Chiếc máy quay đĩa chạy cót hơn trăm tuổi còn nguyên bản và hai giọng ca vàng một thời

Ngày nghỉ, tôi tìm đến nhà Tiến sĩ, Nhà văn, Nhạc sĩ Phạm Việt Long (Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam), với mục đích xin ông bản quyền cuốn nhật ký 'Bê trọc' để đưa vào bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam - Tuyển tập'.

Thật ngạc nhiên, bởi tôi phát hiện ra với tư cách là một nhạc sĩ, Phạm Việt Long còn là người đam mê sưu tầm các loại đĩa hát và máy quay đĩa các loại. Pham Việt Long không giấu diếm tiết lộ: Từ thời còn làm Chánh Văn phòng của Bộ Văn hóa - Thông tin, ông đã có sở thích và đam mê đó. Gần đây, khi ông viết cuốn sách "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc" (dày gần 400 trang in) một phần cũng là nhờ bộ sưu tập này.

Clip đính kèm dưới đây, xin được giới thiệu một chiếc máy quay đĩa cổ và độc của nhà sưu tầm Phạm Việt Long và cuộc trò chuyện của chúng tôi không chỉ về xuất xứ chiếc máy quay đĩa, mà còn có cả một chiếc đĩa quý, do Việt Nam sản xuất từ thập niên 60 của thế kỷ trước, với 2 giọng ca vàng (cũng là 2 chị em ruột): NSND Thương Huyền và NSUT Văn Hanh (người cha đẻ của PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nổi tiếng)...

Thật thú vị, bởi hồi bé, mỗi khi thấy con quạ, bọn trẻ con chúng tôi thường hát câu:

Quạ quạ quạ...
Bố mày chết trên cầu Việt Trì
Đêm 30 đánh điện về nhà
Cả nhà mày làm một đám ma
Tò tí te con bò kéo xe...

Cứ tưởng đấy là câu hát đồng dao vô thưởng vô phạt của trẻ con. Nhưng sau này lớn lên, tôi mới biết đó chỉ là "Lời 3" của bài hát "Ánh đèn trên cầu Việt Trì" do Nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác từ năm 1956:

"Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì
Trong đêm khuya vẫn còn rọi về
Nghe tưng bừng ngày đêm tiếng ca...
Khắp đường phố xuôi ngược rộn ràng
Tay công nhân búa đập nhịp nhàng
Trên công trường ngày đêm hát vang..."

Chỉ nghe "mộc" thôi, âm thanh hết sức trung thực, bởi không có tăng âm điện tử để "tôn giọng lên"... Nhưng 2 giọng ca vàng một thời và những ca khúc của một thời đã xa, qua chiếc máy quay đĩa cổ, lại đem đến cho ta cảm giác thật khó diễn tả...

Cảm ơn Nhà văn Phạm Việt Long còn giới thiệu với tôi về cuốn nhật ký "Nơi ấy là chiến trường" của Tiến sĩ Phạm Quang Nghị (Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) vừa ra mắt bạn đọc. Tôi đã liên hệ điện thoại với Tiến sĩ Phạm Quang Nghị và hẹn ông buổi gặp mặt làm việc gần nhất, để xin bản quyền cuốn sách đó cho bộ "Nhật ký thời chiến Việt Nam - Tuyển tập" sắp xuất bản.

Hà Nội, 12/5/2019

Đặng Vương Hưng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chiec-may-quay-dia-chay-cot-hon-tram-tuoi-con-nguyen-ban-va-hai-giong-ca-vang-mot-thoi-69223