Chiêm ngưỡng 2 di tích quốc gia đặc biệt vừa xếp hạng ở Quảng Ninh

Thương cảng Vân Đồn là cảng ngoại thương đầu tiên của quốc gia, còn đình Trà Cổ được coi là 'cột mốc văn hóa' vùng cửa biển Đông Bắc.

Ngày 24/10/2023, Quảng Ninh chính thức có thêm 2 Di tích quốc gia đặc biệt là quần thể Thương cảng Vân Đồn và Di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ, nâng tổng số Di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh này lên 8 di tích.

Thương cảng Vân Đồn là cái tên mang đậm tầm vóc lịch sử. Nơi đây là cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu vùng Đông Bắc nên từ sớm đã có Đồn Vân. Đến thời Lý, năm 1149, vua Lý Anh Tông ban chiếu lập trang Vân Đồn, mở ra thương cảng đầu tiên buôn bán với nước ngoài, khẳng định Việt Nam từ sớm là một quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.

Đền thờ vua Lý Anh Tông tại trung tâm huyện Vân Đồn hiện nay. Từ sự mở đầu này, thương cảng Vân Đồn từng bước phát triển và rực rỡ trong khoảng 7 thế kỷ, cực thịnh từ thế kỷ XIII đến XVI dưới thời Trần, Lê sơ. Vân Đồn không chỉ là nơi giao thương hàng hóa với các quốc gia láng giềng mà còn đóng vai trò quan trọng trên con đường vận tải biển quốc tế giữa Bắc Á với Nam Á, Ấn Độ và Địa Trung Hải, cho đến khi dần lụi tàn cuối thế kỷ XVIII.

Các nhà khảo cổ đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và phát hiện nhiều loại hình hiện vật, phổ biến nhất là đồ gốm sứ nhiều niên đại, men dày, chất lượng tốt. Những di chỉ khảo cổ cho thấy thương cảng không chỉ có một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau. Trung tâm của thương cảng có phạm vi 200km vuông ở vùng vịnh Bái Tử Long, thuộc địa bàn xã Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng của huyện Vân Đồn, trong đó vùng Cống Đông - Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi) là trung tâm một thời của thương cảng Vân Đồn.

Vân Đồn cũng giữ vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh và ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của cha ông nơi cửa biển: Tướng Trần Khánh Dư diệt đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên Mông Trương Văn Hổ, buộc đại quân giặc phải rút lui và bị tiêu diệt ở sông Bạch Đằng (1288). Hiện nay, người dân tại đây vẫn lưu giữ các truyền thống, nổi bật là lễ hội đình Quan Lạn, tái hiện chiến thắng lịch sử với tục đua thuyền trên biển độc đáo. Ảnh: Lễ hội kỷ niệm 735 năm chiến thắng Vân Đồn

Vân Đồn ngày nay là huyện đảo, khu kinh tế có vị trí quan trọng với nhiều dự án tầm cỡ. Tỉnh Quảng Ninh định hướng xây dựng và phát triển Vân Đồn trở thành trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, dịch vụ, thương mại quốc tế của khu vực… Cùng với đó là khôi phục, đưa di tích Thương cảng Vân Đồn trở về đúng với vị thế, tầm vóc với các giá trị truyền thống để tạo sản phẩm du lịch mới, khác biệt, tiếp tục thu hút du khách trong và ngoài nước.

Một di tích nổi tiếng khác của Quảng Ninh cũng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt dịp này là đình Trà Cổ (TP. Móng Cái). Đình thờ các vị tiên công lập nên làng Trà Cổ - “nơi đặt nét bút đầu tiên viết nên hình chữ S Việt Nam”.

Giữa xóm làng là ngôi đình Trà Cổ đồ sộ mang kiến trúc đặc trưng của đình làng vùng quê Bắc bộ, tựa như “cột mốc văn hóa Việt” nơi biên ải. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, trên các đầu xà, cửa võng là những tác phẩm phượng long chạm trổ tinh vi, các long ngai, sắc phong quý giá có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đặc biệt, trong đình có hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài).

Dưới mái đình làng biển, nơi “những thăng trầm thời gian đã ghi tạc hình dáng”, những câu chuyện việc làng vẫn tiếp diễn như cách đây hàng trăm năm. Ông Khổng Minh Tiệp, Phó Ban quản lý đình Trà Cổ kể: “Tất cả nét văn hóa của làng đều giữ được truyền thống của người Việt, từ nếp sống văn hóa cưới xin, lễ hội, ma chay cũng có những nét đặc sắc riêng. Nhờ có sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng mà người Trà Cổ luôn đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế”.

Lễ hội truyền thống Đình Trà Cổ diễn ra từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch hàng năm, là sự pha trộn đặc sắc giữa bản sắc văn hóa của người Việt và tín ngưỡng tâm linh của ngư dân miền biển. Ngày 1/6 vào chính hội, người dân rộn ràng lễ rước Vua ra bể, đoàn rước kéo dài trên bãi biển long trọng, trang nghiêm, dưới biển có đoàn thuyền theo hộ tống. Dọc đường làng, các gia đình bày các mâm quả, sản vật biển... thắp hương thành kính để tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho cuộc sống ấm no, ra khơi cá tôm đầy thuyền.

Điểm độc đáo nhất của lễ hội phải kể đến tục thi lợn to gọi là “Ông Voi”. Mỗi năm làng chọn ra 12 ông “cai đám” khỏe mạnh, biết làm ăn, đạo đức tốt, gia đình thuận hòa để chăm sóc Ông Voi. Tới lễ hội, Ông Voi được đưa ra đình chầu thần và chấm thi dựa trên cân nặng, hình thể. Năm 2019, lễ hội được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đình Trà Cổ hiện nay là điểm đến văn hóa – tâm linh ý nghĩa của thành phố biên cương Móng Cái. Cùng với 6 Di tích quốc gia đặc biệt đã xếp hạng trước đó là vịnh Hạ Long (TP. Hạ Long), khu di tích Bạch Đằng (TP. Uông Bí và TX. Quảng Yên), di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí và TX. Đông Triều), khu di tích Nhà Trần (TX. Đông Triều), di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên (TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn), khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô (huyện Cô Tô); đình Trà Cổ và Thương cảng Vân Đồn là những di tích đặc biệt chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa lâu dài của vùng đất nơi địa đầu Đông Bắc./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/anh-cua-ban/chiem-nguong-2-di-tich-quoc-gia-dac-biet-vua-xep-hang-o-quang-ninh-post1054963.vov