế.

Liên Xô chưa từng bao giờ có khả năng đạt tới, chứ chưa nói tới chuyện vượt qua trình độ phát triển công nghệ chung của nước Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc, tình hình có thể hoàn toàn khác.

Quả thực, Quân Gải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã dồn sức đầu tư để thu hẹp khoảng cách công nghệ so với Quân đội Mỹ, họ đang “phấn đấu hết mình” để đạt được sự cân bằng về công nghệ (với Mỹ) và hướng tới mục tiêu cuối cùng- giành được quyền thống trị công nghệ.

Nét đặc trưng của người Trung Quốc nói chung và các nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc nói riêng là họ diễn đạt các mục tiêu của mình một cách rất tù mù và khó hiểu.

Tuy nhiên, sau khi phân tích tất cả những gì mà PLA đã làm được xét từ góc độ công nghệ trong chưa đầy hai thập kỷ qua và những gì họ dự định sẽ thực hiện trong những thập kỷ tới, trong bất kỳ một đánh giá khách quan nào cũng phải tính tới ít nhất một khả năng là Quân đội Mỹ có thể trở thành nạn nhân của một chiến lược đối trọng kỹ thuật quân sự khôn khéo, nhẫn nhục, được hỗ trợ bởi tất cả các nguồn lực sẵn có của Trung Quốc.

Mục đích của công trình nghiên cứu này là mô tả và phân tích chiến lược (của Trung Quốc), đồng thời đưa ra những nét phác thảo các hướng phát triển của nó trong tương lai.

Các chiến lược đối trọng của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh

Ngay từ đầu Thế chiến II, Mỹ đã dựa vào ưu thế công nghệ- quân sự vượt trội nhằm thiết lập sự cân bằng tổng thể với các đối thủ và đối thủ cạnh tranh thường có ưu thế về số lượng CLLVT thông thường.

Chiến lược này được rút ra từ kinh nghiệm đối đầu với các quốc gia Trục (Đức, Ý và Nhật Bản). Dwight Eisenhower hiểu rất rõ thực tế này, và đã tuyên bố ngay sau khi Thế chiến II vừa kết thúc:

“Trong khi một số đồng minh của chúng ta (Mỹ) buộc phải xây dựng các bức tường bằng máu và thịt để bảo vệ chính họ trước các cuộc xâm lược, chúng ta có thể sử dụng máy móc và công nghệ để giữ mạng sống cho các binh sỹ của chúng ta".

Trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, Liên Xô, do đặt nhiều kỳ vọng vào sự vượt trội về quân số của các lực lượng truyền thống, nên theo đuổi các tiếp cận kiềm chế mà bản chất cốt lõi của nó được thể hiện qua câu châm ngôn quân sự đã cũ "số lượng sớm hay muộn cũng sẽ biến thành chất lượng".

Nhưng về phía mình, Tổng thống Eisenhower (Mỹ) lại không chấp nhận cách tiếp cận tốn kém mà ông cho là không hợp lý nếu cố đuổi theo Liên Xô theo nguyên tắc “một chọi một” cả về số lượng xe tăng và binh sỹ.

Thay vào đó, D.Eisenhower tận dụng kinh nghiệm trong Thế chiến II, cũng như ưu thế độc quyền hạt nhân trong thời kỳ đầu của Mỹ để vô hiệu hóa ưu thế về số lượng vũ khí thông thường của Liên Xô bằng một lực lượng quân sự có quy mô nhỏ hơn nhưng lại được trang bị các tên lửa có điều khiển và không điều khiển mang đầu tác chiến hạt nhân công suất thấp.

