Chiếc xe đạp ở thành Rome

Nếu như sau thế chiến thứ nhất, người ta biết nhiều đến các nhà làm phim trong trào lưu Biểu hiện chủ nghĩa Đức thì sau thế chiến thứ hai, chủ nghĩa Tân hiện thực Ý đã ghi những trang vàng vào lịch sử điện ảnh nhân loại.

Việc trở thành một quốc gia thua cuộc và đánh mất vị thế trung tâm trong ngành công nghiệp thế giới đã dẫn xã hội Ý đến tình trạng khó khăn chồng chất. Nền nghệ thuật của Ý không nằm ngoài những khó khăn ấy, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh. Chưa bao giờ điều kiện làm phim thiếu thốn tới vậy. Chiến tranh đã tàn phá biết bao trường quay, máy móc, cộng với tài chính eo hẹp đã đẩy một đất nước vốn có nền nghệ thuật rực rỡ là Ý đứng trước vô vàn thách thức. Chính lúc này đây, điện ảnh Tân hiện thực ra đời. Các nhà làm Ý bấy giờ chỉ đơn giản nghĩ là, họ sẽ cố gắng hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật với giá cả rẻ mạt nhất trong điều kiện có thể. Thay vì xây dựng trường quay tốn kém thì họ sẵn sàng thay đổi thói quen làm việc của mình bằng cách quay phim ngoài trời, hoặc thay vì phải sử dụng rất nhiều đèn đánh sáng để làm nổi bật đường nét trên khuôn mặt diễn viên thì họ tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên, máy quay cầm tay, diễn viên không chuyên..., và hiện thực trên tất cả chính là, các câu chuyện họ kể luôn xoay quanh vấn đề nhân sinh, đời sống túng quẫn và khổ đau của người dân Ý thời kỳ hậu chiến.

Điện ảnh Tân hiện thực buộc người ta phải đối mặt với những cùng cực bế tắc của thời đại và đi vào từng ngóc ngách của bi kịch, không thoát ly, không tránh né. Những tác phẩm Rome, Open City, Ossesione, Shoeshine, Bellissima, La Strada... trải qua mấy chục năm vẫn còn đủ sức lay động lòng người bởi tinh thần nhân văn cao cả. Trong số đó phải kể đến Bicycle Thieves của đạo diễn Vittorio De Sica, một tác phẩm Tân hiện thực được xem là đỉnh cao và kiểu mẫu. Bicycle Thieves được chuyển thể từ tiểu thuyết bởi nhà biên kịch Cesare Zavattini, một trong số những người sáng lập và phát triển trường phái Tân hiện thực, bên cạnh Luchino Visconti, Gianni Puccini, Giuseppe De Santis, Pietro Ingrao, Vittorio De Sica và Federico Fellini. Nói Bicycle Thieves là đỉnh cao bởi lẽ, năm 1950, sự xuất sắc Bicycle Thieves khiến Viện hàn lâm Mỹ phải trao cho nó giải thưởng Oscar danh dự, tiền đề của giải thưởng dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất hiện tại và chỉ sau bốn năm phát hành, tạp chí điện ảnh Sight & Sound của Anh cũng đã bầu chọn Bicycle Thieves là bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại. Bicycle Thieves giống như một nhân chứng trung thực của hai dòng lịch sử: lịch sử điện ảnh và lịch sử nước Ý.

Lúc bắt đầu Tân hiện thực chưa ai hình dung được rằng, lối tiếp cận điện ảnh ấy đã mở ra một cuộc cách mạng có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ riêng đối với điện ảnh Ý. Rất nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới thừa nhận chịu sự ảnh hưởng từ các đạo diễn giai đoạn Tân hiện thưc như: Bimal Roy, Tim Burton, Satyajit Ray... Hai phong trào điện ảnh lớn là French New Way của Pháp và Polish Film School của Ba Lan cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ Tân hiện thực. Điều này tựa một hình thức minh chứng cho việc, bản chất của nghệ thuật là tái sinh, và cái đẹp đích thực luôn đi cùng sự sự hủy diệt. Nghệ thuật chỉ có khả năng hoài thai và bung nở khi nó chạm đến cái chết. Ở một chừng mực nào đấy, những kiệt tác điện ảnh của nhân loại thường được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn nhất, như: Biểu hiện chủ nghĩa, Tân hiện thực, hay điện ảnh Liên Xô những năm chiến tranh. Đích đến cuối cùng của nghệ thuật không phải là thứ gì xa xôi diệu vợi nơi chốn thiên đường mà rất mực gần gũi.

