Chiếc vòng tay gắn 12 viên kim cương và vụ trộm rung chuyển World Cup

World Cup 1970 được nhớ đến với vụ bê bối làm rung chuyển thế giới bóng đá. Ngôi sao tuyển Anh Bobby Moore bị cáo buộc ăn trộm chiếc vòng tay trước ngày khai mạc.

Thứ hai, ngày 18/5/1970, thời tiết ở Bogota, thủ đô Colombia, khá dễ chịu. Những cơn gió lồng lộng đánh tan oi bức mùa hè, cám dỗ người ta ra đường nhiều hơn để tìm kiếm buổi tối tuyệt vời.

Lúc 18h25, tiếng chuông báo động bỗng réo lên inh ỏi từ cửa hàng trang sức Fuego Verde trong sảnh khách sạn Hotel Tequendama, kéo theo đó là những bước chân gấp gáp của cảnh sát và bảo vệ.

Màn trình diễn của Bobby Moore tại World Cup Huyền thoại người Anh chính là đội trưởng của thế hệ vàng giúp "Tam Sư" có chức vô địch World Cup 1966 lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử cho tới nay.

“Hắn là tên trộm”

Rất nhanh chóng, tất cả vị khách đều bị giữ lại. Đến khi bầu không khí bớt hỗn loạn, một nữ nhân viên bước ra. “Hắn và hắn”, cô ta chỉ tay vào thanh niên ngoại quốc có mái tóc quăn màu vàng cùng người khác trông già hơn với cái trán hói.

Một số người nhận ra họ. Người đầu tiên là Bobby Moore, và người kia là Bobby Charlton. Hai ngôi sao lớn nhất của tuyển Anh, nhà đương kim vô địch thế giới. Họ cùng đội bóng đang trú tại khách sạn này nhằm chuẩn bị cho 2 trận giao hữu, trước khi di chuyển tới Mexico để chơi World Cup 1970.

Cảnh sát vây kín cửa hàng trang sức Fuego Verde.

Cảnh sát vây kín cửa hàng trang sức Fuego Verde.

“Vậy là họ đã lấy chiếc vòng tay bằng vàng trắng, có gắn 12 viên kim cương và 12 viên ngọc lục bảo trị giá 625 bảng?”, viên cảnh sát hỏi lại. Cô nhân viên Clara Padilla nhớ lại một chút và với dáng vẻ quả quyết, chỉ vào Moore.

Theo cô, anh ta đã nhìn chăm chú vào cái nhẫn, vốn đặt bên cạnh chiếc vòng tay trong ô trưng bày, sau đó biến mất trong khi cô tiếp chuyện người còn lại là Charlton.

Moore kịch liệt bác bỏ lời cáo buộc. Để chứng minh sự trong sạch, anh tình nguyện tìm kiếm chiếc vòng tay. Dĩ nhiên, các cảnh sát cũng lục soát trên người đội trưởng đội tuyển Anh. Vì nó không được tìm thấy, Moore bị lôi xềnh xệch về đồn để lấy lời khai.

Người hùng trở thành nỗi ô nhục

Cảnh sát Colombia dường như cũng không mặn mà với vụ này lắm, nhất là nghi phạm lại có yếu tố nước ngoài. Sau vài tiếng, Moore được phóng thích vì thiếu bằng chứng xác thực. Anh có thể cùng đồng đội đến Quito, đánh bại Ecuador trong lần ra sân thứ 80 cho đội tuyển quốc gia.

Nếu tuyển Anh bay thẳng tới Mexico, có lẽ câu chuyện dừng lại ở đó. Theo lịch trình từ trước, họ bay trở lại Bogota. Vừa đáp xuống sân bay El Dorado, cảnh sát ập đến và đọc lệnh bắt giữ Moore. Các cầu thủ "Tam sư" được phép về khách sạn. Họ xem phim, rồi 5 tiếng sau lên chuyến bay đến Mexico. Tất nhiên là không có Moore đi cùng.

Trong những ngày Moore không có ở Bogota, vài chuyện đã xảy ra. Bằng cách nào đó cô nhân viên Padilla tìm ra người làm chứng có tên Alvaro Suarez. Ông này được dẫn tới cảnh sát và nói rằng khi đang mua sắm ngoài cửa sổ, nhìn thấy Moore bỏ thứ gì đó vào túi.