Nói ngắn gọn, Eisenhower đã dựa vào vũ khí hạt nhân để kiềm chế các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước (thông thường) của Khối Hiệp ướcWarsaw. Đây là chiến lược đối trọng thứ nhất của Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Nhưng đến đầu những năm 70, sức mạnh răn đe của Chiến lược đối trọng thứ nhất của Mỹ đã không còn tác dụng bởi hai tiến trình khách quan. Trước hết, đó là tiềm lực vũ khí hạt nhân Liên Xô khi đó đã gần cân bằng với tiềm lực kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Thứ hai, trong các thập niên 60 và 70, Liên Xô đã đồng thời hiện đại hóa những lực lượng tấn công thông thường vốn đã mạnh hơn của họ (so với Mỹ và NATO) đóng quân dọc biên giới giữa hai nước Đức, triển khai bố sung tại những khu vực này hàng nghìn xe tăng, xe vận tải bọc thép mới, các tên lửa phòng không và các kiểu pháo có những tính năng kỹ- chiến thuật không những không thua kém, mà thậm chí còn hiện đại hơn các loại vũ khí cùng chủng loại của NATO.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown (ảnh) và Cục trưởng Cục Nghiên cứu và thiết kế Quốc phòng Mỹ William Perry trong những năm 70 đã thừa nhận phải xây dựng Chiến lược đối trọng thứ hai với điểm nhấn là phải có những thiết kế mang tính cách mạng trong lĩnh vực đạn dược phi hạt nhân có điều khiển chính xác cao.

Vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Harold Brown (trong các năm 1977-1981-ND) cùng Cục trưởng Cục Nghiên cứu và Thiết kế Bộ Quốc phòng William Perry đã kết luận rằng chính sách kiềm chế của NATO lúc đó đã lỗi thời và cần phải có các hướng đi mới.

Một trong những ý tưởng được đưa ra là tấn công và làm “mất máu” các tập đoàn quân xe tăng khổng lồ của Khối Warsaw trước khi chúng tấn công các trận địa phòng ngự tuyến trước của NATO.

Và vì vậy, H. Brown và W. Perry đã tập trung ưu tiên vào một số công nghệ mới đang được nghiên cứu lúc đó để đảm bảo cho CLLVT Mỹ và đồng minh khả năng “nhìn thấy xa hơn và tiêu diệt các mục tiêu ngay trên lãnh thổ đối phương bằng vũ khí chính xác cao thông thường”.

Kết quả các nỗ lực của hai chiến lược gia nói trên là sự ra đời của một chiến lược mới mang tên “Chiến lược đối trọng thứ hai”.

Bản chất của chiến lược này, như chính H. Brown nhận định: “Tốt hơn cả là đạt ưu thế về công nghệ và không chạy theo số lượng”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Chiến lược đối trọng thứ hai cũng vẫn rất hữu ích cho Quân đội Mỹ. Nó đã cho phép Quân đội Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí thông thường trước bất kỳ đối thủ cấp khu vực nào trong hơn hai thập kỷ.

Nhưng bản chất của cuộc cạnh tranh chiến lược lại chính là việc các đối thủ cạnh tranh không bao giờ dễ dàng chấp nhận ưu thế quân sự của đối thủ.

Điều này càng đúng với những cường quốc đang lên đầy tham vọng, - những đối thủ này đã hiểu ra rằng nếu họ muốn đối phó với mạng tác chiến chiến thuật của người Mỹ, trước tiên họ sẽ phải thiết kế được các phương tiện tấn công cần thiết và sau đó nữa- phát triển các tổ hợp trinh sát và tấn công của riêng họ.

Đấy chính là những gì mà Trung Quốc, với quyết tâm thoát khỏi vị thế của một cường quốc quân sự hạng hai, đã triển khai thực hiện.

PLA duyệt binh nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tháng 9/ 2017. Chương trình hiện đại hóa quy mô lớn tập trung vào việc khắc phục được sự tụt hậu công nghệ so với người Mỹ

Chiến lược đối trọng “đặc sắc Trung Quốc”

Mặc dù Trung Quốc trên thực tế là đối tác chiến lược thực sự của Mỹ trong suốt hai thập kỷ sau của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô mặc nhiên lại đã biến Mỹ thành mối đe dọa chiến lược chủ yếu đối với các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc.

Không lâu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vào năm 1993, khi những ấn tượng về cuộc biểu dương sức mạnh quân sự Mỹ qua Chiến dịch “Bão táp Sa mạc” (tại Irag-ND) vẫn còn tươi mới, Chủ tịch CHNDTH khi đó Giang Trạch Dân đã lệnh cho Quân đội Trung Quốc phải “chuẩn bị tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ trong các điều kiện công nghệ cao".

Tuy ông này không nói rõ quốc gia nào hiện là đối thủ tiềm năng nhất (của Trung Quốc), nhưng tuyên bố được đưa ra ngay sau (chiến dịch) “Bão táp Sa mạc” kết thúc khiến ai cũng hiểu quốc gia đó là ai.