Không phải Rome của những nụ hôn bỏ quên trên bậc thềm Spainish Steps, không phải Rome của những công trình kiến trúc tuyệt vời, không phải Rome của nhà nguyện Sistine bao lần tỏa khói, Rome trong Bicycle Thieves là chuyến xe đò ngơ ngác dừng bên vệ đường. Hàng trăm con người đổ về Rome để tìm việc làm. Chỉ duy nhất một cái tên được xướng lên, yếu ớt và buồn bã: Antonio Ricci. Ricci được giao cho công việc tay chân, bấy nhiêu thôi cũng đủ để người ta ghen tị. Nhưng bất chợt, Ricci gần như bật khóc khi nhớ ra chiếc xe đạp để phục vụ công việc mới đã bị anh mang đi cầm. Một cú máy kéo dài chuyển tải tình trạng của Ricci tới người xem, ngắn gọn và dứt khoát, có vẻ như đạo diễn muốn dành trọn thời gian cho những tuyệt vọng sau này. Ricci và vợ quyết định mang đám chăn mền đến tiệm cầm đồ đổi tiền, và cũng tại tiệm cầm đó, họ chuộc lại chiếc xe đạp đang treo lẫn lộn giữa vô số chiếc xe đạp khác. Cả thành Rome nằm trong tiệm cầm đồ. Rome lúc này chẳng có những chiếc Ferrari hay Piaggio bóng lộn mà hầu như được phủ kín bằng những chiếc xe đạp khắc khổ tựa mặt người trong cuộc chiến cơm áo gạo tiền. Chiếc xe đạp ỏ thành Rome chở cả tương lai của một gia đình nghèo khó. Vậy nên, khi bị đánh cắp chiếc xe, Ricci đã rơi vào trạng thái hoảng loạn vô cùng, rồi từ hoảng loạn, anh bị rớt xuống đáy sâu của tấn bi kịch mang chân dung của một thời kỳ tăm tối. Ricci dắt theo đứa con trai bé nhỏ đi lùng sục tìm lại chiếc xe đạp, từ khu chợ Porta Portese đến bờ sông hoang vắng, từ nhà thờ tôn nghiêm đến nhà thổ phức tạp. Đã có lúc thành Rome hào hoa trở nên quá đỗi ủ dột, khi mà niềm tin của con người hoàn toàn suy sụp. Người ta đến nhà thời không vì lý do tham dự thánh lễ mà để chờ phát một miếng ăn. Còn đâu Rome, mảnh đất vĩnh hằng?

Hành trình của hai cha con Ricci đưa người xem đi dạo vòng quanh thủ đô nước Ý với tâm trạng mỗi lúc càng tuyệt vọng, mà tận cùng nỗi tuyệt vọng chính là hành động đánh liều lấy cắp chiếc xe đạp bên đường của Ricci. Có lẽ người xem ít nhiều cũng đoán được hành động ấy, sau hàng loạt bứt rứt đã đẩy Ricci, và cả những người xem vào trạng thái mất bình tĩnh. Tuy nhiên, Ricci lại quên mất một điều, anh vốn chẳng phải là tay trộm nhà nghề. Máy quay đuổi theo anh. Người ta đuổi theo anh. Ricci đứng chết lặng giữa phố, trong vòng vây những người đang ra sức miệt thị kẻ trộm cắp khốn nạn là anh, và dưới chân anh, đứa con trai nhỏ bất thần lo sợ. Kết thúc hành trình đi tìm chiếc xe, hai cha con Ricci trở về trong nỗi im lặng bẽ bàng. Không một ai biết rồi ngày mai họ sẽ ra sao, kể cả chính bản thân họ. Những bộ phim thuộc dòng Tân hiện thực luôn có một cái kết hụt hẫng như vậy. Câu chuyện thì giản dị thế thôi, song cảm xúc nghẹn lại nơi lồng ngực người xem là thứ cảm xúc vô cùng u uẩn. Bicycle Thieves trông giống như một cuốn phim tài liệu đủ đầy về nước Ý thời hậu chiến, thời điểm con người ta không thể làm chủ số phận của mình. Có những gia đình còn giữ trên đầu tủ chiếc bánh ô tô từ quá khứ, và chiếc bánh ô tô cứ nằm chết bẹp ở đấy, tựa những gánh nặng thực tế đè lên nước Ý, dân Ý, cái gánh nặng mà chỉ có sự vô thường của cuộc sống mới trả lời được.

Ngân Vi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/chiec-xe-dap-o-thanh-rome-83290.html