Bobby Moore, người hùng World Cup 1966 và bị nghi ngờ là tên trộm trước thềm World Cup 1970.

Vậy là đã rõ. Cục an ninh Colombia (DAS) được yêu cầu vào cuộc điều tra. Moore chưa đến mức bị tống vào tù, nhưng phải chịu sự quản thúc tại gia. Không tìm ra nơi nào thích hợp, cuối cùng nhà chức trách đưa anh đến ký gửi ở nhà riêng của Alfonso Senior, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Colombia.

Vụ việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng và rất nhanh chóng, được loan tin rộng rãi. Cả thế giới bóng đá rung chuyển bởi vụ bê bối, và World Cup 1970 bị hoen ố.

Thủ quân của đội tuyển đương kim vô địch lại là tên trộm đáng khinh. Mỉa mai hơn, Moore, ngoài việc là siêu sao toàn cầu, còn được biết đến với sự lịch thiệp, trong sạch để có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc khai thác giá trị hình ảnh.

Hơn thế nữa, anh là biểu tượng của sự vươn lên, từng chiến thắng căn bệnh ung thư tinh hoàn ở tuổi 23, chỉ 2 năm trước khi đăng quang World Cup 1966.

Nỗ lực giải cứu đội trưởng

Báo chí Anh nghi ngờ đây chỉ đơn giản là âm mưu bẩn thỉu của đất nước Mỹ La tinh nhằm hạ thấp uy tín của "Tam sư" và Moore, người hùng vĩ đại nhất lịch sử bóng đá xứ sương mù.

Văn phòng nước ngoài ở London chìm trong vạn bức thư của người hâm mộ, cầu xin hãy giải cứu Moore. Thủ tướng Anh Harold Wilson khi ấy đang rối bời với vụ bầu cử lập tức thấy đây là cơ hội tốt để lấy lòng cử tri. Ông phải giúp Moore thoát vòng lao lý, bất chấp có ăn cắp hay không, sau đó đưa anh ta tới World Cup.

“Không có chủ đề nào được công chúng quan tâm nhiều hơn Moore. Vì vậy hãy làm mọi thứ có thể”, Wilson ra lệnh cho các quan chức sứ quán Anh ở Bogota. Họ gây sức ép lên Tổng thống Colombia Alberto Lleras Camargo, người luôn mong muốn cải thiện mối quan hệ không mấy thân thiện với nước Anh.

Bobby Moore bị bắt giữ bởi cảnh sát Colombia.

Cuối cùng, trong phiên tòa được mở ngày 25/5, giới cảnh sát Colombia đã đo kích thước nắm đấm của Moore để xác định, liệu nó có thể lọt qua cái lỗ trong tủ kính để lấy chiếc vòng tay hay không. Kết quả, nó quá lớn.

Jaime Ramirez, cảnh sát trưởng Bogota cũng khẳng định Moore bị cài bẫy, bởi gã Alvaro Suarez được chủ của Fuego Verde, Danilo Rojas trả tiền để buộc tội đội trưởng "Tam sư" hòng mang lại sự nổi tiếng cho cửa hàng. Thẩm phán Pedro Dorado tuyên bố phóng thích Moore, nhưng cũng cảnh báo rằng câu chuyện sẽ không kết thúc ở đây.

Phải đến 3 ngày sau, Moore mới hoàn toàn tự do và gấp rút bay đến Mexico. Ở đó, các đồng đội chờ anh ở sảnh khách sạn và lập thành hàng rào danh dự chào đón vị thủ lĩnh.

Giải đấu năm đó, Moore dẫn dắt tuyển Anh đánh bại Romania ở trận mở màn. Loạt trận thứ hai, đội bóng của anh cũng chỉ chịu thua 0-1 trước Brazil của vua bóng đá Pele, nhà vô địch tương lai. Trận thứ ba, "Tam sư" tiếp tục vượt qua Tiệp Khắc để có mặt ở tứ kết, nơi họ thúc thủ trước Đức vì bàn thắng được ghi trong hiệp phụ của Gerd Mueller.

Đi tìm câu trả lời

Vậy rốt cuộc Moore có lấy cắp chiếc vòng tay có gắn 12 viên kim cương và 12 viên ngọc lục bảo ở Fuego Verde? Cho đến nay, chân tướng sự việc vẫn là bí ẩn.

