Chiếm đoạt 147 tỉ, Tòng 'Thiên Mã' lãnh án 18 năm

Sự buông lỏng của các cựu cán bộ ngân hàng ở nhiều khâu trong quá trình cho vay đã giúp sức cho 'đại gia thủy sản' chiếm đoạt trót lọt hàng trăm tỉ đồng.

Ngày 18-9, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Phan Bá Tòng (còn gọi là đại gia thủy sản Tòng “Thiên Mã”), cựu giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người bị hại là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ bị chiếm đoạt hơn 147 tỉ đồng.

Tòng “Thiên Mã” là chủ mưu

Cùng về tội danh này, Trần Thị Diễm (cựu kế toán trưởng Công ty Thiên Mã) bị phạt bảy năm tù. Các bị cáo Nguyễn Thị Mai (cựu trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu - Ngân hàng VDB Cần Thơ) bị phạt tám năm tù; Lâm Chí Công (cựu phó phòng Tín dụng xuất khẩu - VDB Cần Thơ) 10 năm tù và Huỳnh Thanh Trúc (cựu cán bộ tín dụng - VDB Cần Thơ) sáu năm tù, cùng về tội cố ý làm trái…

HĐXX nhận định trong quá trình vay vốn tín dụng xuất khẩu tại VDB Cần Thơ, Tòng đã sử dụng tiền vay tại 13 khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 02-2009 để trả cho các khoản nợ tại các ngân hàng khác, sử dụng tiền vào mục đích cá nhân. Sau đó, Tòng chỉ đạo Diễm và nhân viên của Công ty Thiên Mã lập giả báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009, 2010 từ lỗ trên thực tế thành có lãi. Bị cáo còn lập khống các hợp đồng, chứng từ mua bán nguyên liệu để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, tạo ra tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay để chiếm đoạt của VDB Cần Thơ hơn 147 tỉ đồng.

Bị cáo Tòng là người khởi xướng chủ mưu, phạm tội nhiều lần, trực tiếp hưởng lợi chiếm đoạt 147 tỉ đồng nên phải chịu trách nhiệm chính. Tại tòa bị cáo vẫn chưa nhận thức được hành vi sai trái của mình, khắc phục hậu quả chỉ ở mức nhỏ nên cần có mức án nghiêm khắc.

Diễm là kế toán công ty, có đầy đủ nhận thức, hành vi nghiệp vụ, biết rõ Tòng sai phạm nhưng vẫn giúp sức ký các báo cáo kinh doanh khống để hoàn tất hồ sơ vay vốn. Khi được giải ngân, bị cáo không thực hiện hoàn tất các chứng từ, không hạch toán được vốn vay theo mục đích vay vốn mà bỏ mặc hậu quả xảy ra.

Bị cáo biết rõ Tòng sử dụng vốn sai mục đích nhưng bị cáo vẫn chấp nhận theo chỉ đạo của Tòng, tạo điều kiện cho Tòng chiếm đoạt tiền của VDB. Vì thế, việc truy tố bị cáo tội lừa đảo với vai trò giúp sức là không oan. Tuy nhiên, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo do phạm tội vì lệ thuộc vào Tòng, thành khẩn nhận sai, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Bị cáo Tòng trước khi tòa tuyên án. Ảnh: HD

Ngân hàng giải ngân 59 lần/tháng

Đối với các bị cáo Mai, Công, Trúc là những người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Công ty Thiên Mã vay. Tuy nhiên, các bị cáo đã không kiểm tra các điều kiện tín dụng được phê duyệt, không kiểm soát nguồn tiền về của khách hàng…

Hành vi của các bị cáo đã thực hiện không đúng chỉ đạo, không báo cáo với VDB đầy đủ, đúng đắn, không thực hiện đúng các quy định kiểm tra mục đích vay vốn, sử dụng vốn vay, tài sản bảo đảm hình thành vốn vay dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, các bị cáo không kiểm tra thực trạng kết quả kinh doanh của Thiên Mã, không kiểm toán, không xác nhận nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế. Khi tiếp nhận hồ sơ giải ngân không kiểm tra điều kiện giải ngân và các chứng từ giải ngân trong khi đây là khách hàng có dư nợ quá hạn.

Các bị cáo đã không phối hợp với khách hàng kiểm tra, rà soát số lượng hàng hóa thu mua có phù hợp với tiến độ giải ngân hay không. Thậm chí kết quả điều tra thể hiện trong vòng một tháng VDB đã dồn dập giải ngân cho Công ty Thiên Mã đến 59 lần trước khi hết hạn mức. Vì vậy cơ quan này không phát hiện được chênh lệch số liệu về hàng hóa cho vay. Không xác minh đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ cho khách vay nhưng khách hàng đã ký hợp đồng mua bán với Công ty Thiên Mã dẫn đến bỏ sót.

Theo HĐXX, bị cáo Mai, Công, Trúc thực hiện hành vi theo chỉ đạo của giám đốc chi nhánh là Lương Quang Minh (đã chết - PV) nên cũng xem xét giảm nhẹ một phần. Minh, Trúc có ý thức tích cực đề nghị dừng cho Thiên Mã vay khi phát hiện tình trạng sử dụng vốn vay sai mục đích, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp xử lý tài sản thế chấp nhằm thu hồi một phần nợ cho VDB.

Bị cáo Mai thì có thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo. Bị cáo Công thì chưa nhìn nhận hành vi phạm tội của mình.

Cũng theo HĐXX, các trường hợp khác tuy không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cũng cần nghiêm khắc phê phán.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Tòng, Diễm và Công ty Thiên Mã có trách nhiệm liên đới trả cho VDB Cần Thơ toàn bộ số tiền mà Tòng đã chiếm đoạt.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/chiem-doat-147-ti-tong-thien-ma-lanh-an-18-nam-792882.html