Chiếc ô an ninh của Mỹ không thể bảo vệ Saudi trước phi đội drone

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia có thể khiến các nước vùng Vịnh phải tìm cách bớt phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ.

Các tên lửa tấn công Saudi Arabia cuối tuần trước không chỉ phá hủy các thùng dầu. Chúng cũng giáng đòn cuối cùng vào niềm tin đã phai mờ trong nhiều năm rằng Mỹ duy trì chiếc ô an ninh có thể bảo vệ các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ khỏi kẻ thù của họ - và đặc biệt là khỏi Iran.

Trong bài bình luận trên New York Times, cây bút Robert F. Worth cho rằng tính toán sai lầm của Tổng thống Trump đã giúp dẫn tới tình thế này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện tại không chỉ liên quan đến chính quyền Mỹ và những cạm bẫy của chiến dịch "áp lực tối đa" của họ đối với Iran.

Robert F. Worth là cựu phóng viên của New York Times và là tác giả của "Cơn thịnh nộ của Trật tự: Trung Đông trong hỗn loạn, từ Quảng trường Tahrir đến IS".

Ảo tưởng bất khả xâm phạm

Mỹ đã từ bỏ Trung Đông kể từ thảm họa của cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Giờ đây, đá phiến đã khiến Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Trung Đông, thật khó tưởng tượng bất kỳ tổng thống Mỹ nào có thể mạo hiểm nguồn lực trong nước để bảo vệ Saudi Arabia.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh dường như tin rằng mối quan hệ chặt chẽ của họ với Mỹ (và hàng tỷ USD chi cho vũ khí Mỹ) khiến họ gần như trở nên bất khả xâm phạm.

Tổng thống Donald Trump cầm kiếm và nhảy với các vũ công truyền thống trong buổi lễ chào mừng tại Cung điện Murabba, ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: AP.

Họ thường xuyên thúc giục các nhà ngoại giao và tướng lĩnh Mỹ cứng rắn hơn với người hàng xóm Iran hoặc thậm chí là "chặt đứt đầu rắn", khi vua Abdullah của Saudi Arabia khuyến khích Mỹ ném bom các địa điểm hạt nhân Iran vào năm 2008.

Sự tự tin của Saudi được củng cố bởi những ký ức về cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu xoay chuyển cuộc xâm lược của Saddam Hussein ở Kuwait.

Thế nhưng, niềm tin vào sức mạnh của Mỹ đã che mờ một số thực tế khó coi. Dân số và sức mạnh quân sự của Iran áp đảo các nước vùng Vịnh, còn Mỹ lại ở cách xa hơn 16.000 km.

Trong bất kỳ cuộc chiến tranh có thể tưởng tượng nào, các thành phố vùng Vịnh sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên. Và không giống như Iran, những thành phố đó rất dễ bị tổn thương: Một quả bom có thể phá vỡ vị thế của Dubai như trung tâm an toàn cho thương mại, giao thông và du lịch.

Giờ cơn ác mộng dường như trở thành sự thật. Hôm 14/9, một số tên lửa mà Saudi nói rằng của Iran đã qua mặt các hệ thống phòng thủ đắt tiền do Mỹ cung cấp, đáp gọn ghẽ xuống các bể chứa dầu và các cơ sở lưu trữ tại hai trong số các địa điểm quan trọng nhất của vương quốc và khiến giá dầu thế giới tăng đột biến.

Thiệt hại là hạn chế, nhưng thông điệp của nó thì không: huyết mạch kinh tế vùng Vịnh có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Sân bay Quốc tế King Abdulaziz ở Jeddah, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Các diễn biến chính trị sau đó khiến Riyadh sững sờ. Để tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến có thể gây tổn hại đến triển vọng bầu cử của mình, ông Trump phản ứng với cả sự nóng giận và nhún nhường.

Ngay cả khi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo gọi các cuộc tấn công là "hành động chiến tranh", chính quyền Mỹ vẫn đẩy trách nhiệm đưa ra quyết định đáp trả cho hoàng gia Saudi. Họ miễn cưỡng chấp nhận trách nhiệm đó.

Vẫn còn quá sớm để nói những gì sẽ đến sau tất cả. Nếu các hành động khiêu khích không gây ra chiến tranh công khai - điều gần như chắc chắn sẽ buộc Mỹ tham gia - Iran có thể sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, với cả chính quyền Trump và các nước láng giềng vùng Vịnh.

Bài học của Tổng thống Trump

Cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các chế độ quân chủ vùng Vịnh bắt nguồn từ năm 1945, khi Franklin D. Roosevelt gặp nhà vua đầu tiên của Saudi Arabia, Abdelaziz ibn Saud.

Nó phát triển mạnh mẽ hơn trong Chiến tranh Lạnh, khi các tổng thống từ Harry Truman đến George Bush tin rằng bảo vệ các mỏ dầu của Saudi Arabia là điều cần thiết để chống lại các lực lượng thù địch.

Mối quan hệ đã được thử nghiệm - đầu tiên là bởi các cuộc tấn công vào ngày 11/9/2001 - trong đó 15 trong số 19 tên không tặc là người Saudi, sau đó là bởi cuộc nổi dậy ở Arab năm 2011, khi các nhà lãnh đạo vùng Vịnh tin rằng Tổng thống Barack Obama đã bỏ rơi họ.

Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã quay lại đúng hướng với cuộc bầu cử của ông Trump. Saudi và UAE ban đầu tin rằng ông sẽ là người bảo vệ cứng rắn hơn ông Obama. Họ rất vui mừng khi ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp Thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, gần đây, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đã trở nên khó chịu về sự bất nhất giữa lời nói và hành động của ông Trump. Vào tháng 6, ông đe dọa "xóa sổ" Iran sau khi một máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ nhưng rồi lại hủy bỏ kế hoạch trả đũa vào phút chót.

Quyết định sa thải John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia diều hâu của Nhà Trắng, củng cố niềm tin rằng ông Trump không muốn chiến tranh. Nhưng nhiều người lo sợ ông sẽ vấp vào một cuộc chiến.

UAE dường như đang tự hỏi có thể dựa vào vị tổng thống khó lường này hay không. Sau một loạt cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư, họ đã từ chối đổ lỗi cho Tehran và sau đó lặng lẽ cử phái đoàn ngoại giao đến Iran. Họ cũng rút hầu hết quân đội ra khỏi cuộc chiến ở Yemen.

Liệu Saudi sẽ phản ứng theo cách tương tự? Họ đã tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm tàn khốc ở Yemen kể từ năm 2015, với mục tiêu dạy cho Iran một bài học. Bài học bây giờ dường như đang chuyển sang hướng khác.

Dân quân Houthi ở Yemen, liên minh với Iran, đã nhận trách nhiệm về các tên lửa tấn công Saudi Arabia vào tuần trước. Không ai có vẻ coi trọng tuyên bố này, nhưng người Houthi đã bắn máy bay không người lái và tên lửa vào Saudi Arabia với tần suất tăng lên. Người Saudi có thể phải nhận ra rằng chỉ có ngoại giao mới khiến cuộc chiến đó chấm dứt.

Ông Trump vẫn chưa thể đáp ứng hy vọng của các quốc gia vùng Vịnh rằng ông có thể vùi dập và chà đạp Iran. Nhưng tại thời điểm này, những động thái của ông sẽ mang đến cho họ một di sản rất khác và có lẽ lâu dài hơn: sự thừa nhận rằng họ phải học cách kiềm tỏa Iran mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ.

Tuyết Mai
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phi-doi-drone-lam-tieu-tan-ao-tuong-cua-saudi-vao-chiec-o-my-post992303.html