Năm 1970, Moore nói trước báo chí: “Tôi không chắc về những gì xảy ra hôm ấy, nhưng không làm bất cứ điều gì sai trái và có thể cam đoan điều đó”.

Theo lời kể của Bobby Charlton, vào bữa ăn tối, các cầu thủ biết đến sự hiện diện của cửa hàng trang sức Fuego Verde, và anh nghĩ về một chiếc nhẫn tặng vợ. Khi xong bữa, Charlton kéo Moore lại đó để xem.

Các tuyển thủ Anh ở Mexico 70, với Charlton đang cầm bộ bài còn Bobby Moore ngồi ngoài cùng bên phải.

“Vì nó không ghi giá, chúng tôi quyết định bước vào trong để hỏi”, Charlton thuật lại. “Nữ nhân viên mở tủ và lấy nó ra. Chúng tôi bàn luận về chiếc nhẫn nhưng vì quá đắt, nên quyết định bước ra. Nhiều nhất, bọn tôi chỉ ở trong đó 5 phút. Tôi chắc chắn không nhìn thấy cái vòng tay nào như mô tả với 12 viên kim cương và 12 viên ngọc lục bảo. Một vật rực rỡ như vậy phải khiến chúng tôi chú ý chứ”, Charlton kể.

Moore đã ra đi vĩnh viễn năm 1993, ở tuổi 51, vì ung thư ruột và gan. Trước khi ông mất, nhà báo thể thao Jeff Powell có nhiều dịp tiếp xúc để viết tiểu sử người trung vệ vĩ đại. Trong cuốn sách của Powell, Moore ám chỉ rằng “Một trong số các cầu thủ trẻ tuổi của tuyển Anh đã làm chuyện ngu ngốc hoặc chỉ đơn giản là trò đùa trong hoàn cảnh trớ trêu”.

Nghi án người thứ ba

Trong phiên điều trần tại London năm 1970, theo yêu cầu từ phía Colombia, Moore bác bỏ nghi ngờ có cầu thủ khác tham gia vào câu chuyện này. “Theo như tôi biết, không có ai ngoài tôi và Charlton bước vào cửa hàng. Tôi không thể xác nhận điều gì về người thứ ba”, ông nói.

Tuy nhiên, có vẻ như Moore không nói thật. Là người sinh ra và lớn lên ở khu phố phức tạp phía Đông London, ông có sẵn trong mình máu giang hồ hảo hán. Đó là lý do, theo tiết lộ sau này của Powell trên sóng truyền hình, Moore đã kể cho ông nghe toàn bộ sự thật, chính xác và đầy đủ, nhưng với lời hứa phải mang theo câu chuyện này xuống mồ.

Như vậy, có thể tạm suy đoán, một cầu thủ trẻ nào đó dại dột lấy cắp chiếc vòng. Là đàn anh, Moore bảo vệ cậu ta đến cùng, quyết không hé răng với bất cứ ai.

Moore là thủ lĩnh của "Tam sư" không chỉ trên sân mà còn cả ngoài đời.

Trong suốt những năm tháng cuối đời, Moore phải sống với vết nhơ khó gột rửa. Ngoài nghi ngờ là kẻ cắp, ông không thể trở lại Colombia thêm lần nữa nếu không muốn trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến vụ việc từ Cục an ninh nước này.

Điều tồi tệ nhất là bất chấp các đóng góp cho bóng đá Anh, Moore không được phong tặng tước Hiệp sĩ. Cánh báo chí xứ sương mù thậm chí còn đến tận Văn phòng Nội các để tìm hiểu, liệu Moore có từng được xem xét hay không. Câu trả lời họ nhận được là không có bất kỳ hồ sơ nào liên quan tới khả năng Moore được phong tước. Nghĩa là chính những người đứng đầu chính phủ cũng không tin cựu đội trưởng "Tam sư" trong sạch.

Powell mắc kẹt trong lời hứa với Moore, vì vậy ông không bao giờ được minh oan để nhận lấy những gì xứng đáng. Riêng với người hâm mộ, họ sẽ chỉ nhớ về người đội trưởng với đôi mắt sáng, nụ cười rạng rỡ cùng má lúm đồng tiền, hành xử mã thượng cả trong và ngoài sân cỏ.

Thanh Đình
Ảnh: Getty Images/FIFA

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chiec-vong-tay-gan-12-vien-kim-cuong-va-vu-trom-rung-chuyen-world-cup-post841061.html