Công tác lập kế hoạch tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ cao sẽ được quyết định bởi hai nguyên tắc chủ yếu. Thứ nhất, các cuộc chiến tranh sẽ bị giới hạn về mặt địa lý, thời gian và các nhiệm vụ cần giải quyết.

Thứ hai, trong khi tiến hành chiến tranh- sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu, trong đó có phương án tấn công trước bằng vũ khí công nghệ cao như Mỹ đã từng làm trong chiến dịch “Bão táp sa mạc”.

Hai nguyên tắc này là điểm xuất phát cho giới tướng lĩnh Bắc Kinh khi đề ra các hướng phát triển chiến lược và học thuyết của PLA tiến hành các cuộc chiến cường độ cao trong thời gian ngắn nhưng có sức hủy diệt lớn.

Kinh nghiệm quan trọng nhất mà Trung Quốc rút ra từ chiến dịch “Bão táp Sa mạc” năm 1991, đó là- phải tiến hành các cuộc tấn công nhanh, mạnh ngay trong các giai đoạn đầu của cuộc chiến, bởi vì nếu đã mất thế chủ động, sẽ gần như không còn cơ hội lấy lại các trận địa bị mất, do đối thủ có khả năng sử dụng loại đạn chính xác cao tiến hành các đòn công kích và ném bom suốt ngày đêm trong mọi điều kiện thời tiết.

Ngay từ đầu, người Trung Quốc đã quyết định xây dựng một chiến lược đối trọng “đặc sắc Trung Quốc”. Thay vì lập thế cân bằng tương đối về lực lượng và phương tiện, Trung Quốc tập trung vào việc rút ngắn khoảng cách tụt hậu công nghệ so với người Mỹ.

Và thêm nữa, trước các hành động “năng nổ” của Mỹ ngay sau khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc, tiến trình này (rút ngắn khoảng cách tụt hậu công nghệ-ND) được Trung Quốc ráo riết đẩy nhanh.

Năm 1996, để đáp trả các vụ thử tên lửa của Trung Quốc trên không phận và trong vùng lãnh hải Đài Loan, Mỹ đã tập trung một cụm quân tấn công có quy mô lớn nhất trênThái Bình Dương kể từ sau Chiến tranh Việt Nam để cảnh cáo Trung Quốc.

Cụ thể, Mỹ đã cho hai cụm tàu sân bay của mình đi qua eo biển Đài Loan, để chứng minh rõ rằng Trung Quốc thậm chí còn chưa đủ khả năng để bám theo các cụm tàu mặt nước của Mỹ, chứ chưa nói gì đến việc có đủ lực lượng và phương tiện để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.

Sau đó, ngày 7/5/1999, trong chiến dịch Không quân NATO không kích Serbia, các máy bay Mỹ đã ném 5 quả bom có điều khiển vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, làm thiệt mạng 3 người và làm bị thương 20 người Trung Quốc khác.

Mỹ “xin lỗi” về sự cố trên và giải thích là mình đã ném bom nhầm. Người Trung Quốc không thể chấp nhận nổi lời xin lỗi vì cho rằng với các khả năng của mạng tác chiến thống nhất và được tích hợp của Mỹ, không thể xảy ra một khả năng như vậy.

Lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm nặng nề đã buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch của mình nhằm thu hẹp khoảng cách tụt hậu công nghệ so với Mỹ.

Nhưng những sự kiện ở eo biển Đài Loan và Nam Tư đã khiến các chiến lược gia quân sự Trung Quốc nhận thức được rằng họ còn phải làm rất, rất nhiều việc mới có cơ hội “sánh vai” được với CLLVT Hoa Kỳ và để có thể nói chuyện với Mỹ một cách bình đẳng.

Các hệ thống cảm biến của Trung Quốc không có khả năng dẫn đường cho các phương tiện tấn công vào những mục tiêu ở cự ly lớn, các mạng điều khiển và trinh sát của họ không thể tích hợp và phân tích các dữ liệu nhận từ các cảm biến và điều khiển các chiến dịch tác chiến, các tổ hợp tác chiến của họ gần như chỉ toàn là các loại vũ khí không điều khiển và không quá phức tạp về mặt kỹ thuật.

Để giải quyết được các vấn đề này, cần rất nhiều thời gian.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chiec-luoc-doi-trong-voi-dac-sac-trung-hoa-cua-my-3410011/