Chiêm ngưỡng bảo vật của triều đại Baekje - Hàn Quốc

Đến với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) những ngày này, công chúng sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng 3 bảo vật bằng vàng của triều đại Baekje - Hàn Quốc đang được trưng bày tại Triển lãm 'Baekje và Jeju: Từ Di sản Hàn Quốc đến Di sản thế giới'.

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Di sản Thế giới Baekje, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Tỉnh tự quản đặc biệt Jeju tổ chức Triển lãm Trưng bày "Baekje và Jeju: Từ Di sản Hàn Quốc đến Di sản thế giới".

Không gian sống, Hoàng thành tại Trưng bày "Baekje và Jeju: Từ Di sản Hàn Quốc đến Di sản thế giới".

Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn, Triển lãm nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022).

Thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cùng các đối tác tại Hàn Quốc đã có nhiều hợp tác tích cực và hiệu quả về văn hóa. Với Trưng bày, công chúng sẽ được tìm hiểu về những giá trị nổi bật toàn cầu của đảo núi lửa - hang dung nham Jeju, quần thể di tích lịch sử Baekje, cũng như những nét đặc sắc về thiên nhiên - văn hóa Hàn Quốc.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tin tưởng: “Sự kiện đặc biệt lần này sẽ góp phần giúp nhân dân hai nước hiểu, đồng cảm và gần gũi nhau, tiến tới cùng nhau vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng chung của hai quốc gia trong cộng đồng văn hóa thế giới”.

Theo Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Baekje Gwiyoung Lee, Jeju là nơi thể hiện những đặc trưng địa chất, chứng tích về lịch sử hình thành của trái đất, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới năm 2007; quần thể di tích lịch sử Baekje thể hiện nền văn hóa rực rỡ của triều đại Baekje từ 1.400 năm trước và cũng được UNESCO công nhận Di sản Thế giới năm 2015.

Phần 3 của Trưng bày là Không gian của kiếp sau: Lăng mộ hoàng gia.

Trưng bày chuyên đề được chia làm 4 phần, gồm Không gian sống: Hoàng thành; Không gian tín ngưỡng: Chùa; Không gian của kiếp sau: Lăng mộ hoàng gia và Di sản thiên nhiên Jeju.

Điểm nhấn của không gian trưng bày là 3 hiện vật quý được phục chế từ hiện vật gốc: Chi tiết trang trí bằng vàng trên vương miện của vua Muryeong được tìm thấy trong quan tài của vua khi ngôi mộ được khai quật vào năm 1971; lư hương đồng mạ vàng Baekje tại di tích chùa Neungsanri (Lăng Sơn Lí tự); bình đựng xá lị, khai quật trong tháp đá di tích chùa Mireuk (Di Lặc tự).

Công chúng Thủ đô khi đến thưởng lãm tại Phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sẽ được tham gia các hoạt động đa dạng như trải nghiệm thực tế ảo thông qua hình ảnh, video, làm đèn lồng và thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc với những đặc sản của Baekje. Ngoài ra, người xem cũng sẽ được mặc thử trang phục truyền thống, làm đèn lồng và thưởng thức ẩm thực Hàn Quốc với những đặc sản của Baekje.

Bình xá lị (phục chế) được khai quật trong tháp đá di tích chùa Mireuk, gồm 2 bình lồng vào nhau, bình trong bằng vàng và bình ngoài bằng đồng mạ vàng, trong cùng có một bình nhỏ bằng thủy tinh.

Trưng bày sẽ mở cửa cho công chúng tới tham quan tới ngày 16/10 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Quang Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chiem-nguong-bao-vat-cua-trieu-dai-baekje-han-quoc-146171.html