Chiếc nôi đào tạo chuyên gia tài chính cho kinh tế Việt Nam

Mới đây, tại hội trường Đại học Tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga đã tổ chức buổi Hòa nhạc hữu nghị Nga-Việt với sự tham gia không những của các sinh viên Việt Nam và Nga đang học tại Đại học này, mà còn các bạn sinh viên Việt Nam từ những trường đại học khác ở Moscow.

Tham dự buổi hòa nhạc có Lãnh đạo Đại học Tổng hợp Tài chính, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Lại Ngọc Đoàn và cán bộ Phòng Quản lý lưu học sinh Đại sứ quán.

Các bài hát, điệu múa truyền thống và hiện đại của Việt Nam và của Nga, chương trình biểu diễn thời trang đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Các đoạn video với thông điệp của các bạn sinh viên từng tốt nghiệp trường vào những năm khác nhau và đang làm việc tại các ngân hàng, các Bộ, công ty tín dụng và đầu tư tại Việt Nam và châu Âu đã khiến bầu không khí liên hoan như càng thêm chân tình, ấm cúng.

Cựu Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, người đã tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Tài chính năm 1978, đã gửi video với thông điệp trong đó ông gọi trường Đại học Tài chính là ngôi nhà thứ hai của mình và đánh giá cao không chỉ kiến thức phong phú mà ông đã nhận được trong trường, mà còn thái độ ấm áp thân thiện và sự ủng hộ từ phía các giáo viên và các bạn sinh viên.

Đại học Tổng hợp Tài chính là một trong những trường đại học lâu đời nhất của Nga chuyên đào tạo các nhà kinh tế, chuyên gia tài chính, luật sư về luật tài chính, các nhà toán học, chuyên gia CNTT, nhà xã hội học và nhà khoa học chính trị. Đây không chỉ là một cơ sở đại học mà còn là một trung tâm nghiên cứu. Tại 20 khoa, trong 28 chi nhánh ở các vùng khác nhau của LB Nga hiện có 46,5 nghìn sinh viên, bao gồm những du học sinh đến từ 65 quốc gia.

Trường Đại học Tổng hợp Tài chính có mối quan hệ hợp tác với Việt Nam từ khá sớm và mối quan hệ hợp tác trong đào tạo vẫn không ngừng được củng cố trong những năm gần đây. Số lượng sinh viên Việt Nam bao giờ cũng chiếm đa số trong khối sinh viên nước ngoài học tại trường và hiện nay đang có 142 sinh viên Việt Nam. Kể từ năm 1953, Đại học Tổng hợp Tài chính đã đào tạo rất nhiều chuyên viên kinh tế và tài chính, ngân hàng cho Việt Nam. Đặc biệt, trong số các cựu sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Tài chính có hai người đã làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, hai Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Kể từ năm 2009, trường Đại học Tổng hợp Tài chính đã có nhiều chương trình hợp tác với Học viện Ngân hàng Việt Nam. Nhiều cán bộ của Học viện Ngân hàng, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã được cử sang Nga nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ tại Đại học Tổng hợp Tài chính. Ngoài ra, các trường đại học tài chính của hai bên thường xuyên có chương trình trao đổi sinh viên, tài liệu nghiên cứu, cùng tham gia vào các hội thảo quốc tế.

Bà Tô Tuyết Khanh, đại diện của Học viện Ngân hàng Việt Nam tại LB Nga, chia sẻ: "Đại học Tài chính cung cấp những kiến thức rất tốt trong lĩnh vực này. Các bạn sinh viên không chỉ nghiên cứu lý thuyết, mà còn thực tập thực tế, điều đó là rất quan trọng cho sự nghiệp tương lai của họ. Những kiến thức cơ bản nhận được tại đây cho phép sinh viên tiếp tục học tập hoặc nhận được một công việc tốt không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các nước phương Tây. Các giáo viên và sinh viên Nga giúp cho các bạn sinh viên Việt Nam vượt qua khó khăn với tiếng Nga. Điều kiện sống ở đây cũng rất tốt, có những buổi sinh hoạt và những buổi gặp mặt rất thú vị tạo cơ hội để làm quen với nền văn hóa rất phong phú của Nga".

Phát biểu với phóng viên báo Sputnik, bà Lilia Prikhodko, Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế của trường Đại học Tổng hợp Tài chính, cho biết thêm: "Trong số các bạn sinh viên Việt Nam có những người đang được đào tạo với những khoản tài trợ tư nhân, với tài trợ học bổng Rossotrudnichestvo, có cả những người đang theo học theo thỏa thuận liên chính phủ, theo chương trình trao đổi sinh viên với Học viện Ngân hàng Việt Nam. Các bạn sinh viên Việt Nam đều học giỏi. Điểm mạnh của các em là toán học. Các em học tập siêng năng và có kỹ năng giao tiếp. Chúng tôi muốn có thêm nhiều sinh viên như vậy. Bây giờ một trong những phương hướng quan trọng nhất trong quá trình phát triển quan hệ đối tác với nước ngoài của LB Nga là xuất khẩu giáo dục đại học. Trường đại học chúng tôi có những chương trình giáo dục bằng tiếng Anh, nhưng chúng tôi muốn để sinh viên nước ngoài học tiếng Nga, có hiểu biết về lịch sử nước Nga, về nền văn hóa Nga".

(theo ĐSQ Việt Nam tại LB Nga)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chiec-noi-da-o-ta-o-chuyen-gia-ta-i-chi-nh-cho-kinh-te-vie-t-nam-70297.html